Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xin nghỉ hưu sớm, ra khỏi ngành để… đòi công lý

Ngân Nga

Thứ tư, 17/05/2023 - 10:46

(Thanh tra)- Vì quá bức xúc, tuyệt vọng với hành vi “ngang ngược” bất chấp pháp luật và tình người của lãnh đạo quận Bình Tân, mới đây hai người con trai cụ Nguyễn Văn Nhờ đã xin thôi việc để đòi công lý cho bản thân và gia đình.

12 thửa đất của 8 hộ gia đình bất ngờ bị UBND quận Bình Tân thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Ngân Nga

Vì sao trưởng phòng văn hóa, thiếu tá công an xin thôi việc?

Liên quan đến việc 8 hộ dân (tại tổ 1, phường An Lạc A, quận Bình Tân) của một đại gia đình sinh sống ổn định 46 năm bỗng dưng bị UBND quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch và thu hồi 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà chúng tôi đã phản ánh, mới đây, hai người con trai cụ Nhờ, một người là Trưởng phòng Văn hóa quận Bình Tân và một người là Thiếu tá Công an TP HCM đã xin thôi việc, xin ra khỏi ngành để “truy đến cùng” những khuất tất, ngang ngược của lãnh đạo UBND quận Bình Tân trong việc vô cớ ngăn chặn và thu hồi GCNQSDĐ của gia đình họ.

Theo phản ánh, ông Nguyễn Văn Ngọc, con trai út của cụ Nhờ, từng là thiếu tá công an, công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP HCM, vì quá bức xúc nên đã xin xuất ngũ để giải quyết việc đất đai của gia đình. Sau đó, ông Ngọc xin chuyển về sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khu phố 1, Đảng bộ phường An Lạc A, quận Bình Tân. Trong thời gian sinh hoạt, do UBND quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch và thu hồi GCNQSDĐ khiến gia đình ông Ngọc thiệt hại nghiêm trọng về vật chất lẫn tinh thần, nên năm 2021, ông Ngọc làm đơn xin ra khỏi Đảng.

“Thấy việc làm của UBND quận Bình Tân hết sức vô lý, tôi đã nhiều lần kiến nghị đến lãnh đạo phường An Lạc A và Chi bộ Khu phố 1 nhưng các vị lãnh đạo này không lắng nghe, thấu hiểu, ngược lại còn hùa theo những hành vi sai trái của lãnh đạo quận Bình Tân, đến vận động, dụ dỗ mẹ tôi ký hồ sơ khi cả nhà đi vắng. Điều đó khiến tôi hoàn toàn mất niềm tin, mất ý chí đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của Bí thư Chi bộ Khu phố 1”, ông Ngọc chia sẻ.

Đảng ủy, UBND phường An Lạc A đến nhà ép buộc cụ già 90 tuổi ký nhận quyết định thu hồi GCNQSDĐ. Ảnh: Ngân Nga

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng là con trai thứ 3 của cụ Nhờ, sinh năm 1966, trước khi xin thôi việc, ông Hoàng là Quận ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Tân. Vì quá thất vọng, bức xúc với hành vi bất chấp pháp luật của cấp trên nên ngày 1/5/2023 ông Hoàng chính thức thôi việc.

Ông Hoàng cho biết: “Tôi thật sự sốc nặng khi đã gắn bó công tác với UBND quận Bình Tân hơn 20 năm, đã 3 nhiệm kỳ là Quận ủy viên, vậy mà trước khi ban hành văn bản ngăn chặn giao dịch những tài sản của tôi, Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) âm thầm ra văn bản ngăn chặn, không hề báo cho tôi một tiếng nào để tôi và gia đình đỡ sốc”.

“Điều đáng buồn hơn nữa, trong quá trình tôi làm đơn xin thôi việc, không có một tổ chức hay lãnh đạo nào tiếp xúc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ. Thậm chí, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch quận ký quyết định xong không trực tiếp trao cho tôi mà cho nhân viên đẩy thẳng lên cổng thông tin của quận”, ông Hoàng bức xúc.

UBND quận Bình Tân đòi tiền ĐBGPMB của 23 năm trước?

Các hộ dân cho biết, năm 2000, TP HCM thực hiện dự án mở rộng đường Hùng Vương nối dài (nay là đường Kinh Dương Vương), cũng như các hộ dân sinh sống liền kề, gia đình cụ Nhờ đã hiến hơn 800m2 đất cho Nhà nước và nhận hơn 2 tỷ tiền đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB). Thế nhưng, đã 23 năm trôi qua, đến nay UBND quận Bình Tân yêu cầu các hộ dân trả lại tiền.

Ông Ngọc cho biết, năm 1999, UBND huyện Bình Chánh triển khai đo đếm để GPMB mở rộng đường Kinh Dương Vương, gia đình bị Nhà nước thu hồi 808m2 đất mặt đường, tuy nhiên Ban ĐBGPMB của huyện Bình Chánh chỉ áp giá 70.000 đồng/m2 vì cho rằng đó là đất ruộng.

Không đồng ý, cụ Nhờ đã khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM về việc áp giá bồi thường không đúng với thực tế sử dụng là đất ở, sau đó Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 248/VPCP-VII ngày 18/1/2000 yêu cầu UBND TP HCM xác minh đơn thư. Đến ngày 5/12/2000, UBND TP HCM ban hành Quyết định 8175/QĐ-UB-NC giải quyết bồi thường cho gia đình với giá 2.700.000 đồng/m2 (cho đất hợp lệ).

Trong khi gia đình đang khiếu kiện UBND quận Bình Tân về việc ngăn chặn và thu hồi 12 GCNQSDĐ, thì ngày 5/7/2022 Văn phòng UBND TP HCM ban hành Công văn 5265/VP-ĐT về khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng. Trên cơ sở đó, ngày 27/7/2022 UBND quận Bình Tân ban hành Kết luận 572/TB-UBND của Thường trực UBND quận, trong đó có nội dung, chỉ đạo cấp dưới thu hồi tiền bồi thường GPMB dự án mở rộng đường Kinh Dương Vương năm 2000.

Điều đáng nói, trong Văn bản 5265/VP-ĐT Văn phòng UBND TP chỉ chỉ đạo kiểm tra và xử lý sai phạm trong việc sử dụng đất của Công ty Cổ phần Xe khách Miền Tây. Đồng thời, văn bản này cũng chỉ yêu cầu quận Bình Tân xem xét lại cơ sở pháp lý việc cấp GCNQSDĐ của các hộ dân (nằm trong khu đất 1,6ha mà bà Phượng khiếu nại). Thế nhưng, không hiểu Phòng TN&MT quận đã tham mưu, đề xuất thế nào khiến lãnh đạo UBND quận Bình Tân “nhào nặn” thành các hành vi ngăn chặn và thu hồi 12 GCNQSDĐ chỉ đối với gia đình cụ Nhờ trong tổng số 1,6ha nói trên?

Trụ sở UBND quận Bình Tân. Ảnh: Ngân Nga

Không dừng lại ở đó, quận Bình Tân còn yêu cầu ông Ngọc và các hộ liên quan hoàn lại tiền thuế trước bạ và tiền sử dụng đất đã bị chính đơn vị này ép buộc thực hiện nghĩa vụ thuế trước đó.

Gia đình cho biết, đầu tháng 3/2023, Chi cục Thuế quận Bình Tân đồng loạt mời các hộ gia đình lên làm việc để họ hoàn lại số tiền thuế trước bạ đã đóng nhiều năm trước. Mỗi hộ được nhận lại khoảng 10 triệu đồng (bằng số tiền đã nộp). Riêng hộ ông Ngọc, Chi cục Thuế quận Bình tân sẽ trả lại số tiền 1.115.000.000 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất.

Ông Ngọc bức xúc, trước đó, mặc dù vợ chồng ông sống cùng căn nhà được cha mẹ cất từ năm 1980, nhưng UBND quận Bình Tân cho rằng nhà ông Ngọc được tạo lập sau năm 1999 và ép buộc gia đình nộp tiền thuế sử dụng đất, với số tiền 1.115.000.000 đồng. Sau nhiều năm cầu cứu vô vọng, năm 2019 ông Ngọc phải đóng toàn bộ số tiền trên.

“Hài hước thay, Chi cục Thuế Bình Tân vừa mới rốt ráo ban hành văn bản “đòi nợ” tiền sử dụng đất của vợ chồng tôi chưa lâu, thì nay chính đơn vị này đột ngột gọi tôi lên để “ép” tôi nhận lại. Đáng nói, đó là một số tiền không hề nhỏ, nhưng Chi cục Thuế không tính lãi suất, chỉ nói rằng trước thu sao giờ trả lại vậy. Tôi tự hỏi, phải chăng UBND quận Bình Tân và các thuộc cấp đang chơi trò “mèo vờn chuột” với chúng tôi? Phải chăng thượng tôn pháp luật không tồn tại ở quận Bình Tân mà thay vào đó là “luật rừng”?”, ông Ngọc bức xúc.

Đất hình thành trước năm 2004 được công nhận QSDĐ

Tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Với hộ cụ Nhờ, mặc dù trước 2014 chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng lần lượt qua các thời kỳ từ năm 1979, 1985, 1989, 1993, 2000, 2004, 2013 và đến năm 2014 đã được chính quyền các cấp, sở, ngành TP HCM ban hành nhiều văn bản khẳng định cụ Nhờ và các hộ liên quan sử dụng ổn định từ năm 1978. Qua nhiều lần chỉnh lý, mở rộng đường Kinh Dương Vương, diện tích còn lại hơn 3.400m2.

Điều này càng khẳng định rõ tại bản đồ hiện trạng vị trí số 3448/ĐĐBĐ-VPTP lập ngày 14/4/2006; số 9668/ĐĐBĐ-VPTP lập ngày 18/10/2013 của Trung tâm Đo đạc bản đồ thành phố, cũng như Báo cáo 1667/UBND ngày 25/10/2013 của UBND quận Bình Tân thừa nhận diện tích thực tế của cụ Nhờ là 3,431,4m2.

Về vấn đề có liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng, trước đây, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố và UBND quận Bình Tân nhiều lần khẳng định bà Phượng dựa theo tài liệu bằng khoán của chế độ cũ, không sinh sống, không thực hiện nghĩa vụ thuế từ năm 1975 đến nay, nên không có cơ sở để giải quyết.

Tất cả các tài liệu pháp lý liên quan hồ sơ thửa đất không chỉ gia đình cụ Nhờ có, mà được lưu giữ ở các sở, ngành liên quan của thành phố, ở UBND quận Bình Tân, Phòng TN&MT, Chi cục Thuế quận… thế nhưng UBND quận Bình Tân, đặc biệt là Trưởng phòng TN&MT (người tham mưu) và Phó Chủ tịch UBND quận (người ký quyết định thu hồi) cố tình không nhìn thấy, ngang ngược ban hành nhiều văn bản thiếu căn cứ pháp lý, trái quy định pháp luật để bằng mọi giá thu hồi GCNQSDĐ của người dân.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, vì sao quận Bình Tân giám “vượt mặt” cấp trên, cố tình ngăn chặn và thu hồi GCNQSDĐ của các hộ dân, trong khi cấp trên chỉ yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất liên quan khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng, ông Lê Minh Hiếu, Phó phòng TN&MT quận Bình Tân cho rằng, ngăn chặn và thu hồi nhằm đảm bảo kịp thời, tránh phát sinh hậu quả pháp lý của việc cấp GCNQSDĐ không đúng quy định và chờ chỉ đạo của UBND TP HCM.

Dư luận có lẽ rất ngỡ ngàng, vì đang trong quá trình xác minh, chưa có kết quả đúng sai, vậy mà Phòng TN&MT với “đầu tàu” là Trưởng phòng Lại Phú Cường đã tham mưu cho bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch quận Bình Tân ký nhiều văn bản ngăn chặn và thu hồi GCNQSDĐ của người dân, khiến hơn 3 năm nay, 45 nhân khẩu trong một đại gia đình khốn khổ, lao đao.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm