Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo dự án quan trọng quốc gia đội vốn, nguồn lực xã hội “chôn” vào bất động sản

Hương Giang

Thứ tư, 15/05/2024 - 21:36

(Thanh tra) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chấn chỉnh ngay những bất cập và có giải pháp để tránh dự án quan trọng quốc gia đội vốn, nguồn lực xã hội “chôn” vào bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, chiều 15/5.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá thời gian qua nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tiến độ triển khai tích cực.

Ông Thanh thấy vẫn còn khá nhiều công trình bị chậm tiến độ như qua giám sát, nhiều dự án thu hồi đất không đạt, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, không đạt tiến độ Quốc hội giao, không cẩn thận còn làm ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang thi công theo Nghị quyết 94 của Quốc hội cũng đang chậm tiến độ.

Cạnh đó, theo ông Thanh, qua theo dõi cho thấy công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành đưa vào vận hành đã phải sửa đổi, điều chỉnh ngay.

“Xây nhà mới tiền bỏ ra ít thôi, nhưng sửa chữa chắp vá, tiền tăng lên rất nhiều, như thế gọi là lãng phí”, ông Thanh nhấn mạnh và cho rằng, cần rút kinh nghiệm vấn đề trên.

Ông Thanh chỉ ra có một số công trình chậm do nhiều nguyên nhân, như cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng thiếu vật liệu xây dựng dẫn đến chậm.

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư qua kiểm toán Hưng Yên, Bắc Ninh tăng nhiều nghìn tỷ đồng.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở một số công trình giao thông quan trọng khác.

“Cần khắc phục, nếu không sau này sẽ đội vốn và khi ấy chúng ta phải bỏ tiền ra xử lý”, theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Nội dung khác, ông Thanh nói trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội vừa qua, Ủy ban Kinh tế rất quan tâm đến vấn đề thị trường bất động sản, nhất là việc đầu cơ bất động sản.

Ông nêu thực tế người có tiền mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu không tiếp cận, không mua được.

“Tiền cứ chảy vào đó, mà không đưa vào lao động, sản xuất. Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp xử lý, không nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản”, ông Thanh nhấn mạnh..

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói thêm, báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội đã chỉ ra phải giải quyết các thủ tục pháp lý về quy hoạch để giải phóng nguồn lực từ các dự án...

Có 91 bộ, cơ quan, địa phương giải ngân dưới mức bình quân cả nước

Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Bên cạnh tiếp tục cải cách thể chế về đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, liên vùng.

Nhờ vậy, lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/01/2024 là 661.705 tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch, đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Tuy nhiên, Chính phủ cho hay, còn 91/115 bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân lũy kế 13 tháng thấp hơn bình quân của cả nước.

Một số dự án quan trọng quốc gia đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá ...

Trong khi, công tác triển khai thi công của một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra như: Hưng Yên, Bắc Ninh đến tháng 10/2023 mới ký hợp đồng và triển khai thi công Dự án Vành đai 4 Hà Nội; Đồng Nai chưa thi công gói thầu thuộc Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Vũng Tàu; Sóc Trăng mới thi công 01/04 gói thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

“Các tỉnh đã khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 6/2023, tuy nhiên khối lượng thực hiện còn thấp do chưa hoàn thành các thủ tục về khai thác vật liệu xây dựng. Nếu không quyết liệt, tích cực triển khai sẽ rất khó hoàn thành tiến độ dự án theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội”, báo cáo nếu.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội lưu ý tình trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công.

Trong khi, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.

Báo cáo cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch (bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023).

Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo cơ quan thẩm tra, chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý triển khai dự án bất động sản, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành...

Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166 ha đất. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm