Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các trường ĐH muốn tiếp tục được tự chủ

Thứ sáu, 20/10/2017 - 18:36

(Thanh tra) - Sáng 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập theo Nghị quyết 77 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017 về tự chủ ĐH. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH

Nguồn thu chính từ học phí

Báo cáo tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017 do nhóm chuyên gia Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện cho biết, tự chủ trong giáo dục ĐH ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Nhóm đã tiến hành đánh giá kết quả hoạt động của 12/23 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm trở lên. 

Ông PGS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH (ĐH Kinh tế Quốc dân), Trưởng nhóm Nghiên cứu cho biết: Khi thực hiện tự chủ thủ tục hành chính được giảm bớt, các trường chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Quy mô tuyển sinh của các trường giảm theo xu hướng chung, đào tạo chính quy đại trà có phần giảm trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh đặc biệt từ 2015.

Đề tài nghiên cứu khoa học tăng, số lượng đề tài cấp Nhà nước và nghị định thư khoảng 15-20 đề tài/năm; các trường dành nhiều ngân sách của trường để đầu tư cho nghiên cứu khoa học như: ĐH Kinh tế Quốc dân tăng 1,6 lần; ĐH Ngoại thương tăng 19 (2015) lên 36 (2016). Số lượng đề tài của 12 trường tự chủ tăng đáng kể (gần gấp đôi); bằng sáng chế tăng từ 21 lên 61 trong giai đoạn 2013-2016.

Đặc biệt, các trường cũng đã đẩy mạnh tổ chức các hội thảo quốc tế (nhiều hơn so với hội thảo quốc gia); số hợp đồng chuyển giao công nghệ năm 2016 tăng gần gấp 1,33 so với 2013.

Tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường và lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống.

Đáng lưu ý, ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên và không thường xuyên giảm 16,51% so với trước, từ 430 tỷ đồng năm 2013 - 2014 xuống 359 tỷ đồng năm 2015 - 2016; cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng 85,1% từ 230 tỷ lên 425 tỷ. 

Nguồn thu chính của các trường là từ học phí và lệ phí (chiếm hơn 70% trong tổng thu), tăng 4,29 %. Đáng quan tâm, chi học bổng cho sinh viên tăng cả tuyệt đối từ 98 tỷ đồng lên 137 tỷ đồng với tỷ lệ gần 40%.

Hiện có 8/12 trường tự chủ trên 2 năm đã được cấp chứng nhận công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục; nhiều trường đã kiểm định quốc tế một số chương trình như ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có 7 chương trình; ĐH Tôn Đức Thắng là 1 trong 3 trường được gắn sao của QS-Star…

Hội nghị thu hút đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành và trường ĐH tham dự. Ảnh: HH


Nhân rộng tự chủ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tự chủ ĐH là quá trình đầy khó khăn, thách thức, nên cần có lộ trình phù hợp.

Kết quả ban đầu của mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, bất cập của tự chủ ĐH. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các trường ĐH đồng loạt mong muốn được tiếp tục tự chủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành văn bản mới sau khi Nghị quyết 77 về thí điểm thực hiện tự chủ trong các trường ĐH hết hạn vào cuối năm 2017.

Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Tự chủ không phải chỉ tự chủ tài chính mà quan trọng hơn là công tác cán bộ, tuyển sinh... 

Ông Sơn kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn mới khi Nghị quyết 77 còn 2 tháng nữa là hết hạn để các trường có hành lang pháp lý thực hiện, đồng thời nên nhân rộng mô hình tự chủ ra các trường ĐH khác chứ không chỉ 23 trường như hiện nay. 

Là một trong những trường được Nhà nước trao quyền tự chủ đầu tiên theo Nghị quyết 77, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đông Phong cho biết: 3 năm tự chủ, nhà trường đã kiểm định được chất lượng đào đào 7 chương trình theo chuẩn quốc tế; từ chỗ có hơn 87% sinh viên ra trường có việc làm năm 2013 đến sau 2016 đã là 94% có việc làm; 3 năm tự chủ không có học sinh nào kêu ca học phí cao, thu nhập bảo đảm đời sống cho giảng viên...

"Tự chủ mang đến rất nhiều đổi mới căn bản mà trong suốt 42 năm tôi về công tác ở trường chưa bao giờ có được" - ông Phong khẳng định.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm