Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần rà soát toàn diện, nghiên cứu kỹ từng điều khoản của Bộ luật Hình sự

Thứ ba, 21/03/2017 - 21:51

(Thanh tra) - Đó là yêu cầu được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo Góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 20/3.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Nhật

Tham gia ý kiến, đại diện Khoa Luật, Đại học An ninh Nhân dân nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong quá trình sửa luật là phải tạo được một quan điểm chung, một trục chung để cùng hướng đến.

Đại biểu này giải thích, sự thiếu thống nhất đã khiến Bộ luật đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn. Trong đó có những mâu thuẫn xuất hiện ngay trong nội tại của từng điều luật và mâu thuẫn giữa quy định ở phần chung với phần các tội phạm cụ thể.

“Đây giống như một bản nhạc mà nhạc trưởng không điều tiết được nhạc công. Mỗi người chơi một tone, một nốt thì rất khó để tạo ra sự thống nhất”, đại biểu này so sánh.

Góp ý vào từng nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa rạch ròi định nghĩ về tội phạm. Thực tế, định nghĩa tội phạm được nêu ra trong BLHS năm 2015 đang đồng nhất giữa tội phạm là cá nhân và pháp nhân. Trong khi đây lại là 2 chủ thể hoàn toàn khác nhau ở rất nhiều phương diện.

Theo đại biểu, tại Điều 8 về khái niệm tội phạm, quan niệm chủ thể của tội phạm vừa là cá nhân vừa là pháp nhân nhưng nếu đọc kỹ các Điều 74, 75, 76 về phạm vi trách nhiệm hình sự mà pháp nhân phải chịu thì chủ thể của tội phạm không phải là pháp nhân, mà pháp nhân chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự mở rộng về các tội do cá nhân thực hiện.

Ngoài ra, khi quan niệm chủ thể của tội phạm là cá nhân và pháp nhân thì cũng đồng thời có 2 lỗi được đặt ra là “cố ý hoặc vô ý”. Tuy nhiên, tại Điều 76 thì không có tội phạm nào là “vô ý” mà chỉ có “cố ý”…

Trên quan điểm này, đại diện Đại học An ninh Nhân dân đề nghị triển khai 2 phương án: Hoặc tách định nghĩa tội phạm do pháp nhân thực hiện thành một khoản riêng tại Điều 8; hoặc bỏ quy định về pháp nhân tại Điều 8 đi và chỉ giữ lại nguyên tắc tại Điều 2 và các Điều 74, 75, 76 để thống nhất quan điểm pháp nhân không phải chủ thể của tội phạm.

Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đoàn Tạ Cửu Long cho rằng: Các khái niệm “tính chất nguy hiểm đáng kể” hay “gây ảnh hưởng xấu” trong tội gây rối trật tự công cộng… dễ tạo điều kiện cho việc tùy nghi.

Một số khái niệm gây khó khăn cho cơ quan tố tụng cũng được các đại biểu chỉ rõ: Ở tội không tố giác tội phạm, khái niệm “biết được” rất mơ hồ, điều này là chủ quan, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát rất khó xác định để buộc tội. Ở khoản 1 Điều 13 (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), khái niệm “bệnh khác” rất chung chung, cần làm rõ để giúp cơ quan tố tụng dễ dàng đấu tranh với tội phạm.

Bên cạnh đó, điều kiện “có nơi cư trú rõ ràng” trong quy định về tha tù trước thời hạn cũng cần được xem xét lại bởi nếu quy định vậy thì người vô gia cư vĩnh viễn không bao giờ được tha tù trước hạn. Điều này không công bằng với người nghèo, người không may mắn sinh ra đã mồ côi cha mẹ...

Liên quan đến quy định về chuẩn bị phạm tội (Điều 14), theo đánh giá của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Khóa XIII, TS Trần Du Lịch, một người có hành vi gây thương tích dưới 11% mà không thuộc các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Khoản 1 thì không bị xử lý hình sự. Trong khi đó, người chuẩn bị phạm tội này, chưa gây thương tích lại phải chịu trách nhiệm hình sự là vô cùng mâu thuẫn.

“Dường như chúng ta đang quy định việc xử lý hình sự nặng về hậu quả mà còn nhẹ trong xử lý về động cơ. Quan điểm của tôi là xử lý động cơ là chính”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Góp ý tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc quá trình sửa đổi cần rà soát toàn diện, nghiên cứu kỹ lưỡng từng điều khoản, chú trọng về chất lượng. Cần tập trung sửa lỗi kỹ thuật, không làm thay đổi chính sách hình sự trong Bộ luật mà Quốc hội đã thông qua, đáp ứng đáp ứng tốt nhất yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và thuận tiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng.

Liên quan đến quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, một số ý kiến đề nghị, làm rõ căn cứ để quy định theo hướng người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự ở một số điều luật này, nhưng với một số điều luật khác thì không áp dụng với đối tượng là người chưa thành niên.

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm