Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những cơ quan nào đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra?

Thứ ba, 15/08/2017 - 08:49

(Thanh tra)- Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 33 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra (KLTT).

Theo đó, việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện KLTT, Nghị định số 33 quy định phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; tiến hành đối với từng vụ việc hoặc đồng thời nhiều vụ việc tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc được theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành KLTT có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT trong phạm vi quyền hạn do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan ban hành KLTT có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT trong phạm vi quyền hạn do pháp luật quy định.

Còn Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của mình.

Cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT là đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện KLTT.

Nội dung theo dõi việc thực hiện KLTT gồm quá trình tổ chức chỉ đạo việc thực hiện KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước hoặc thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung trong KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Nội dung đôn đốc việc thực hiện KLTT gồm nhắc nhở việc thực hiện nội dung được ghi trong KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhưng chưa được thực hiện; yêu cầu báo cáo giải trình nguyên nhân chưa hoàn thành việc thực hiện KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; áp dụng biện pháp để KLTT, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện.

Nội dung kiểm tra việc thực hiện KLTT gồm việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện KLTT, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; kết quả thực hiện KLTT, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, bao gồm nội dung đã hoàn thành, chưa hoàn thành và tiến độ thực hiện; nắm bắt khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện KLTT, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện KLTT, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; trách nhiệm của chủ thể có liên quan và nguyên nhân chưa hoàn thành việc thực hiện KLTT, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố KLTT, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi. Hồ sơ theo dõi phải tập hợp các thông tin liên quan đến việc thực hiện KLTT như thông tin cơ bản về đối tượng theo dõi; nội dung trách nhiệm mà đối tượng theo dõi phải thực hiện; thống kê cụ thể và tổng hợp các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý; nội dung, thời hạn được ghi trong yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý.

Hoạt động theo dõi được tiến hành thông qua việc yêu cầu đối tượng theo dõi báo cáo tình hình thực hiện KLTT và cung cấp tài liệu chứng minh. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phân công người trực tiếp làm việc với đối tượng theo dõi để xác định thông tin về tình hình thực hiện KLTT.

Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày công bố KLTT, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan thanh tra Nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về kết quả theo dõi việc thực hiện KLTT. Báo cáo gồm thông tin chung về KLTT và trách nhiệm phải thực hiện của đối tượng theo dõi; kết quả thực hiện kết luận thanh tra; đánh giá việc thực hiện KLTT; phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực hiện KLTT.

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện KLTT, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành căn cứ kết quả theo dõi để quyết định. Kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ theo dõi theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện KLTT đã hoàn thành; tiến hành đôn đốc theo quy định tại Nghị định này nếu việc thực hiện KLTT chưa hoàn thành.

Kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện KLTT được thông báo đến đối tượng theo dõi và công khai theo quy định của pháp luật.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm