Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm học mới với bộn bề mối lo

Hải Hà

Thứ hai, 06/09/2021 - 18:30

(Thanh tra)- Nhiều học sinh đang phải sống trong những khu cách ly tập trung, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua máy tính, lắp wifi cho các con học trực tuyến... Năm học mới đã bắt đầu, nhưng mỗi gia đình, nhà trường đang bộn bề với những mối lo.

Giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập, huyện Đan Phượng nghiên cứu chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Đỗ Tâm

Hỗ trợ thiết bị để học sinh học online

Ngày 6/9, hàng triệu học sinh trên cả nước đã bước vào năm học mới. Năm học này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều tỉnh, TP đang sống trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt, học sinh chưa thể đến trường mà phải học bằng hình thức online.

Đây không phải năm học đầu tiên dạy và học online. Tuy nhiên, việc học online cũng không phải dễ dàng với mỗi học sinh, phụ huynh, nhất là với các em mới bước vào lớp 1, lớp 2 hay học sinh ở các vùng nông thôn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể có đủ điều kiện mua máy tính, lắp đặt wifi cho các con học.

Theo lịch học của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sau lễ khai giảng, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị, trường học sẽ chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động phù hợp để khởi động năm học mới bằng hình thức dạy học trực tuyến.

Việc dạy học trực tuyến khó khăn nhất có lẽ là với học sinh tiểu học. Năm học này, quy mô giáo dục tiểu học của TP Hà Nội có 786 trường với gần 789.000 học sinh, hơn 29.000 giáo viên. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thời gian năm học, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh.

Thực tế này đòi hỏi các nhà trường chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh. Bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) khẳng định, nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1. Điều thuận lợi là các bậc phụ huynh luôn đồng thuận, hỗ trợ và bảo đảm tối đa các điều kiện học tập cho con em mình. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn với học sinh lớp 1, nhà trường đã họp phụ huynh để xác định thời gian học tập phù hợp. Chủ trương của nhà trường là dành thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; dạy tập viết sẽ triển khai sau.

Việc học trực tuyến là giải pháp cần thiết trong thời gian dịch bệnh, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua máy tính cho con em mình. Để đảm bảo việc học trực tuyến hiệu quả, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với công đoàn ngành thực hiện chương trình “máy tính cho em”, đồng thời đề nghị các trường rà soát, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc gia đình chính sách; tiếp nhận, bố trí chỗ học và hỗ trợ sách vở, đồ dùng cho các em.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng cho biết: Trên địa bàn huyện Trường Tiểu học An Phú (xã An Phú) là nơi nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ năm học trước, Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện rà soát, hỗ trợ thiết bị học tập, bảo đảm mọi học sinh đều có thể học tập trực tuyến. Phòng cũng yêu cầu từng giáo viên chủ nhiệm tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, có biện pháp hỗ trợ phù hợp với học sinh lớp 1 trên địa bàn. Đến nay, các trường tiểu học ở 21 xã, thị trấn đã sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến.

Phụ huynh… “đứng ngồi không yên”

Các trường học đều xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng và có thể sẽ thực hiện lâu dài trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên về phía phụ huynh, nhiều gia đình đang trong tình trạng “đứng ngồi không yên”.

Chị Phạm Thu Hà (huyện Thanh Trì) chia sẻ: Hà Nội hiện đang giãn cách nên 2 vợ chồng tôi được làm việc tại nhà. Nhưng sau khi hết thời gian giãn cách, vợ chồng tôi sẽ phải đến công ty làm việc. Nếu con phải học trực tuyến, thì bố hoặc mẹ sẽ phải thay phiên nhau nghỉ làm để lo cho con vì con còn quá nhỏ, không thể để tự học ở nhà 1 mình.

Với các cha mẹ có con năm nay vào lớp 1, nỗi lo cho năm học mới còn bộn bề hơn bởi ở độ tuổi của con, cần có sự chỉ bảo, uốn nắn từng nét chữ, chỉnh từng tư thế… Nếu phải học online, tất cả chỉ dừng lại qua lời giảng của cô giáo trên màn hình nhỏ.

“Hiện tại các nhà sách đều đã đóng cửa, muốn mua sách dạy con tập đọc, tập viết cũng không được. Cô giáo gửi vở luyện viết mẫu cho gia đình, tôi in ra và cùng con tập viết. Hôm nào gia đình tôi cũng chật vật dạy con viết. Càng dạy càng thấy nản. Mới học online 1 buổi mà con ngồi “ngáp ngắn, ngáp dài”, đường truyền không ổn định riêng việc “ra - vào” phòng học zoom đã hết buổi. Cứ như thế này, không biết hết thời gian học online con có đạt được mục tiêu như chương trình đặt ra không”- một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 bầy tỏ sự lo lắng.

Nhiều giáo viên tại Hà Nội cho rằng, việc dạy học online chỉ thực sự hiệu quả đối với các khối lớp lớn. Riêng lứa tuổi tiểu học, nếu bắt buộc dạy học online, chỉ có thể dạy từ lớp 3. Học sinh lớp 1, 2 cần có sự chỉ bảo, cầm tay uốn nắn của giáo viên. Do đó, hình thức dạy học này thực sự không hiệu quả và không phù hợp với độ tuổi của các con.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng: Việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 sẽ khó khăn hơn so với các cấp học khác. Vì vậy, tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết với việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 gửi các nhà trường. Đồng thời lưu ý, trong quá trình triển khai, các trường cần lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.

Năm học mới đã bắt đầu, mỗi địa phương, gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn khác nhau trong việc tổ chức dạy học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, phụ huynh và nhà trường cùng phải nỗ lực vượt khó, để 1 ngày không xa các em học sinh lại được cắp sách tới trường...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm