Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mầm non, tiểu học... quá tải: Cuộc đua chạy trường lại nóng

Thứ ba, 07/07/2015 - 20:16

10 năm mới “cơi nới” được 500 chỗ học nhưng mỗi năm, học sinh tăng thêm 1.000 -2.000 trẻ là thực trạng của không ít quận tại các thành phố lớn. Số học sinh tăng nhanh, phòng học thiếu là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chạy đua “chạy” trường cho con.

Các cháu bé tại Trường Mầm non Hoàng Minh Đạo, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: IT

“Hụt hơi” mở trường

Theo ông Tạ Tân - Trưởng phòng GDĐT quận Tân Phú (TP. HCM), mỗi năm quận có 1.000-2.000 trẻ vào lớp 1 nhưng 10 năm qua, quận mới xây thêm được 500 chỗ học mới. Các lớp có tăng sĩ số lên gấp đôi cũng không đủ chỗ cho trẻ mới nhập học. Còn tại quận Thủ Đức, ông Lê Minh Tuấn – Trưởng phòng GDĐT quận cho biết, hiện mạng lưới trường mầm non công lập chỉ đáp ứng thu nhận khoảng 40% tổng số trẻ trong độ tuổi đi học trên địa bàn, 60% còn lại phải học ở các trường tư thục và nhóm lớp nên sẽ khó thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng. Trong khi đó tỷ lệ dân nhập cư ở quận càng ngày càng phình to (hiện nay chiếm hơn 44% tổng dân số trên địa bàn). Do đó nhu cầu trường lớp cũng ngày càng gia tăng.

“Nóng” nhất vẫn là quận Bình Tân với 11.000 trẻ vào lớp 1 trong năm học 2015-2016. Mỗi phường trên địa bàn quận có từ 1.000-2.000 trẻ nhập học. Cho dù đã nỗ lực xây thêm trường lớp, cơi nới, dồn ghép nhưng theo tính toán, mỗi lớp học vẫn phải chấp nhận ít nhất 50 em. Không chỉ quá tải lớp 1 mà trường mầm non tại quận Bình Tân cũng chật ních. Ông Phạm Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, hệ thống trường công lập trên địa bàn quận mới đáp ứng được hơn 25% nhu cầu gửi con của người dân (các trường nhận gần 4.900 trẻ trên tổng số hơn 19.000 trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo), gần 75% trẻ còn lại phải học ở các trường tư thục và nhóm lớp ngoài công lập.

“Để giải quyết chỗ học cho tất cả trẻ trong độ tuổi mầm non, dự kiến từ đây đến năm 2020 quận phải xây mới 1.022 phòng học, trong đó 400 phòng được xây dựng từ nguồn ngân sách, 622 phòng còn lại phải kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa” - ông Mười tính toán.

Khuyến khích vay vốn xây trường

Năm học 2015-2016, theo đại diện Sở GDĐT Hà Nội, số trẻ nhập học vào mầm non, lớp 1 cũng tăng vọt. Nhưng các lớp cũng không được dồn học sinh mà phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 1,5m2/cháu. Ngoài ra, Sở GDĐT cũng yêu cầu các quận, huyện phải công khai tuyển sinh, chỉ tiêu, phương thức, thời gian. Việc phân tuyến hợp lý để giảm số học sinh trái tuyến, phân bổ học sinh đều về các trường trên địa bàn. Điều này để tránh tâm lý cha mẹ học sinh thích cho con học một số trường nổi tiếng, “chạy đua” trường điểm.

Đề xuất giải pháp “dãn học sinh”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận cho biết, UBND thành phố đã ban hành thêm nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho việc phát triển giáo dục bậc mầm non. Trong đó riêng với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, thành phố đã ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ tối đa đơn vị đầu tư…

Nhờ những chính sách ưu đãi đó, chỉ trong 2 năm 2013 - 2014, TP.HCM đã triển khai 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng quỹ đất hơn 46.000m2, giải quyết gần 6.000 chỗ gửi trẻ cho con công nhân. Đặc biệt, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, thành phố đã hỗ trợ vốn vay cho 72 dự án xây dựng từ nguồn vốn kích cầu, với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, thành phố đã dành mọi nguồn lực (chi 26% ngân sách) cho giáo dục nên số lượng trường học ở các bậc học đã tăng thêm 564 trường (tăng 35%); số phòng học mới tăng gần 10.000 phòng (mỗi năm tăng thêm 1.800 phòng học). Đặc biệt, trong năm 2014, dù ngân sách gặp khó khăn nhưng thành phố đã ưu tiên bố trí kinh phí, chấp thuận chủ trương cho phép các quận, huyện xây thêm 152 công trình trường học trên địa bàn.
 

Tình trạng quá tải các trường mầm non, tiểu học công lập sẽ dẫn đến nạn chạy trường, chạy lớp. Để khắc phục điều này, Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư cho giáo dục ngoài công lập để giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục, học phí... Như vậy sẽ dàn trải được học sinh đều cho các trường.
 
Theo Quốc Hải - Tùng Anh (Dân Việt)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm