Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thống đốc Ngân hàng: Mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều, không cấm cho vay bất động sản

Hương Giang

Thứ hai, 11/11/2024 - 12:21

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều so với các nước và Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản.

Điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sáng 11/11.

An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trước hết

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực gì về tín dụng, vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu phát triển”, bà Nga hỏi.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cân nhắc khi điều hành về tín dụng.

Để giải quyết vốn, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Vốn cho sản xuất kinh doanh gồm: tự có, vay ngân hàng, thu hút trực tiếp, gián tiếp nước ngoài hoặc vay nợ. Nếu doanh nghiệp có khả năng tự vay tự trả vốn nước ngoài cũng có khuôn khổ pháp lý. Bà đề nghị doanh nghiệp và người dân cân nhắc để tìm nguồn vốn phù hợp.

Còn khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay, đó là phải khả năng trả nợ, có phương án kinh doanh khả thi. Bà Hồng thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

“An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế”, bà Hồng nói.

Vì vậy, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công vụ là “room tín dụng” để hạn mức tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát

Theo bà Hồng, đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng. Đơn cử có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.

Dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng của họ, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hạn mức tín dụng; cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20%, trong khi Trung Quốc có thời điểm cao hơn 30%.

“Còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?”, ông Khánh chất vấn.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều, không cấm cho vay bất động sản. Ảnh:P.Thắng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của họ, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động.

Theo bà, có ngân hàng huy động được vốn dài hạn nhưng có ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn, vì vậy nếu cho vay trung và dài hạn thì họ phải cân đối.

Toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.

“Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản”, bà Hồng khẳng định cho hay, Ngân hàng Nhà nước quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) chất vấn đề giảm lãi suất. Ảnh: P.Thắng

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) về lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục nhấn mạnh, mục tiêu chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo bà, việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng.

“Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi", bà Hồng trả lời.

Không được dùng tiền nhàn rỗi của ngân sách để cho vay

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề, chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành vĩ mô có vị trí rất quan trọng, nhất là với dòng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: P.Thắng

“Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp thế nào để điều hành chính sách tiền tệ một cách tốt nhất”, ông nêu.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước có chức năng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại cơ quan này. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản ngân sách cũng được phép gửi tại các ngân hàng trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Bà cho hay tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn và gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước với khoảng 80%.

Việc gửi tiền ngân sách nhàn rỗi tại các ngân hàng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, không được sử dụng số tiền này để cho vay, nhưng có thể dùng gián tiếp các khoản này để hỗ trợ họ trong đảm bảo thanh khoản.

Để tránh rủi ro, cần theo o dõi chặt chẽ, không chủ quan và phối hợp với các cơ quan, yêu cầu tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, đảm bảo cân đối vốn an toàn, theo bà Hồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm