Tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh DTLCP (tên thương mại là NAVET-ASFVAC) do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) sản xuất. Đây được đánh giá là một bước thành công đột phá, bởi tại thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vắc xin DTLCP thương mại. Chính vì vậy, sự cố xảy ra tại 3 địa phương trên đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận về kết quả điều tra, con số thiệt hại, phương án đền bù, hỗ trợ người chăn nuôi, nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố và kiểm điểm trách nhiệm trước sự việc trên.

Để thông tin khách quan về các nội dung trên, phóng viên Báo Thanh tra đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ đạo Cục Thú y, Công ty Navetco cung cấp thông tin về các vấn đề nêu trên.

Qua buổi làm việc với đại diện Cục Thúy y, phóng viên Báo Thanh tra được biết, vắc xin NAVET-ASFVAC được cấp phép ngày 18/5/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, Công ty Navetco đã cung cấp 24.204 liều vắc xin NAVET-ASFVAC cho 20 tỉnh, thành phố trong đó có 5.858 liều vắc xin được sử dụng có sự giám sát của cơ quan thú y và 18.346 liều được tiêm cho lợn (bao gồm cả lợn không thuộc đối tượng tiêm).

Tổng số liều vắc xin được Công ty Navetco cung ứng cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi là 5.850 liều, đã làm 743 con lợn bị chết tại các tỉnh Bình Định (282 con), Phú Yên (431 con) và Quảng  Ngãi (30 con) sau khi tiêm vắc xin. 

Nhiều nguyên nhân đã được cơ quan chức năng chỉ ra như: Cung ứng, bán vắc xin trực tiếp cho thú y cơ sở và người chăn nuôi tự tiêm không đúng đối tượng chỉ định, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; lợn đang bị nhiễm vi rút DTLCP thực địa trước đó hoặc nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm khác trước khi được tiêm phòng; không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty Navetco…

Công ty Navetco cũng đã nhanh chóng đền bù toàn bộ thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, trước những câu hỏi của phóng viên Báo Thanh tra về một số vấn đề liên quan đến vụ việc thì đại diện của Cục Thú y cũng như đại diện Công ty Navetco hoặc không nắm được thông tin hoặc không cung cấp.

Cục Thú y cho rằng, việc tiêm vắc xin này là quá trình tiêm thí điểm đánh giá trên diện hẹp tại 20 địa phương theo danh sách và hướng dẫn của Cục, nhưng lại không lý giải được tại sao Phú Yên và Quảng Ngãi là 2 tỉnh dù không nằm trong danh sách này mà vẫn được cung ứng vắc xin và tiêm tràn lan như vậy.

Theo thống kê, có 743 con lợn bị chết sau khi tiêm vắc xin tại 3 tỉnh, trong đó tại Bình Định là 282 con, Phú Yên là 431 con và Quảng  Ngãi là 30 con, Công ty Navetco hỗ trợ cho người chăn nuôi với mức 2 triệu đồng cho lợn nái và lợn đực giống, 1 triệu đồng cho lợn con.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về tổng số tiền mà Công ty Navetco đã hỗ trợ cho người chăn nuôi hoặc tổng số lợn nái, lợn đực giống và lợn con chết là bao nhiêu, câu hỏi cũng không được giải đáp.

Trước thông tin, sau khi sự việc xảy ra, Công ty Navetco đã tổ chức 2 cuộc họp để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan đến sự cố tiêm phòng vắc xin, phóng viên đặt câu hỏi về kết quả của những cuộc họp đó, những ai phải chịu trách nhiệm và hình thức xử lý kỷ luật (nếu có) như thế nào? Một lần nữa câu hỏi cũng không có lời giải đáp.

Theo kế hoạch, quá trình tiêm thí điểm đánh giá trên diện hẹp này sẽ kết thúc cuối tháng 7 năm 2023, với 600.000 liều vắc xin được tiêm cho đối tượng lợn từ 8 đến 10 tuần tuổi. Các địa phương thực hiện thí điểm là: Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng và Vĩnh Long.

Phóng viên đặt câu hỏi về số lượng vắc xin cung cấp cho mỗi địa phương để tiêm thí điểm cụ thể là bao nhiêu? Đáng ngạc nhiên là, câu hỏi này cũng không có đáp án ...

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Mạnh Đạt