Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện gì đang xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen?

Thứ bảy, 02/08/2014 - 15:59

Dự kiến hôm nay (2-8), đại hội đồng cổ đông bất thường Trường ĐH Hoa Sen sẽ diễn ra với nhiều nội dung, trong đó có việc bãi nhiệm hội đồng quản trị (HĐQT), bầu thành viên mới, tín nhiệm hiệu trưởng...

Đại diện nhóm cổ đông 30% phát biểu tại hội nghị “Trước nguy cơ Trường ĐH Hoa Sen bị chiếm đoạt” sáng 30/7. Ảnh: M.Giảng

Đại hội bất thường lần này do nhóm cổ đông nắm giữ trên 30% cổ phần của trường triệu tập. Văn kiện đại hội này đưa ra nhiều cáo buộc đối với bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng - và HĐQT đương nhiệm, được gửi email đến giảng viên, cán bộ nhân viên trường trong mấy tháng qua.

Không chấp nhận lợi nhuận thấp

Sóng gió tại Trường ĐH Hoa Sen bắt đầu nổi lên từ sau đại hội đồng cổ đông năm 2013 diễn ra tháng 1-2014. Tại đại hội này, HĐQT đề nghị điều chỉnh điều lệ hoạt động của trường từ “hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” thành “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013”.

Việc điều chỉnh này đã tác động rất lớn đến cổ đông. Nếu hoạt động của trường giữ như cũ thì cổ tức chia hằng năm dựa vào biểu quyết của cổ đông trong đại hội. Nếu thực hiện theo mô hình “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013” thì tỉ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.

Chính vì vậy mà trong đại hội đồng cổ đông năm 2013, nhiều cổ đông lớn không đồng ý với điều chỉnh này và yêu cầu giữ nguyên như cũ hoặc điều chỉnh thành “hoạt động vì sự phát triển bền vững”. Vì có nhiều tranh cãi nên đại hội không biểu quyết được, điều lệ vẫn không điều chỉnh được. Đáng chú ý là trong phần thảo luận về chia cổ tức, HĐQT đưa ra nhiều mức khác nhau, trong đó có các mức khá thấp nhưng có một cổ đông đề xuất chia cổ tức đến 30%. Sau phần thảo luận căng thẳng, cuối cùng mức cổ tức năm 2013 được biểu quyết là 20%. Một thành viên của trường cho biết đây là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử của trường từ trước đến nay.

Đồ họa: Như Khanh

Bãi nhiệm vì nhiều sai phạm?

Nhóm cổ đông yêu cầu tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường ở Trường ĐH Hoa Sen gồm hai công ty (Công ty TNHH giáo dục Ba Trăm Sáu Mươi Độ, Công ty cổ phần Coordinate) và 12 cá nhân, chiếm hơn 30% cổ phần của trường (tạm gọi là nhóm cổ đông 30%). Theo nhóm cổ đông này, việc tổ chức đại hội là để bãi nhiệm HĐQT, hiệu trưởng đương nhiệm vì xảy ra nhiều sai phạm và bầu lại nhân sự mới. Trong đó, họ chủ yếu đề cập vào các sai phạm của Trường ĐH Hoa Sen trong chương trình liên kết với Trường kinh doanh quốc tế quản lý du lịch và khách sạn Vatel, giấu doanh thu hơn 119 tỉ đồng và dự án xây dựng cơ sở Nguyễn Văn Tráng.

Trường ĐH Hoa Sen đã liên kết với Công ty TNHH nhà hàng khách sạn và du lịch Vĩnh An để đào tạo chương trình cử nhân quản lý khách sạn - nhà hàng quốc tế. Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Hoa Sen đã có nhiều sai phạm trong đào tạo, tuyển sinh, tài chính, góp vốn. Bộ GD-ĐT phạt Trường ĐH Hoa Sen 15 triệu đồng, Công ty TNHH nhà hàng khách sạn và du lịch Vĩnh An 55 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Trường ĐH Hoa Sen trả lại cho sinh viên 1,56 tỉ đồng học phí đã thu vượt.

Từ năm 2009-2013, có tới 119 tỉ đồng tiền thu học phí tích lũy không được ghi nhận vào doanh thu mà được chuyển vào các khoản “học phí thu trước” hoặc “nợ phải trả”. Ngày 8-5-2014, Trường ĐH Hoa Sen đã chủ động làm việc với Cục Thuế TP.HCM để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền nộp lãi vì chậm nộp thuế gần 15,5 tỉ đồng. Còn việc xây dựng cơ sở Nguyễn Văn Tráng phát sinh hàng chục tỉ đồng mà không thông qua quy chế mua sắm, đấu thầu...

MIinh Giảng - Quế Sơn

Diễn biến sự việc

Ngày 19-5-2014: nhóm cổ đông 30% gửi văn bản cho HĐQT và ban kiểm soát yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường Trường ĐH Hoa Sen năm 2014. Một tháng sau, HĐQT Trường ĐH Hoa Sen có văn bản trả lời, khẳng định không tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường như yêu cầu của nhóm cổ đông.

* Ngày 20-6: nhóm cổ đông 30% tiếp tục gửi yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường Trường ĐH Hoa Sen năm 2014 tới ban kiểm soát. Bốn ngày sau, ban kiểm soát có văn bản gửi nhóm cổ đông về việc không triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường.

Ngày 30-6: nhóm cổ đông này tiếp tục gửi văn bản yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường đến ông Nguyễn Trung Đức, thành viên HĐQT, và được chấp nhận. Đồng thời, ông Đức đã gửi email đến ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông để chuẩn bị đại hội cổ đông bất thường ngày 2-8.

