Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân được tham gia từ khâu “thiết kế” đến “thi công”

Thứ sáu, 04/07/2014 - 13:28

(Thanh tra) - TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh, những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hợp ý người dân triển khai thuận lợi, còn vì lý do này lý do khác mà chưa sát, chưa hợp nguyện vọng của người dân thì khi tổ chức triển khai thường gặp phản ứng rất mạnh, thậm chí “chết yểu”.

TS Nguyễn Văn Cương. Ảnh: Thảo Nguyên

Theo TS Nguyễn Văn Cương, ý kiến của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, và đó là quyền hiến định. Song, trong những năm qua, việc lấy ý kiến người dân vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, tuy ngày càng được coi trọng, nhưng đôi khi còn hình thức hoặc chưa thu hút được sự quan tâm thực sự của người dân cũng như của chính đối tượng chịu sự tác động của VBQPPL vào quá trình lấy ý kiến.

+ Vậy Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL củng cố quyền góp ý kiến của người dân như thế nào, thưa ông?

- Về tổng thể, cơ hội để người người dân tham gia góp ý, xây dựng pháp luật trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL được mở rộng hơn, với ý tưởng rất táo bạo là tách quá trình xây dựng các đạo luật thành 2 công đoạn: làm chính sách và soạn thảo dự án VBQPPL, khắc phục được tình trạng như nhiều chuyên gia đã cho rằng, chúng ta đang xây dựng luật theo cách “vừa thiết kế, vừa thi công”, rất không tốt cho nâng cao chất lượng VBQPPL.

Trong cả 2 công đoạn này đều qui định thủ tục lấy ý kiến người dân. Qua đó, tạo cơ hội để người người dân tham gia góp ý ngay từ khi hoạch định chính sách đến khi hoàn thiện dự thảo văn bản, bảo đảm việc xây dựng pháp luật kịp thời phản ánh ý dân, phúc đáp nhu cầu của thực tiễn.

Ngoài ra, người dân cũng có thể thông qua các kênh truyền thống như Đại biểu Quốc hội, trực tiếp liên hệ với cơ quan soạn thảo, cơ quan truyền thông để góp ý vào dự thảo VBQPPL.

Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL cũng quy định, cơ quan, tổ chức lấy ý kiến có trách nhiệm báo cáo về việc tiếp thu ý kiến và phải đăng tải công khai báo cáo này. Người dân sẽ có cơ hội tìm hiểu xem ý kiến của mình được tiếp thu, phản hồi như thế nào.

+ Số người dân có thể tiếp cận các phương tiện thông tin điện tử chưa nhiều, trong khi Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL dường như lựa chọn đó là kênh duy nhất để đăng tải các dự thảo VBQPPL lấy ý kiến người dân, liệu có hạn chế cơ hội góp ý của người dân?

- Đúng là ở nhiều vùng miền, việc tiếp cận Internet của người dân còn khó khăn, nên dự thảo Luật Ban hành VBQPPL cũng không coi đây là kênh duy nhất để lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu sự tác động.

Bên cạnh phương thức này, Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL không hạn chế việc cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến người dân thông qua các hình thức khác. Việc này do các cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định.

Một thực tế đặt ra, nếu dự thảo VBQPPL nào cũng tổ chức lấy ý kiến đại trà thì chi phí cho việc tổ chức lấy ý kiến sẽ rất lớn, trong khi đó sự trùng lặp ý kiến của người dân cũng dễ xảy ra.

Chính vì thế, trong bối cảnh nguồn lực cho việc lấy ý kiến người dân có giới hạn, chúng ta buộc phải tính toán để làm sao việc bảo đảm quyền của người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm về dự thảo VBQPPL vừa thực chất, nhưng lại vừa tiết kiệm. Đây là việc không hề dễ dàng.

+ Có nên bổ sung thêm một kênh để đăng tải các dự thảo VBQPPL lấy ý kiến, như hệ thống truyền thanh cơ sở, để thông tin đến gần hơn với đa số người dân?

- Tôi nghĩ đây là một ý kiến đáng cân nhắc, nhất là với các dự thảo văn bản liên quan lợi ích thiết thân của đại đa số người dân. Hiện tại, Luật Ban hành VBQPPL cũng đang trong quá trình dự thảo nên tôi tin những đề xuất, góp ý như thế này và những góp ý của người dân sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ban hành văn bản quy định chi tiết sai sẽ phải bồi thường?Khoản 2 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.Dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm bồi thường do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai gây ra, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện sự “sòng phẳng” của Nhà nước với nhân dân.Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Thảo NguyênTại Phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp để cho ý kiến đối với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hợp nhất hôm qua (3/7), theo Bộ Tư pháp, vấn đề này có 2 luồng ý kiến.Thứ nhất, có ý kiến đồng tình với quy định này của dự thảo. Vì trong thời gian qua, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sai trái đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân, gây bức xúc trong dự luận xã hội. Trong khi luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của các chủ thể ban hành văn bản nói trên. Do vậy, cần có quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.Luồng ý kiến thứ hai cho rằng rất khó để quy định trách nhiệm, vì việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh phải qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau, nên rất khó quy trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể. Nhiều thành viên Hội đồng cũng nêu ý kiến, chỉ khi nào mở rộng thẩm quyền phán xét của Tòa án thì hãy tính đến trách nhiệm bồi thường do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm