Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nạn nhân bị hãm hiếp khó khăn trong tiếp cận công lý

Thứ tư, 21/03/2018 - 22:43

(Thanh tra) - Chiều 21/3, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng với Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) công bố nghiên cứu xét xử tội hiếp dâm: Tìm hiểu cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam. Đây là nghiên cứu so sánh đầu tiên được thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa: Ảnh Internet

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận công lý, một phần là do thái độ và hành vi phân biệt đối xử. Những khó khăn và thách thức này khiến các nạn nhân cảm thấy nản lòng, không được tiếp cận pháp lý và không được hỗ trợ ở mọi giai đoạn của quá trình xét xử, từ khâu trình báo ban đầu cho đến phiên tòa xét xử.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh, chính sách và ứng phó của cơ quan Nhà nước đối với bạo lực đối với phụ nữ cần được điều chỉnh cho phù hợp với những nhu cầu, những ưu tiên cụ thể và đa dạng của phụ nữ và trẻ em gái.

Theo ông Malhotra, cùng với những nỗ lực để ngăn chặn ngay bạo lực, các hoạt động ứng phó của ngành Tư pháp là vô cùng quan trọng để có thể chấm dứt chu kỳ bạo lực. Cần truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nào cũng đều không thể chấp nhận được. Các nhà cung cấp dịch vụ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Báo cáo nghiên cứu đã phân tích cách thức các hệ thống tư pháp hình sự tại Thái Lan và Việt Nam ứng phó với những trường hợp hiếp dâm và tấn công tình dục của phụ nữ. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã rà soát tổng cộng 290 hồ sơ vụ án của cảnh sát hoặc toà án và phỏng vấn 213 người bao gồm các quan chức chính phủ, nhân viên tư pháp, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân sống sót.

Nghiên cứu tập trung để hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng trong quá trình đi tìm công lý của các nạn nhân - quá trình mà các vụ án không được giải quyết thông qua hệ thống tư pháp, từ giai đoạn nộp đơn khiếu nại ban đầu, điều tra, quyết định truy tố và cuối cùng đến giai đoạn xét xử. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những nạn nhân bị hãm hiếp phải đối mặt với nhiều rào cản lớn về chính sách và thực tiễn về mặt xã hội, pháp lý và thể chế. Đó là những rào cản về định kiến và khuôn mẫu đối với chính nạn nhân và kẻ được cho là thủ phạm, rằng họ phải hành xử như thế nào, rào cản trong việc giải quyết khiếu nại không chính thức, trong cách ứng xử thiếu sự đồng cảm với nạn nhân, và thủ tục tố tụng tòa kéo dài, thường không nhạy cảm với những trải nghiệm, thương trấn tâm lý mà nạn nhân bị hãm hiếp phải chịu đựng.

Bà Anna-Karin Jatfors, Phó Giám đốc UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, nghiên cứu cho thấy có những rào cản phổ biến trong việc tiếp cận công lý mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục đang gặp phải không chỉ là những khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, mà còn ở thái độ và sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các quan chức tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Hiểu được những rào cản đối với công lý sẽ là bước đầu quan trọng để đảm bảo công lý cho phụ nữ và chấm dứt tình trạng vụ án bạo lực tình dục không được xử lý một cách công bằng. 

Ông Nick Booth, Cố vấn của UNDP tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quản trị công, phòng ngừa xung đột, tiếp cận công lý và Thúc đẩy nhân quyền, khẳng định: "Bạo lực tình dục là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất mà phụ nữ phải đối mặt, và vấn đề này cần được ưu tiên trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu này làm nổi bật những hạn chế trong các cơ chế chuyển tuyến và phối hợp của hệ thống pháp luật, cũng như trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và phúc lợi xã hội giúp ngăn ngừa bạo lực tình dục và đảm bảo nạn nhân nhận được sự công bằng mà họ xứng đáng. Các dịch vụ pháp luật tích hợp là thực sự cần thiết để khiến cho những thủ phạm hiếp dâm bị trừng phạt thích đáng".

Các phát hiện của nghiên cứu chỉ ra nhiều yếu tố chính trong các vụ án hiếp dâm trái ngược hoàn toàn với các quan niệm sai lầm phổ biến về hãm hiếp. Theo quan niệm thì các vụ hãm hiếp thường do người lạ, gây thương tích và xảy ra ở nơi công cộng, nhưng trên thực tế ở Việt Nam 86% nạn nhân được hỏi nói rằng họ biết người bị tình nghi là thủ phạm và 76% nạn nhân không có dấu hiệu thương tích rõ rệt. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với cách các hệ thống pháp lý xử lý các tội phạm liên quan đến tình dục và tương tác với các nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu là sự tham gia của Chính phủ Thái Lan và Việt Nam trong việc nghiên cứu sẽ giúp nâng cao hiểu biết chung của mọi người về những rào cản về công lý, cũng như để tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề đang tồn tại.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm