Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ sáu, 03/06/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 - 2023 của các trường trên địa bàn TP Hà Nội đang tới gần. Với số lượng học sinh gia tăng chóng mặt mỗi năm, việc giảm sĩ số học sinh/lớp đang là "bài toán" khó với ngành Giáo dục Thủ đô và các địa phương.
Hà Nội quyết liệt giảm sĩ số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: H.H
Quá tải
Đó là 2 từ mà nhiều người nhắc đến khi nói về sĩ số học sinh ở các quận nội thành trên địa bàn Thủ đô. Theo quy định tại Điều lệ Trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT chỉ được không quá 45 em và ở tiểu học là không quá 35 em.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 39,3; cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7; với mỗi địa bàn, tỷ lệ học sinh/lớp có sự khác biệt.
Thực tế, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp ở các trường còn cao hơn quy định rất nhiều, đặc biệt ở cấp tiểu học thuộc địa bàn các quận - nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu đô thị. Cụ thể, cấp tiểu học ở các quận có tỷ lệ bình quân học sinh/lớp là 42, còn tỷ lệ này ở các huyện, thị xã là 38.
Đáng lưu ý, một số quận có tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học cao hơn mức trung bình của toàn TP như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… Đơn cử, các trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy có tỷ lệ bình quân hơn 50 học sinh/lớp.
Là huyện ngoại thành, nhưng Đan Phượng cũng đã từng có trường rơi vào tình trạng quá tải. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho hay, những năm trước, Trường Tiểu học Tân Lập thường có hơn 40 học sinh/lớp.
Năm học 2020 - 2021, trường được tách thành 2 trường với sĩ số bình quân dưới 35 học sinh/lớp, có lớp chỉ 30 học sinh. Cách làm tương tự cũng được thực hiện ở một số trường khác, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh học tập.
Với các trường ở khu vực nội thành, việc giảm sĩ số ở mỗi lớp bằng phương án tách trường thật sự là “bài toán” khó bởi quỹ đất chật hẹp. Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, hàng năm, công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học đều được triển khai, song do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nên ở nhiều trường có hiện tượng quá tải.
Nhiều giải pháp
TP Hà Nội xác định, việc giảm sĩ số học sinh/lớp là giải pháp quan trọng, bền vững để vừa nâng cao chất lượng dạy học, vừa bảo đảm quyền lợi của từng học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này quả thực không dễ.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Đáng lưu ý, lãnh đạo TP nhấn mạnh tới việc quyết liệt thực hiện việc giảm sĩ số học sinh/lớp để tăng cường chất lượng giáo dục. Đồng thời, rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất của các trường nhằm bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, tránh tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, trong khi đó có trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu.
Là một trong những đơn vị có số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước, quận Thanh Xuân đã tăng cường đầu tư kinh phí để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô trường, phòng học.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm học 2022 - 2023, quận Thanh Xuân đang tập trung hoàn thành xây mới 1 trường mầm non; xây dựng bổ sung 57 phòng học; 6 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học…
Ngoài ra, quận đã phê duyệt các dự án đầu tư công giai đoạn 2022 - 2025 cho 15 trường học với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Việc rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; công tác quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch cho giáo dục cũng được tăng cường.
Để giải quyết tình trạng quá tải trường học ở các địa bàn đông dân cư, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát chia sẻ, phòng đã nghiên cứu để tham mưu với UBND huyện điều chỉnh tuyến tuyển sinh ở các trường một cách phù hợp, khoa học.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các nhà trường tập trung phát huy nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các nhà trường để hạn chế tâm lý chọn trường của phụ huynh.
Liên quan đến công tác tuyển sinh năm học mới của các trường trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT tổ chức điều tra chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, làm cơ sở để tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Đồng thời, quan tâm đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp; tiếp tục tạo điều kiện để hệ thống trường ngoài công lập ngày càng phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, vừa giảm áp lực cho các trường công lập trong công tác tuyển sinh…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.
Hương Trà
19:24 21/11/2024(Thanh tra) - Liên Chiểu được xem là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thí điểm 3 phòng học số và thư viện số trong trường học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập.
Ngọc Phó
16:21 21/11/2024Vũ Linh
19:00 20/11/2024Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh