Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

23 bị cáo bị tù chung thân và tử hình do liên quan đến bất động sản

Hương Giang

Thứ hai, 28/10/2024 - 10:24

(Thanh tra) - Theo đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành trái phiếu nhiều đợt, số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin có 23 bị cáo bị tù chung thân và tử hình do phạm các tội thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội được đề cập trong báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, ngày 28/10.

Phó Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn, tiềm ẩn rủi ro

Trình bày báo cáo, Phó Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết giai đoạn 2015 - 2023, dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng, chiếm tỷ trọng từ 18%-21% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.

“Các doanh nghiệp bất động sản là tổ chức phát hành lớn trên thị trường trái phiếu (chỉ sau ngân hàng thương mại) với mức lãi suất phát hành cao, có những thời điểm mức lãi suất phát gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng để thu hút các nhà đầu tư”, ông Thanh nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015 - 2023 có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm.

Trong đó, năm 2020 bình quân lãi suất phát hành của doanh nghiệp bất động sản là 10,67%, cao nhất lên tới 15%, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng ở các ngân hàng thương mại dao động khoảng 5,6%-7%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng còn nhiều bất cập.

“Nhiều doanh nghiệp khả năng tài chính còn yếu nhưng vẫn tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành trái phiếu nhiều đợt, số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chuyển vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp “lòng vòng”

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo, kiến nghị, tụ tập đông người. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp không bảo đảm khả năng thanh toán, phải thực hiện đảo nợ.

Một số doanh nghiệp thông qua các công ty có liên quan (hầu hết là doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty không phải là công ty đại chúng) đóng vai trò như các công ty được thành lập để phục vụ cho mục đích huy động vốn hoặc cơ cấu lại nợ của công ty mẹ huy động vốn với giá trị lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cạnh đó, một số doanh nghiệp phát hành (cho bên mua là tổ chức tín dụng) để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn nhằm “lách” quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

“Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp “lòng vòng” qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư”, theo đoàn giám sát.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nhiều doanh nghiệp phát hành phát hành trái phiếu quy mô lớn nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tiềm ẩn rủi ro trong bảo đảm thanh toán trái phiếu đến hạn.

Quốc hội thảo luận ở hội trưởng về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Ảnh: P.Thắng

Báo cáo của Bộ Tài chính thông tin, đến hết năm 2023, thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gửi về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tình hình chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản khoảng hơn 42 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 50,7% tổng khối lượng chậm thanh toán gốc, lãi toàn thị trường.

Còn theo báo cáo của Finn Group khi phân tích số liệu tài chính của 17 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 cho thấy, khi loại bỏ doanh nghiệp phát hành đầu ngành thì năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn lại trong ngành bị suy yếu rõ rệt.

Cụ thể, hệ số chi trả lãi vay năm 2020 giảm về mức 0,7 lần, tức là lợi nhuận tạo ra không đủ trang trải lãi vay. Hệ số nợ vay ròng/EBITDA năm 2020 tăng lên tới 17,3 lần. Do vậy, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp này phụ thuộc lớn vào sự hồi phục bất động sản nhà ở.

Vi phạm chủ yếu là lợi dụng kinh doanh bất động sản để lừa đảo

Báo cáo của đoàn giám sát thông tin giai đoạn 2015-2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 14 cuộc kiểm toán, 1 chuyên đề kiểm toán tại 26 địa phương.

Kết quả kiểm toán cho thấy các tồn tại, hạn chế, vi phạm chính trong quản lý thị trường bất động sản chủ yếu liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; thủ tục đầu tư xây dựng. Cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính về đất gần 5.400 tỷ đồng.

Các đại biểu Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc đã triển khai 325 đoàn thành tra, kiểm tra, phát hiện một số vi phạm, thiếu sót và kiến nghị xử lý một số vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài chính cũng đã có 13 kết luận thanh tra tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng số tiền được kiến nghị xử lý qua thanh tra gần 1.200 tỉ đồng…

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố 376 vụ án với 510 bị can có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó chủ yếu là các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TAND các cấp đã thụ lý 231 vụ với 840 bị cáo về các tội phạm vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Trong số 218 vụ với 804 bị cáo đã xét xử, ngành tòa án đã tuyên xử phạt 23 bị cáo tù chung thân và tử hình, 87 bị cáo tù trên 15 năm đến 20 năm, 169 bị cáo tù trên 7 năm đến 15 năm…

Tổng số vụ việc phải thi hành án liên quan đến các dự án bất động sản và nhà ở xã hội là 841 vụ việc, tương ứng số tiền phải thi hành hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, 840 vụ việc liên quan đến thi hành dự án bất động sản và 1 vụ việc liên quan đến nhà ở xã hội, tập trung tại tỉnh Long An (649 vụ việc, tương ứng hơn 195 tỷ đồng) và TP HCM 159 vụ việc, tương ứng hơn 800 tỷ đồng.

Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đoàn giám sát kiến nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra.

“Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Thanh nói.

Đoàn Giám sát đề nghị Chính phủ, bộ, ngành hoàn thiện hệ thống quy định và nâng cao năng lực, hiệu lực giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán nâng cao chất lượng thông tin, công khai, minh bạch.

Cùng với đó, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dài hạn, phát triển cân bằng và hài hòa với thị trường tín dụng ngân hàng và thị trường cổ phiếu; giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu và việc thực hiện các nghĩa vụ khi đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giám sát thị trường bất động sản: Giá nhà tăng vọt, nhiều khu đô thị bỏ hoang

Giám sát thị trường bất động sản: Giá nhà tăng vọt, nhiều khu đô thị bỏ hoang

(Thanh tra) - Đoàn giám sát về thị trường bất động sản chỉ ra, có số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn. Trong khi, nhiều khu đô thị bị bỏ hoang thì giá nhà tăng vọt so với mức tăng thu nhập đa số người dân.

Hương Giang

05:30 28/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm