Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 03/10/2011 - 10:22
(Thanh tra)- Hiện nay, trong hồ sơ xin định cư tại Australia theo diện di dân tay nghề thì tiếng Anh là một trong những yếu tố quan trọng, được ưu tiên hàng đầu.
“Đầu nậu” Keith Low trong vụ bê bối chạy điểm ở Trung tâm Anh ngữ thuộc ĐH Curtin.
Những người muốn lấy được chứng nhận thường trú Australia (PR) bắt buộc phải đạt trung bình 7 điểm IELTS trở lên (trong đó không có kỹ năng nào dưới 7). Để bảo đảm đạt tiêu chuẩn phải “hiểu sâu, có kiến thức vững về ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh, có khả năng tranh luận các chủ đề phức tạp một cách trôi chảy”.
Mấy năm gần đây, rất nhiều sinh viên quốc tế sang Australia du học và tìm cách định cư tại đây theo diện này. Tuy nhiên, thời gian lưu trú học tập không dài, cộng thêm nhiều môn học phải bảo đảm đủ điểm nếu không muốn bị đuổi học nên hầu như các sinh viên có rất ít thời gian để “tu luyện” tiếng Anh cho đạt chuẩn được định cư. Ngay cả những người sang Australia theo diện lao động tay nghề cũng có rất ít thời gian để trau dồi tiếng Anh do phải làm việc nhiều, thời gian rảnh rất ít. Vì thế, gian lận điểm thi IELTS cũng từ đó phát sinh và trở thành “mồi ngon” cho nạn tham nhũng, nhận hối lộ và chạy điểm.
“Mồi ngon” cho tham nhũng…
Chính vì yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ đối với người muốn định cư tại Australia nên những đường dây hối lộ, chạy điểm đã hình thành. Chỉ đến cuối tháng 8/2011, khi một nhân vật chủ chốt của Trung tâm Anh ngữ thuộc Đại học (ĐH) Curtin ở tiểu bang Tây Australia bị kết án 2 năm tù vì tội sửa điểm, gian lận kết quả thi IELTS, người ta mới biết rõ rằng: Tại Australia đã và đang tồn tại những đường dây chạy điểm IELTS.
Vụ bê bối bị phát hiện khi Trung tâm IELTS ở Melbourne, cơ quan quản lý, điều hành và giám sát các cuộc thi IELTS tại Australia, tiến hành tổng kiểm toán nội bộ và phát hiện ra nhiều sự khác biệt về điểm số giữa máy chủ đặt tại Melbourne và máy tính chấm điểm đặt tại Trung tâm Anh ngữ thuộc ĐH Curtin.
Ngay lập tức, cảnh sát điều tra Australia đã vào cuộc và nhanh chóng phát hiện ra đường dây nhận hối lộ để nâng điểm IELTS với số tiền trao tay dao động từ 1.500 - 11.000 đô la Australia (1.600 - 11.600 USD) cho mỗi vụ chạy điểm. Không khó khăn gì, cảnh sát đã phát hiện ra nhân vật chủ chốt của đường dây là Keith Low, điều phối viên của Trung tâm Anh ngữ, ĐH Curtin. Keith Low và một số nhân viên của ĐH Curtin có liên quan đã được đưa về Ủy ban Bài trừ tội ác và tham nhũng Australia để điều tra, xét hỏi.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2009, Keith Low và một số nhân viên của Trường ĐH Curtin đã thành lập đường dây chạy điểm IELTS cho những người muốn định cư tại Australia theo diện di dân tay nghề. Kể từ đây, mỗi khi người nào muốn chạy điểm sẽ thỏa thuận giá cả. Tùy từng trường hợp mà có những mức giá khác nhau theo hướng, người thi IELTS lần đầu mà không đạt sẽ nộp ít nhất là 1.500 đô la Australia. Những người thi lại càng nhiều lần, số tiền càng tăng cao. Cao nhất là 11.000 đô la Australia (vì những người này dễ bị lộ hơn nếu sửa điểm). Sau khi thỏa thuận xong, đích thân Keith Low sẽ đăng nhập vào hệ thống máy tính của trường (thông qua tài khoản quản trị mạng mà Keith Low “chôm” được từ một đồng nghiệp), kiểm tra và chỉnh sửa số điểm để người đó đạt chuẩn 7.0 để có thể được cấp chứng nhận thường trú Australia.
Mặc dù là người đích thân sửa và nâng điểm IELTS, nhưng tất cả những người chạy điểm đều chưa một lần gặp mặt Keith Low mà chỉ thông qua trung gian là Pritesh Shah, một người gốc Ấn Độ sống ở thành phố Perth (thủ phủ của tiểu bang Tây Australia). Đáng nói là, dù được coi như một “đại diện” cho đường dây chạy điểm, Pritesh Shah cũng ít tiếp xúc trực tiếp với Keith Low. Sau mỗi phi vụ, Pritesh Shah sẽ gặp một người tên là Abdul Kader, nhân viên của Trường ĐH Curtin để trao tiền mặt. Và, Abdul Kader, sau khi tự trích lại hoa hồng cho mình, sẽ chuyển trực tiếp số tiền còn lại cho “đầu nậu” Keith Low.
Trong đường dây chạy điểm này, cảnh sát phát hiện không chỉ có Pritesh Shah, Abdul Kader mà còn có khoảng 10 người khác liên quan, trong đó có cả những người từng là thí sinh thi trượt IELTS liên tục. Sau khi được Keith Low “giúp đỡ” có được giấy chứng nhận thường trú Australia, những người này trở thành người “dắt mối” cho những người thi IELTS đến sau.
Tại phiên xét xử đường dây nhận hối lộ và chạy điểm IELTS, “đại diện” Pritesh Shah khai rằng, đã kiếm được hơn 30.000 đô la Australia thông qua những lần giới thiệu người thi IELTS. Trong khi đó, Keith Low khai rằng, chỉ được tổng cộng khoảng 25.000 đô la Australia. Tuy nhiên, cảnh sát điều tra cho biết, đó chỉ là số tiền Keith Low nhận được thông qua “kênh” của Pritesh Shah và Abdul Kader. Tổng số tiền Keith Low nhận được thông qua nhiều “kênh” khác có thể lên tới vài trăm nghìn đô la Australia.
Với những bằng chứng buộc tội không thể chối cãi mà cảnh sát điều tra đưa ra, tòa đã tuyên phạt 2 năm tù giam đối với “đầu nậu” Keith Low. Những người khác liên quan đến vụ bê bối này phải nhận mức án từ 7 - 12 tháng tù.
“Miếng mồi” của lừa đảo
Chính vì xu hướng các du học sinh đều mong muốn được định cư tại Australia nên trong thời gian qua, rất nhiều cơ sở, trung tâm cung cấp dịch vụ về giáo dục Australia đều “kiêm nhiệm” luôn vai trò tư vấn và cung cấp các dịch vụ di trú cho sinh viên nước ngoài. Hầu hết các trung tâm dịch vụ du học này đều hướng sinh viên, dù theo học ngành nào, cũng nên đăng ký ghi danh theo học thêm những khóa dạy nghề như nấu ăn, làm tóc… Lý do đơn giản vì chính sách nhập cư của Australia thường ưu tiên cho những di dân tay nghề.
Những sinh viên nước ngoài, sau khi nghe các “tư vấn viên du học” chỉ dẫn cho cách được định cư tại Australia thuận tiện nhất, đã không ngần ngại đăng ký theo học thêm nhiều khóa đào tạo nghề. Đó cũng là lý do, các trung tâm đào tạo nghề mọc lên “như nấm sau mưa” trên khắp lãnh thổ Australia. Tuy nhiên, trong số này, chỉ một số ít là đào tạo bài bản nên chứng chỉ nghề của họ có uy tín, chất lượng. Còn lại hầu hết là những trung tâm đào tạo nghề “ăn xổi”, dạy nghề xong thì “đường ai nấy đi”. Thậm chí, nhiều trung tâm dạy nghề còn cấp chứng chỉ “ma”, chứng chỉ không được công nhận hoặc chứng chỉ không đủ giá trị để xin việc và xin định cư.
Từ việc điều tra, phát hiện ra đường dây chạy điểm thi IELTS, các điều tra viên lần theo dấu vết những người được sửa điểm và nhận thấy: Hầu hết những người này đều trải qua khóa đào tạo từ các trung tâm đào tạo nghề ở Australia. Những trung tâm này, khi tuyển sinh thì “tô hồng” về khả năng đào tạo, về khả năng giúp đỡ học viên để có thể được cư trú vĩnh viễn tại Australia. Trên thực tế, sau khi học xong, với những người đạt chuẩn về nghề nhưng ngôn ngữ thì kém, họ sẽ “môi giới” cho những đường dây chạy điểm để hoàn tất các yêu cầu cần thiết cho hồ sơ xin định cư tại Australia. Với những người không đạt chuẩn về nghề (thường là chiếm đa số), họ sẵn sàng “phủi trách nhiệm” ngay lập tức.
Cũng theo kết quả điều tra, các trung tâm đào tạo nghề, khi “môi giới” học viên cho các đường dây chạy điểm IELTS, thường tự “ra giá” trực tiếp. Sau khi thỏa thuận xong sẽ quay ra “ép giá” các đường dây chạy điểm. Theo các cựu sinh viên tiết lộ, để có thể chắc chắn đạt 7.0 điểm IELTS, họ phải bỏ ra khoảng 2.000 đô la Australia. Cá biệt, có trường hợp phải bỏ ra tới 5.000 đô la Australia mới đạt được điểm chuẩn IELTS cần thiết.
Ngoài những chiêu “ăn” tiền của học viên như đã nói ở trên, các trung tâm đào tạo nghề còn có thêm mánh khóe khác “ăn chặn” tiền của học viên, kể cả đang theo học tại chính trung tâm của họ. Lợi dụng quy định của Australia trong chính sách nhập cư đối với di dân tay nghề, đó là ngoài việc đạt chuẩn tiếng Anh, chuyên môn vững, còn bắt buộc phải có ít nhất gần 1.000 giờ thực tập làm việc, các trung tâm đào tạo nghề đã “bắt cá 2 tay”. Họ kết nối với các cơ sở kinh doanh (có khả năng cấp giấy chứng nhận thực tập làm việc) để cung cấp nguồn nhân công giá rẻ, thậm chí là miễn phí. Đổi lại, các cơ sở kinh doanh này sẽ “lại quả” cho họ một khoản tiền nhất định. Tìm được “đầu ra”, các trung tâm đào tạo nghề quay lại “ăn” của học viên. Cụ thể, nếu học viên chịu bỏ ra khoản chi phí “lót tay”, thường từ 3 - 4.000 đô la Australia, họ sẽ giúp vừa học nghề, vừa trực tiếp thực hành tại những cơ sở kinh doanh lớn, có uy tín phù hợp với nghề đang theo học. Đồng thời, bảo đảm các học viên vừa có chứng chỉ nghề, vừa có chứng chỉ đã hoàn thành đủ thời gian quy định thực tập làm việc. Đương nhiên, đa số học viên đều “cắn răng” đồng ý, miễn sao có được đầy đủ giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ xin cư trú vĩnh viễn tại Australia.
Sau khi vụ bê bối chạy điểm IELTS ở Trung tâm Anh ngữ, Trường ĐH Curtin bị đưa ra xét xử, người ta càng nhận thấy rằng, tham nhũng đã và đang làm giảm uy tín của ngành Giáo dục Australia, vốn được coi là ngành công nghiệp không khói mang lại doanh thu mỗi năm khoảng 15 tỷ đô la Australia. Chính vì thế, sau bê bối này, hầu hết các trường ĐH uy tín, các trung tâm đào tạo nghề có tiếng ở Australia đã phải tiến hành rà soát lại toàn bộ quá trình tiếp nhận và đào tạo của mình. Trong đó, không loại trừ cả việc kiểm tra lại hồ sơ của học viên, sinh viên đang theo học nhằm lấy lại danh tiếng không chỉ cho riêng mình, mà cho cả ngành Giáo dục Australia.
Hiệu trưởng ĐH Curtin nhấn mạnh, nhà trường sẽ gấp rút đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi gian lận trong quá trình đào tạo. Thậm chí, có thể tính đến chuyện tạm dừng tổ chức thi kiểm tra trình độ tiếng Anh để tập trung thời gian và sức lực chấn chỉnh lại bộ máy tổ chức và đào tạo.
Với cơ quan chức năng, ngoài việc phối hợp tiếp tục xử lý triệt để các trường hợp gian lận trong cư trú, sẽ siết chặt các biện pháp quản lý định cư tại Australia. Đồng thời, tiến hành kiểm tra lại tình trạng công dân của những người có liên quan, kể cả những người có điểm thi IELTS đã bị sửa chữa và những người đã vượt qua kỳ thi IELTS thông qua Trung tâm Anh ngữ thuộc ĐH Curtin trong khoảng thời gian từ 2009 đến nay.
Song Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền