Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội yêu cầu hạ giá bất động sản, sớm áp thuế cao với người nhiều nhà, đất

Hương Giang

Thứ bảy, 23/11/2024 - 16:09

(Thanh tra) - Bên cạnh yêu cầu Chính phủ có giải pháp căn cơ hạ giá bất động sản về giá trị thực phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, Quốc hội đồng thời nêu rõ, phải sớm nghiên cứu, đề xuất quy định về mức thuế cao hơn với người nhiều đất, nhà ở.

Yêu cầu về hạ giá bất động sản, sớm áp thuế cao với người nhiều nhà, đất đề cập trong Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội thông qua với 421/423 đại biểu có mặt tán thành, chiều 23/11.

Xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó, đình trệ

Với nghị quyết được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành luật liên quan đến thị trường bất động sản, phát triển nhà xã hội.

Chính phủ phải tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai. Trong đó, chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Quốc hội, tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.

“Nhiều dự án bất động sản chưa thực hiện được các thủ tục về đầu tư xây dựng do phải chờ cơ quan quản lý nhà nước rà soát pháp lý, định giá đất… Một số địa phương còn vi phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng”, nghị quyết nêu rõ.

Sau giai đoạn 2015-2021 phát triển sôi động nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, thị trường bất động sản suy giảm vào giai đoạn 2022-2023.

Chủ tịch nước Lương Cường bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân. Số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm.

Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi.

Quan điểm xử lý là trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

“Không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”, nghị quyết nêu rõ.

Xét duyệt mua nhà ở xã hội nhanh chóng, hạn chế trục lợi chính sách

Với nhà ở xã hội, Quốc hội lưu ý, nguồn còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi. Tình trạng người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vẫn còn.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại Nhà nước tỷ lệ giải ngân chưa cao, chưa đủ hấp dẫn…

Do đó, Quốc hội yêu cầu thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.

Có giải pháp thiết thực để cải tạo chung cư cũ xuống cấp, không bảo đảm an toàn và điều kiện sống của người dân.

Bên cạnh có cơ chế cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào sử dụng đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu về nhà ở xã hội, đối tượng thụ hưởng chính sách, công cụ rà soát, quản lý đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để giúp cho công tác xét duyệt được nhanh chóng, thuận lợi và hạn chế trục lợi chính sách.

Quốc hội thông qua nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: P.Thắng

Nhiệm vụ nữa với Chính phủ là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế đã bộc lộ, tạo cơ sở phát triển bền vững thị trường vốn, từng bước nâng cao vai trò của thị trường vốn đối với việc cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

“Giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu và thực hiện các nghĩa vụ khi đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, Quốc hội nêu rõ.

Chú trọng thanh tra về thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng thị trường bất động “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế, gây hệ lụy về mặt xã hội.

Cạnh đó, có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội; có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá.

Các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện yếu kém, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

“Chú trọng kiểm tra, thanh tra về chất lượng nhà ở xã hội, việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội”, theo nghị quyết của Quốc hội.

Các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành, hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản thì phải kiên quyết xử lý.

Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang, bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm