Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi một bên giao dịch là “nhà giáo”!

Thứ ba, 16/09/2014 - 08:08

(Thanh tra)- Ông Nguyễn Văn Ngà cho biết: Chị Nguyễn Thị H., giáo viên một trường trung học cơ sở huyện Mê Linh (Hà Nội) là chủ sử dụng mảnh đất ở, diện tích 76 m2 tại mặt đường 50 xóm Chợ, xã Mê Linh. Chị H. đồng ý bán mảnh đất này cho tôi với giá 15 triệu 500 nghìn đồng/m2.

Theo thỏa thuận: Ngày 20/12/2013, tôi giao trước tiền đặt cọc 100 triệu đồng cho bên bán; ngay sau đó, chị H. phải có trách nhiệm cùng với tôi làm thủ tục và tôi trao nốt số tiền mua đất còn lại. Tôi đã vay ngân hàng, anh em trong họ đủ số tiền để trả cho chị H. và đã ký vào trích lục bản đồ để chị H. đi làm thủ tục chuyển nhượng. Nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua mà chị H. vẫn chưa thực hiện điều cam kết của mình. Qua tìm hiểu, tôi khẳng định “sổ đỏ” mảnh đất này chị H. đã thế chấp cho tổ chức tín dụng từ trước khi cam kết bán đất cho tôi. Đây là sự dối trá có chủ ý. Vì vậy, tôi đã làm đơn gửi chính quyền và công an huyện, xã, đề nghị can thiệp theo chức năng, thẩm quyền của những cơ quan này; đề nghị cho phép tôi dựng một nhà tạm bằng vật liệu đơn giản để giải quyết khó khăn trong đời sống, kiếm tiền trả lãi suất đi vay mua đất và giữ đất.


Mong Tòa soạn cho biết ý kiến về việc của tôi.


Nguyễn Văn Ngà


Ý kiến của chúng tôi

1. Chỉ với bằng chứng là “Giấy đặt cọc” thì cơ quan có thẩm quyền không đủ cơ sở cho phép ông Ngà dựng một nhà tạm “giữ đất”. Để làm được việc này, chủ đầu tư cần phải tuân thủ trình tự, thủ tục “xây dựng nhà tạm” quy định tại Điều 9 (Giấy phép xây nhà tạm) quy định tại Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng.

2. Theo bên nhận chuyển nhượng: Trước khi cam kết bán đất cho ông Ngà, chị H. “đã thế chấp sổ đỏ cho tổ chức tín dụng”; nay “vẫn tiếp tục rao bán mảnh đất này cho người khác”. Nếu đúng như vậy thì đây là những dấu hiệu cho thấy bên chuyển nhượng thiếu thiện chí và không trung thực, vi phạm Điều 6 Bộ Luật Dân sự: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”.

3. Hành vi “lừa dối” trong giao dịch dân sự chuyển dịch thành “lừa đảo” hoặc “lạm dụng tín nhiệm” để chiếm đoạt tài sản trong các vụ án hình sự thời gian qua xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền (chính quyền, công an) cần khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin về vụ này theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự để có biện pháp xử lý phù hợp: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.

4. Là giáo viên một trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chị H. còn phải thực hiện “Quy định về đạo đức nhà giáo” ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tại Điều 8 văn bản này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao thẩm quyền cho Giám đốc các Sở GD-ĐT “tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo” và “xử lý nghiêm túc, kỷ luật thích đáng các cá nhân, tổ chức vi phạm”.

Hy vọng, khi giải trình với cơ quan thanh tra, giáo viên Nguyễn Thị H. chứng minh một cách thuyết phục rằng chị không hề “dối trá” hay “lừa đảo” trong giao dịch chuyển nhượng đất. Làm được như vậy, nhà giáo mới tránh được hậu quả bị loại khỏi ngành Giáo dục - nơi đòi hỏi khắt khe về đạo đức “Gương mẫu” mà người làm “thầy” bắt buộc phải có.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm