Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng góp phần kéo dài cuộc khủng hoảng Covid-19 như thế nào?

Ngọc Anh

Thứ sáu, 31/12/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Năm 2021 kết thúc với những lo lắng về đại dịch Covid-19 còn dai dẳng: Hơn 274 triệu ca bệnh, 5,36 triệu ca tử vong (số liệu cập nhật ngày 19/12/2021) và biến thể mới Omicron. Trong thời điểm này, hãy cùng suy ngẫm về việc tham nhũng đã góp phần kéo dài cuộc khủng hoảng sức khỏe như thế nào?

Ảnh minh họa: News18

Theo số liệu thống kê của Our World In Data (cập nhật ngày 19/12), khoảng 8,67 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới; 56,8% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, và 35,99 triệu liều hiện được sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 7,6% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Gần 2 năm sau đại dịch, chỉ 1/4 nhân viên y tế ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, khiến phần lớn lực lượng y tế của họ không được bảo vệ trước Covid-19.

Theo một phân tích sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 25/11/2021, chỉ có 27% nhân viên y tế ở châu Phi đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.

"Phần lớn nhân viên y tế của châu Phi vẫn thiếu vắc xin và vẫn tiếp xúc nguy hiểm để phục vụ công tác tuyến đầu trong phòng chống Covid-19. Nếu các bác sĩ, y tá và nhân viên tuyến đầu khác của chúng tôi không được bảo vệ đầy đủ, chúng tôi có nguy cơ thất bại trong nỗ lực kiềm chế căn bệnh này”, đó là nhận định của tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi.

Tại nhiều cuộc họp cấp cao, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, việc phân phối vắc xin Covid-19 không công bằng, các chiến dịch tiêm chủng quốc gia không được đẩy nhanh và sự chần chừ về vắc xin là những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài này.

Cuối tháng 11, các nhà lãnh đạo thế giới đã họp tại Đại hội đồng Y tế Thế giới để phát triển một công cụ điều hành phản ứng với đại dịch toàn cầu và đảm bảo sự phân phối công bằng hơn các vật tư y tế xét nghiệm chẩn đoán, thuốc và vắc xin.

Thế nhưng, tham nhũng thường không được chú ý đề cập đến trong các cuộc thảo luận này, bất chấp những ảnh hưởng của nó trong việc tạo môi trường thuận lợi cho đại dịch kéo dài.

Nhân viên y tế đo nhiệt độ của những người lái xe như một biện pháp ngăn ngừa sự lây lan Covid-19 ở Maseru, Lesotho. Ảnh: Molise Molise/AFP/Getty

Tham nhũng đã chiếm đoạt các nguồn lực quan trọng để đối phó với đại dịch, làm suy yếu hệ thống y tế và các chiến dịch tiêm chủng quốc gia, làm tổn hại lòng tin của công chúng và góp phần vào việc phân phối vắc xin không công bằng.

Một số xu hướng tham nhũng trên toàn thế giới liên quan đến đại dịch Covid-19 đã được chỉ ra trong năm 2021, bao gồm:

1. Thị trường "chợ đen" phát triển là nơi trú ngụ của vắc xin Covid-19 giả và giấy chứng nhận tiêm chủng giả.

2. Tham nhũng phổ biến trong mua sắm và các hợp đồng liên quan Covid-19.

3. Thao túng dữ liệu và thiếu minh bạch trong thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 và các phương pháp điều trị khác.

4. Trộm cắp và biển thủ các quỹ Covid-19, vắc xin Covid-19, và thiết bị y tế.

5. Thao túng dữ liệu liên quan đến các ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19.

6. Tham nhũng lớn cùng với quá trình điều tra chậm chạp đã củng cố sự miễn trừ trừng phạt.

7. Tham nhũng vặt, chẳng hạn như hối lộ và các hình thức trục lợi khác, tại các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đáng chú ý, tại khu vực châu Phi cận Sahara, tình trạng tham nhũng đặc hữu trong lĩnh vực y tế và các thông tin sai lệch đã làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các can thiệp y tế, góp phần dẫn đến tình trạng do dự vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bà Zoliswa Gidi-Dyosi là nhân viên y tế đầu tiên ở Nam Phi được tiêm vắc xin Johnson & Johnson Covid-19. Ảnh: GCIS/Flickr

Các mô hình tham nhũng nêu trên đã và đang tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới. Dưới đây là một số trường hợp nổi bật:

- Theo bài viết đăng tải ngày 5/12 trên tờ The Nation, tại Kenya, các nhà báo điều tra đã phát hiện một mạng lưới các-ten, chủ yếu gồm các quan chức tham nhũng tại Bộ Y tế, bán vắc xin Covid-19 được tặng với giá lên tới 20.000 shilling Kenya (tương đương 177 USD).

- The Guardian ngày 6/12 đưa tin, gần 2/3 hợp đồng liên quan đến việc mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) ở Anh được trao cho các công ty thuộc “làn đường VIP” đặc biệt, mà không tuân theo quy trình thẩm định. Ít nhất 46 giao dịch PPE đã được dành cho những công ty mà các bộ trưởng, nghị sĩ... đưa vào “làn đường VIP” đặc biệt trước khi quy trình thẩm định chính thức được thực hiện.

- Các nhà báo điều tra đã làm sáng tỏ tình trạng miễn trừ trừng phạt tràn lan ở Nam Phi. Tờ Daily Maverick Citizen phát hiện ra rằng, 11 công ty đã bị kết tội và kết án vì không kê khai thuế đối với thiết bị bảo vệ cá nhân mà họ đã cung cấp cho các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2021, không ai trong số họ bị cấm giao dịch kinh doanh với Chính phủ.

- Một lượng lớn các quỹ Covid-19 tiếp tục bị biển thủ ở một số quốc gia, bao gồm Afghanistan (2,6 triệu Afghani - tương đương 27.000 USD) và Cộng hòa Dân chủ Congo (357 triệu USD do IMF tài trợ không được hạch toán công khai) .

- The New York Times (ngày 9/10), The Guardian (ngày 5/12) đưa tin, Moderna và Pfizer bị cáo buộc trục lợi từ đại dịch. Một cuộc điều tra cho thấy sự bí mật trong các hợp đồng đã cho phép Pfizer bán vắc xin của mình với giá cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Đối với Moderna, công ty bị cáo buộc chỉ bán vắc xin của mình cho các quốc gia giàu có, khiến các quốc gia nghèo hơn phải chờ đợi và trả giá cao hơn nhiều.

- Một nhà nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng của Pfizer ở Texas đã thổi còi và báo cáo với Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ) rằng, công ty đã làm sai lệch dữ liệu, bệnh nhân không được giám sát, tuyển dụng nhân viên tiêm chủng được đào tạo không đầy đủ và chậm theo dõi các tác dụng phụ được báo cáo trong thử nghiệm quan trọng giai đoạn III của Pfizer. Thông tin được đăng tải trên BMJ ngày 2/11/2021.

- Vắc xin giả tiếp tục sinh sôi. Vào tháng 11, các phiên bản giả của vắc xin AstraZeneca đã được tìm thấy ở Cộng hòa Hồi giáo Iran (cảnh báo của WHO ngày 4/11/2021). Theo WHO, các sản phẩm giả mạo là các lọ vắc xin Covid-19 AstraZeneca (ChAdOx1-S tái tổ hợp) đã qua sử dụng, bị loại bỏ và được điền đầy bất hợp pháp. Nắp kim loại trên các mẫu của sản phẩm giả là bằng chứng giả mạo, nắp kim loại đã được tháo ra để điền đầy và sau đó được thay thế trên các lọ.

Đáng chú ý, các sản phẩm giả mạo này rất khó để phát hiện - không thể phân biệt được với vắc xin Covid-19 AstraZeneca (ChAdOx1-S tái tổ hợp) chính hãng.

Đối tượng của cảnh báo về sản phẩm y tế WHO số 7/2021. Nguồn: WHO

- Một nghiên cứu mới cho thấy số ca tử vong do Covid-19 ở Somalia cao hơn ít nhất 30 lần so với những gì Chính phủ báo cáo vào đầu năm 2020.

- Trong khi các nhân viên y tế tham nhũng ở Lesotho (quốc gia ở miền Nam châu Phi) bán giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 với giá gần 20 bảng Anh, thì ở Australia diễn ra tình trạng bệnh nhân hối lộ hàng nghìn USD cho bác sĩ để đổi lấy giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả.

- Theo The New York Times ngày 1/12, ngày càng có nhiều sự do dự đối với vắc xin ở khu vực châu Phi, ngay cả khi đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của Omicron. Tham nhũng hoành hành cũng đã làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với các thể chế.

Tham nhũng trong Covid-19 đã có tác động sâu sắc đến phản ứng và phục hồi sau đại dịch của thế giới. Tham nhũng đã làm suy yếu hệ thống y tế, tiêu hao các nguồn lực quan trọng và góp phần khiến đại dịch kéo dài hơn những gì chúng ta mong đợi. Thế giới cần quan tâm đúng mức và có hành động mạnh mẽ đối với các vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính, để chúng ta không rơi vào cạm bẫy tham nhũng tương tự trong năm 2022.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm