Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 12/09/2014 - 16:21
(Thanh tra) - Mở lớp tập huấn cho cán bộ xã; xây dựng đội ngũ báo cáo viên; trang bị tủ sách pháp luật đến cơ sở; làm băng rôn, phát tờ rơi đến từng hộ dân; in băng đĩa tiếng dân tộc Mông cấp cho các xã; phát huy vai trò già làng, trưởng bản; trực tiếp tuyên truyền tại các phiên tòa lưu động… Đây là những cách đưa pháp luật về bản, đến dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Lớp tập huấn Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp dân cho cán bộ trưởng ban, ngành của huyện, các xã. Ảnh: Hồng Bài
Là huyện mới thành lập (tháng 10/2013), Vân Hồ có 14 xã, 144 bản với 13.254 hộ, trên 57.900 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 93,6%. Huyện có 100% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 57% hộ nghèo. Trình độ dân trí thấp, không đồng đều, trình độ cán bộ cấp xã, bản năng lực còn nhiều hạn chế…
Đây là những khó khăn lớn trong công tác tuyên truyền, đưa pháp luật, trong đó có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Đất đai về cơ sở, đến với người dân ở huyện Vân Hồ.
Tuy nhiên, trong cái khó, Vân Hồ đã ló “cái khôn” đem lại hiệu quả thiết thực. Pháp luật đã về đến từng bản, vào từng nhà dân, làm “sáng” cái đầu của đồng bào Mông, Thái, Mường, Xinh Mun… làm cho mọi nhà no ấm, xóm bản yên vui, đoàn kết.
Trao đổi với PV, ông Phạm Thái Bình, Chánh Thanh tra huyện Vân Hồ cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 2 lớp tập huấn về kê khai tài sản, Luật Đất đai năm 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Hòa giải ở cơ sở cho 400 cán bộ cấp huyện, xã. Tổ chức tập huấn Luật Thanh tra cho 100% cán bộ thanh tra cấp xã, huyện. Sau lớp tập huấn, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã cấp cho mỗi xã một bộ sách về luật, phát 8.500 tờ rơi tuyên truyền có nội dung về pháp luật đến từng hộ dân. Đồng thời in 40 đĩa CD tuyên truyền về pháp luật đưa về các xã. UBND xã giao cho ban văn hóa đến từng bản, cụm dân cư phát trên màn hình cho nhân dân xem, nghe, căng 60 băng rôn tại khu dân cư, nhà văn hóa bản. Những lần về cơ sở đều tổ chức tuyên truyền vào buổi tối, vì ban ngày bà con đi làm trên nương. Báo cáo viên đều là những người có trình độ đại học luật, thông thạo tiếng dân tộc, am hiểu tập quán đồng bào.
Nói về nội dung trong đĩa CD, ông Bình cho biết, rất hấp dẫn, thiết thực, dễ hiểu, có tính giáo dục cao, đồng bào rất thích xem. Đó là trong nội dung từng luật có minh họa bằng hình ảnh. Những hình ảnh đó được ghi lại tại các vụ xử án của tòa án huyện mà đối tượng vi phạm pháp luật là người địa phương. Vì vậy, tính giáo dục rất cao. Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cách tuyên truyền này phù hợp và hiệu quả.
Cách tuyên truyền tại các phiên tòa lưu động cũng mang lại hiệu quả cao. Ông Giàng A Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ cho biết: Khi xử án, nhiều người, nhiều lứa tuổi đến xem. Đây là cơ hội tốt để mình tuyên truyền pháp luật. Trước khi tòa xử án, đối tượng được đưa ra trước vành móng ngựa, mình tranh thủ 15 - 20 phút nói về cái tội, nguyên nhân phạm tội, tội ấy vi phạm luật nào của Nhà nước. Vi phạm pháp luật sẽ bị xử án, phải vào tù. Vào tù thì bố mẹ, vợ con ở nhà sẽ khổ, xấu hổ với dân bản… Được thấy, được nghe, đồng bào nhớ lâu, thấy ngay cái xấu mà tránh. Chỉ tính trong 7 tháng năm 2014, TAND huyện Vân Hồ đã xử 19 vụ án lưu động. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật, vừa có tính răn đe vừa giáo dục phòng ngừa rất hiệu quả.
Cách đưa pháp luật về với dân, được dân tiếp nhận, thực hiện, làm theo pháp luật ở Vân Hồ phải kể đến vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, trong cộng đồng. Bài học bắt đầu từ vụ tranh chấp đất nương giữa 2 hộ ở bản Lóng Sá, xã Lóng Luông. Hai nhà cãi nhau trên nương rồi kéo nhau về ủy ban xã nhờ chính quyền giải quyết. Cán bộ tư pháp xã giải thích, cán bộ Mặt trận, Hội Người cao tuổi đứng ra hòa giải, không thành. Hai nhà bắt đầu lăm le, hằn học nhau. Đúng lúc căng thẳng nhất, cụ Sồng A Chu, người cao tuổi nhất, có uy tín nhất trong bản đã đứng ra giải quyết. Cụ A Chu gọi tất cả người 2 nhà đến nhà cụ. “Từ bao đời nay người Lóng Sá sống đoàn tụ lắm, khi đói chia nhau từng bắp ngô, lúc no uống chung một bát rượu. Tết đến, mổ con lợn cả bản cùng ăn. Tại sao bây giờ nhà nào cũng ăn no, mặc đẹp lại tranh nhau một vài thước đất. Phải nhường nhịn nhau. Nào, chúng mày đưa cái tay đây cho tao”. Nói rồi, cụ A Chu cầm tay hai nhà đặt vào nhau. “Nhà mày nhiều đất rồi thì nhường cho nhà nó làm cái nương đấy. Con nó có bắp ngô ăn, nó không quên ơn nhà mày đâu”. Cụ rót một bát rượu đầy đưa cho người hai nhà cùng uống. Bát rượu cạn, hai nhà nắm chặt tay nhau, cười vang.
Cụ A Chu với cái khèn trên vách, căng má thổi, điệu vang lên réo rắt, trầm bổng, cả hai nhà cùng bà con trong bản nắm tay nhau múa hát.
Còn nhiều vụ khác, chỉ vì con trâu, con bò thả chung trên núi, lúc trâu, bò đẻ con bê, con nghé, hai, ba nhà cùng nhận là của nhà mình. Cụ Sồng A Chu lại đứng ra hòa giải.
Ở các xã Tô Múa, Song Của, Mường Tè, Tân Xuân, Chiềng Yên, Xuân Nha… đều có cụ tham gia công tác hòa giải như cụ Sồng A Chu. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cách làm thiết thực, hiệu quả cao. Vì cách tuyên truyền này sẽ làm chuyển biến nhanh, chắc tư tưởng, hành động của đồng bào trong việc chấp hành pháp luật.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, Vân Hồ chú trọng làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hàng tuần, Chủ tịch UBND huyện, Thường trực HĐND huyện trực tiếp tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 8 tháng năm 2014, phòng tiếp dân huyện Vân Hồ tiếp nhận 32 đơn, trong đó 24 đơn đề nghị, 8 đơn tố cáo. Đến nay, Thanh tra huyện đã giải quyết dứt điểm 100% đơn thư. Phần nhiều các vụ khiếu nại, đề nghị được giải quyết tại cơ sở. Vì vậy không có đơn thư vượt cấp, khiếu nại đông người.
Trong thời gian qua, Thanh tra huyện đã thực hiện 4 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại 4 xã Mường Men, Suối Bàng, Liên Hòa, Chiềng Xuân. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm tại xã Mường Men với số tiền 96.030.000 đồng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 28.880.000 đồng, thu hồi trả lại cho UBND xã 67.915.000 đồng. Tại xã Suối Bàng, phát hiện sai phạm, thu hồi nộp ngân sách 5.957.900 đồng.
Đưa pháp luật về cơ sở để cán bộ, nhân dân hiểu luật, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật là biện pháp phòng chống tham nhũng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hiệu quả nhất mà Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Vân Hồ đã làm được.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12, UBND huyện Châu Phú phối hợp với UBND huyện Châu Thành, tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.
Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang
Vân Trang
Ngọc Giàu
TC
PV
Cảnh Nhật
Thái Hải