* Ngày 5-7: đại diện nhóm cổ đông 30% đã gửi văn bản lên Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM báo cáo về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường. Theo nhóm cổ đông, việc tổ chức đại hội là để bãi nhiệm HĐQT, hiệu trưởng đương nhiệm vì xảy ra nhiều sai phạm và bầu lại nhân sự mới.

Ngày 30-7: ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen tổ chức hội nghị có tên “Trước nguy cơ Trường ĐH Hoa Sen bị chiếm đoạt”. Tại đây hiệu trưởng Bùi Trân Phượng tâm sự xót xa: “Xin đừng đem Trường Hoa Sen ra bán giữa chợ đời”.

Cổ đông là ai?

Đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của Trường ĐH Hoa Sen quyết định thành lập công ty của Trường ĐH Hoa Sen theo phương thức: thành lập hai công ty trước, sau đó hai công ty này góp vốn thành lập công ty thứ ba và cổ phần công ty này là cổ phần của ĐH Hoa Sen. Khi chủ trương này được triển khai, các công ty ra đời là Nowaday và Coordinate. Trong đó Công ty Nowaday bao gồm các cổ đông là giảng viên, nhân viên của trường tham gia, do bà Bùi Trân Phượng làm đại diện pháp luật. Còn Công ty Coordinate do các cổ đông bên ngoài (bao gồm các cổ đông nguyên là giảng viên, nhân viên của trường, các cổ đông không phải là giảng viên, nhân viên) do bà Phạm Thị Thủy - phó hiệu trưởng - làm đại diện pháp luật.

Trong lúc hai công ty Nowaday và Coordinate đang trong quá trình thành lập thì công ty thứ ba mang tên iConnect xuất hiện với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trung Đức (thành viên HĐQT Trường ĐH Hoa Sen) mà không cần phải đợi hai công ty Nowaday và Coordinate góp vốn như kế hoạch. Ngày 12-7-2013, đại hội cổ đông lần đầu Công ty iConnect bầu năm thành viên HĐQT là ông Đỗ Sỹ Cường (phó hiệu trưởng), ông Nguyễn Trung Đức, ông Phạm Minh Phương (thành viên HĐQT), bà Phạm Thị Thủy (phó hiệu trưởng) và bà Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng).

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ hai, Công ty iConnect có vốn điều lệ hơn 51,4 tỉ đồng. Có hai cổ đông lớn là Công ty Ba Trăm Sáu Mươi Độ (do bà Nguyễn Thị Hòa làm người đại diện pháp luật) chiếm 25,05% và cá nhân ông Nguyễn Văn Thi chiếm 11,72%. 87 cổ đông còn lại là giảng viên, nhân viên hoặc cổ đông của trường. Ông Nguyễn Trung Đức là đại diện theo pháp luật và là chủ tịch hội đồng.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề ở đây là cả ba công ty này hình thành đều dựa vào nguồn vốn là cổ phần của ĐH Hoa Sen chứ không phải là tiền mặt như quy định của pháp luật. Do đó, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã có văn bản khẳng định việc góp vốn bằng cổ phần là trái pháp luật. Theo yêu cầu của Sở Kế hoạch - đầu tư, Công ty Nowaday đã tiến hành giải thể. Các cổ đông tham gia vào Nowaday sau đó được hoàn trả số lượng cổ phần của mình về lại ĐH Hoa Sen. Tiếp theo Công ty iConnect và Coordinate cũng phải bị giải thể vì góp vốn bằng cổ phần.

Để tồn tại, Công ty iConnect mà đại diện là ông Nguyễn Trung Đức đã thực hiện các giao dịch mua bán cổ phần thành tiền mặt với giá trị 10.000 đồng/cổ phần. Ông Nguyễn Đức Bình (trưởng phòng truyền thông tuyển sinh) cho biết thực tế không có việc giao dịch nào diễn ra, không có việc bán - mua, chuyển tiền - nhận tiền trong các giao dịch này. Về phần mình, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Đức cho rằng không sai, vì đây là việc góp vốn bằng cách chuyển nhượng tài sản có giá trị.

Sau Nowaday, nghị quyết HĐQT iConnect ngày 24-2-2014 đã thống nhất chủ trương giải thể Công ty cổ phần iConnect. Các thành viên HĐQT đã phân tích và xác nhận Công ty iConnect được thành lập không đúng cơ sở pháp lý và phải giải thể. Đại hội cổ đông “phán quyết” việc giải thể iConnect dự kiến tổ chức ngày 29-3-2014. Tuy nhiên, nhóm cổ đông lớn chiếm 38,82% đã gửi yêu cầu hoãn cuộc họp vì không nhận được văn kiện đại hội cổ đông kịp thời hạn, điều này đã làm cho đại hội cổ đông không thể tiến hành, do đó không thể lấy nghị quyết để giải thể công ty. Sau sự việc này, ba thành viên HĐQT là bà Bùi Trân Phượng, ông Đỗ Sỹ Cường và ông Phạm Minh Phương từ nhiệm. HĐQT chỉ còn hai thành viên là ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy.

Cho đến nay, iConnect vẫn không thể giải thể được. Theo quy định của điều lệ công ty, số thành viên HĐQT tối thiểu phải là ba, do đó trong báo cáo gửi cổ đông iConnect do ông Nguyễn Trung Đức ký ngày 2-6-2014 xác định kế hoạch hợp nhất iConnect với Coordinate theo nguyên tắc một cổ phần iConnect bằng một cổ phần Coordinate, việc hợp nhất sẽ củng cố việc đầu tư vào Trường ĐH Hoa Sen.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm