Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bão” tham nhũng tàn phá nền bóng đá

Thứ ba, 03/05/2011 - 10:18

(Thanh tra)- Theo RFI, sau nhiều lần phải hoãn lại, cuối cùng, ngày 27/3/2011 vừa qua, Giải Vô địch Bóng đá Quốc gia Trung Quốc (Super League) cũng đã bắt đầu một mùa mới trong bối cảnh nền bóng đá đang rơi vào vòng xoáy bê bối tham nhũng, cá độ. Không có một nhà tài trợ nào cho giải, không có hợp đồng truyền hình. Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Quốc gia thì phải chờ phán xử của luật pháp!

Tham nhũng, cá độ là nguy cơ đe dọa nền bóng đá Trung Quốc

Các nhà tổ chức của giải bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc cho hay, nhà tài trợ chính quen thuộc của giải đấu là Cty Sản xuất lốp xe hơi nổi tiếng của Italy Pirelli đã hủy hợp đồng tài trợ cho giải đấu hàng đầu của bóng đá Trung Quốc.

Đài Truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) cũng từ chối các hợp đồng truyền phát các trận đấu của giải trong khi chờ phán quyết cuối cùng đối với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc gia Trung Quốc đã bị bắt. Trước đó, năm 2009, CCTV từng hủy bỏ giữa chừng hợp đồng phát sóng các trận đấu vì những nghi vấn bán độ, dàn xếp tỷ số trận đấu.

Trên sân cỏ, người hâm mộ Trung Quốc cũng bắt đầu quay lưng lại với bóng đá. Mùa giải trước, trung bình mỗi trận của Giải Vô địch Quốc gia có khoảng 16.000 người đến sân theo dõi. Mùa giải năm nay, các nhà tổ chức nghi ngại con số khán giả đến sân không bằng một nửa của năm trước.

Rõ ràng, cơn bão tham nhũng, bán độ từ nhiều năm nay đang tàn phá bóng đá Trung Quốc.

Năm 2010, một loạt quan chức hàng đầu tại các câu lạc bộ (CLB) của Trung Quốc bị bắt giữ vì những nghi án dàn xếp tỷ số và dính líu cá độ. Ông Nam Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc khi đó đã lớn tiếng tuyên chiến với tiêu cực trong làng bóng đá nước này bằng những lời lẽ đanh thép: “Dàn xếp tỷ số là ung thư đối với nền bóng đá Trung Quốc. Cần phải cắt bỏ nó”. Chớ trêu thay, cũng trong năm này, chính ông Nam Dũng đã bị cảnh sát bắt giữ vì nghi dính líu đến các vụ nhận hối lộ hơn 7 triệu USD để giúp một đội bóng phía Bắc Trung Quốc vô địch.

Chuẩn bị bước vào mùa giải năm nay, CLB Quảng Châu và Thành Đô bị đánh xuống hạng vì tiêu cực. Một tháng trước khi giải khai mạc, các trọng tài bắt buộc phải tham gia một khóa chỉnh huấn về chuyên môn lẫn đạo đức. Vậy mà, chỉ sau đó trên dưới nửa tháng, 3 trọng tài của Trung Quốc đã bị bắt, trong đó có ông Lục Tuấn (Lu Jun), người từng tham gia điều khiển World Cup 2010. Một trong số 3 trọng tại bị bắt giữ chờ xét xử là Huang Junjie thú nhận: “Tôi đã điều khiển một số trận đấu mà kết quả được chỉ đạo trước từ bên trên. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Trọng tài này còn khai đích danh 3 CLB đã chi tiền để dàn xếp tỷ số. Trọng tài Lục Tuấn cũng cho biết đã được trả khoảng 38.000 euro cho việc điều khiển kết quả của một trận đấu.

Chưa hết, ngay cả ông Dương Nhất Dân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc sau đó cũng đã bị truy tố với tội danh tương tự như sếp của mình - Nam Dũng.

Vậy là, chỉ trong một thời gian ngắn, số quan chức cấp cao của làng bóng đá Trung Quốc bị điều tra có liên quan tới các vụ tham nhũng và bán độ đã lên tới hơn 20 người.

Giải Vô địch Bóng đá Quốc gia Trung Quốc đã đi qua 17 mùa giải chuyên nghiệp, với 16 CLB tham dự. Mỗi năm, giải nhận được tiền tài trợ khoảng 20 triệu euro. Chất lượng chuyên môn của giải đấu khá cao. Theo đó, bóng đá Trung Quốc đã có những bước tiến lớn kể từ khi đi theo hướng chuyên nghiệp.

Đầu những năm 2000, cùng với đà đi lên của kinh tế, bóng đá Trung Quốc đã vươn lên thứ hạng cao ở châu lục, từng tham dự Vòng Chung kết Cúp Bóng đá Thế giới tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002. Thế nhưng, trong ít năm trở lại đây, bóng đá Trung Quốc liên tục bị cuốn vào các bê bối tham nhũng, bán độ từ cấp lãnh đạo. Hậu quả là, bóng đá Trung Quốc bắt đầu sa sút rõ nét trên các đấu trường quốc tế. Đội tuyển Quốc gia Trung Quốc liên tục thất bại ở các vòng đấu châu lục cũng như thế giới. Mới đây, Trung Quốc đã tụt xuống thứ 87 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). (Từng có thời gian Trung Quốc xếp hạng thứ 37 thế giới).

Để cứu vớt nền bóng đá đang bị… đánh tan tác vì cơn cuồng phong của tham nhũng, cá độ, chiến dịch làm sạch bóng đá Trung Quốc đang được Chính phủ nước này tiến hành một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khó nhất lúc này là làm sao bóng đá Trung Quốc có thể lấy lại được niềm tin của hàng trăm triệu người hâm mộ khi mà về cơ bản, họ không mấy tin tưởng vào hiệu quả của chiến dịch “bàn tay sắt” trong bóng đá hiện nay.

Tham nhũng trong bóng đá có thể ở tù hàng chục năm
Cuối tháng 3/2011, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua một bộ luật mới tăng cường công cụ pháp luật cho các tòa án trong cuộc đấu tranh với tệ nạn dàn xếp tỷ số và bạo lực trong bóng đá - 2 vấn nạn lớn trong bóng đá nước này hiện nay.

Theo bộ luật trên, bất cứ ai bị phát giác tham nhũng với mục đích gây ảnh hưởng lên kết quả trận đấu, dù chủ động hay thụ động, có thể sẽ bị phạt tù từ 5 - 12 năm cộng thêm một khoản tiền phạt không nhỏ. Bộ luật mới nêu rõ, hình phạt còn có thể bị tăng gấp đôi nếu người phạm tội là quan chức, lãnh đạo CLB, các tổ chức tội phạm. Bên cạnh đó, bộ luật cũng đưa ra những điều khoản xử phạt rất nặng đối với các hành vi bạo lực của các cổ động viên, gây rối loạn trận đấu.

Hồi đầu năm 2010, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ từng bị chấn động bởi vụ bê bối dàn xếp tỷ số trận đấu với quy mô lớn, khiến hơn 30 người bị bắt, từ cầu thủ đến các chủ tịch CLB.

Tại một đất nước hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá, cổ động viên của các CLB đã không ít lần gây ra những vụ đụng độ đẫm máu. Bộ luật mới về bóng đá được thông qua để tạo thêm công cụ cho nền tư pháp, nhưng nó cũng cho thấy, mức độ báo động về nạn tham nhũng và bạo lực trong bóng đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà tổ chức môn thể thao này ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh Vũ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm