Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ sáu, 08/11/2024 - 12:57
(Thanh tra) - Ngày 8/11, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) đã tổ chức Hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, do ThS Nguyễn Sỹ Giao, Viện CL&KHTT làm Chủ nhiệm.
ThS Nguyễn Sỹ Giao trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH
Công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đã tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư
Trình bày kết quả nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài cho biết, tính từ ngày 1/1 - 31/10/2023, đã có hơn 6.000 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) thành công, với giá trị trúng đấu giá đạt gần 43,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 1,13 lần.
"Điều này chứng tỏ hệ thống pháp luật và công tác tổ chức đấu giá quyền SDĐ đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, giúp ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước và tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu”, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.
Đề tài cũng chỉ ra những nỗ lực của chính quyền trong việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức các chương trình phổ biến pháp luật, với hơn 797 hội nghị được tổ chức trên khắp cả nước, thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội và đoàn thể trong việc tuyên truyền pháp luật đất đai, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào các hoạt động liên quan đến đất đai.
Một trong những thành tựu nổi bật khác là quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai, một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, và một số địa phương đã bước đầu đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả. Hệ thống hồ sơ địa chính đã được số hóa và đồng bộ giữa các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, được 63 tỉnh, thành phố triển khai, giúp đơn giản hoá các thủ tục, giảm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp…
Bên cạnh những thành tựu trong việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường phòng chống tham nhũng, thực tế vẫn cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình triển khai pháp luật, dẫn đến những vụ vi phạm nghiêm trọng và gây tổn thất lớn cho tài sản công. Những vụ việc vi phạm này không chỉ gây ra thất thoát về kinh tế mà còn làm suy yếu niềm tin của công chúng vào sự minh bạch và tính công bằng của hệ thống quản lý Nhà nước.
Tình trạng tham nhũng còn xuất hiện dưới hình thức can thiệp giá trị thị trường đất đai. Những vụ "thổi giá" đất tại Thủ Thiêm và Hoài Đức, Hà Nội, là minh chứng rõ ràng về sự can thiệp của các nhóm lợi ích vào thị trường bất động sản. Khi giá đất bị đẩy lên quá cao, không chỉ làm sai lệch giá trị thực của thị trường mà còn gây ra các hệ lụy tài chính nghiêm trọng.
Công khai thông tin đấu giá, các tiêu chí lựa chọn nhà thầu
Chủ nhiệm đề tài cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tính chất khan hiếm, đất đai không chỉ là một tài sản có giá trị gia tăng theo thời gian mà còn được coi là phương tiện bảo vệ tài sản trước lạm phát và suy thoái kinh tế. Điều này khiến đất đai trở thành một đối tượng hấp dẫn đối với các hành vi tham nhũng, đặc biệt là từ những người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Trước khi các luật chủ chốt như Luật Đất đai 2024, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, và Luật Đầu tư được sửa đổi, những bất cập trong quy định pháp luật đã tạo ra những kẽ hở dễ bị lợi dụng, dẫn đến những hành vi tiêu cực trong quá trình đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án.
Ngoài ra, các quy định về việc xác định giá khởi điểm, các điều kiện tham gia đấu giá như vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh còn chưa chặt chẽ. Sự lỏng lẻo này đã tạo điều kiện cho các hiện tượng “thông đồng, dìm giá/nâng giá ảo”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” diễn ra một cách tinh vi; tình trạng “thổi giá” của tổ chức/cá nhân nhằm lợi dụng để đẩy giá đất lên cao, từ đó hưởng lợi từ các giao dịch bất động sản xung quanh hoặc tăng giá trị doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, tăng giá cổ phiếu cũng đã diễn ra.
Chủ nhiệm đề tài cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trong đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án SDĐ còn xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau trong hệ thống quản lý và thực thi pháp luật.
Các vụ việc vi phạm xảy ra liên tục trên cả nước cho thấy những vấn đề cốt lõi về tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, cũng như vai trò giám sát, thanh tra và kiểm tra của các cơ quan chức năng. Những yếu tố này cùng tạo ra một môi trường thuận lợi cho tham nhũng và tiêu cực phát triển.
Cùng với đó, thiếu công khai và minh bạch được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm trong quản lý đất đai. Các quy trình giao đất, cho thuê đất và đấu thầu thường không được công khai, tạo điều kiện cho việc lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi sai phạm.
Chủ nhiệm đề tài nhận định, trong tương lai gần, nguy cơ tham nhũng và tiêu cực trong quản lý đất đai nói chung, đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án sử dụng đất nói riêng tại Việt Nam có thể còn phức tạp, dù các biện pháp phòng chống đang được tăng cường.
Công tác phòng chống tham nhũng trong đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án SDĐ đòi hỏi nhiều yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và ngăn chặn tiêu cực. Đầu tiên, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai có thể giảm thiểu nguy cơ tham nhũng.
Cùng với đó, việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp giúp hạn chế những trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết để trục lợi cá nhân.
Hoàn thiện quy định pháp luật nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Công khai thông tin đấu giá, các tiêu chí lựa chọn nhà thầu, và kết quả đấu thầu là cách để tạo môi trường minh bạch, ngăn ngừa lạm dụng quyền lực…
Tại hội nghị, Hội đồng Tự đánh giá cho rằng, đề tài nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng; đề tài đã làm rõ được các khái niệm, đặc điểm có liên quan.
Nhất là đã làm rõ được thực trạng pháp luật và thực tiễn phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá, đấu thầu SDĐ, đề tài cũng đã tìm ra hạn chế và nguyên nhân tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ; đưa ra hệ thống giải pháp có tính khả thi.
Hội đồng cũng đề nghị, tại Chương 1 cần bổ sung thêm phần nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ; bổ sung thêm ý nghĩa phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ.
Đồng thời, biên tập lại nội dung, cơ cấu của đề tài cho logic và mạch lạc hơn.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đề tài được thông qua, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tiếp thu những ý kiến góp ý của Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra nghiệm thu chính thức.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 8/11, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) đã tổ chức Hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, do ThS Nguyễn Sỹ Giao, Viện CL&KHTT làm Chủ nhiệm.
Thái Hải
12:57 08/11/2024(Thanh tra) - Chiều 7/11, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho hội thẩm nhân dân và công chức giữ chức danh tư pháp đợt II năm 2024.
Chính Bình
18:41 07/11/2024Thu Huyền
18:21 07/11/2024Hải Hà
18:03 07/11/2024Trọng Tài
17:01 07/11/2024Trung Hà
11:27 07/11/2024Trọng Tài
Thanh Lương
Nguyễn Thị Ngọc Hương - Đảng viên, Vietcombank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh
Nam Dũng
Hương Giang
Kim Thành
Cảnh Nhật
Chính Bình
CB