Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 24/10/2013 - 07:07
(Thanh tra) - Theo báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 của Chính phủ tại Nghị trường Quốc hội chiều ngày 23/10 cho thấy, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Như vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
Thu NSNN giảm, bội chi tăng
Năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ, sự phấn đấu nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta có những chuyển biến khá tích cực: Lạm phát dự kiến được kiềm chế ở mức khoảng 7%, thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá khá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cán cân thanh toán được cải thiện đã góp phần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn rất khó khăn: Tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,4%, tuy có cao hơn mức tăng trưởng của năm 2012 (5,03%) nhưng chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra (5,5%); sức tiêu thụ của nền kinh tế vẫn thấp; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước... là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc giảm thu NSNN.
Bên cạnh đó, cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu NSNN ngay trong năm khá lớn...
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UB TCNS) của Quốc hội, việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2013 nổi lên một số vấn đề, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương, cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao. Đồng thời, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế. Điều này cho thấy, tình trạng kê khai sai, gian lận, trốn thuế vẫn xảy ra khá phổ biến, chưa giảm so với các năm trước...
Trên cơ sở phân tích, Báo cáo Thẩm tra của UB TCNS của Quốc hội cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013, không để phát sinh nợ mới.
Báo cáo Thẩm tra của UB TCNS Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề như: Trong khi thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định...
Qua giám sát thực tế, UB TCNS nhận thấy, một thực trạng khá phổ biến là việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi NSNN nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi NSNN, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau. Một số chính sách, chế độ hỗ trợ cho các địa phương còn bất cập, cần được điều chỉnh hợp lý hơn.
Qua báo cáo của Chính phủ, UB TCNS cơ bản nhất trí với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 49 của Luật NSNN. Theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Đề nghị thực hiện cơ chế thu vào NSNN 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa nộp tập trung vào Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); cho phép một số địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu được sử dụng không quá 70% Quỹ Dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu như Chính phủ trình.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong UB TCNS không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng liên quan đến chính sách chi cho một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội) và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc bù hụt thu cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá lại bội chi NSNN năm 2014
Đánh giá về dự toán chi NSNN năm 2014 của Chính phủ trình, UB TCNS cho rằng, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Về bội chi NSNN, Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng). UB TCNS cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định, song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao; chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013 thì năm 2014 chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình. Để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong UB TCNS đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ…
* Theo nghị trình, cả ngày hôm nay (24/10), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015).
Ánh Tuyết
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024(Thanh tra) - Các cấp ủy trực thuộc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền; từ đó, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Lại Xuân Lâm.
T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trung Hà
15:51 13/12/2024Ngọc Tuấn
Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm