Sai quy trình

Khoảng 14h30 -15h ngày 9/7/2019, một đoàn công tác thuộc Đội QLTT số 4 do quyền Đội trưởng Trần Văn Hải dẫn đầu, đến kho hàng của Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại dịch vụ Thanh Tin (DNTN Thanh Tin) ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Đi cùng đoàn công tác có một nhóm người lạ mặt và một số phương tiện là ô tô tải, bên ngoài có lô gô của một số thương hiệu gas.

Sau khi DNTN Thanh Tin chấp hành yêu cầu mở cửa, Đội QLTT số 4 đứng giữa kho hàng, để cho các đối tượng mặc đồ dân sự vào “kiểm tra” và di chuyển các bình gas trong kho của doanh nghiệp lên xe ô tô. Vỏ bình của hãng nào thì được bốc lên xe có ghi tên và lô gô của hãng gas và công ty liên quan.

Việc kiểm tra, thu giữ trên khiến DNTN Thanh Tin rất bất ngờ và bức xúc, cho rằng Đội QLTT số 4 làm sai quy trình.

Thứ nhất: Đội QLTT số 4 vừa công bố việc kiểm tra DNTN Thanh Tin thì đã cho phép các đối tượng lạ mặt cho các bình gas lên ô tô rồi chở đi, bất chấp phản ứng của doanh nghiệp. Các đối tượng và phương tiện vận chuyển bình gas đi có phải lực lượng thi hành công vụ?Có được phép thực hiện việc vận chuyển hay không? Đến nay Đội QLTT số 4 vẫn chưa có thông tin chính thức.

Thứ hai: Theo quy trình, cơ quan chức năng phải lập biên bản thu giữ tang vật, sau đó mới tiến hành vận chuyển đi. Trong vụ này, biên bản được lập lúc 19h30. Thế nhưng lúc này tang vật đã được vận chuyển hết ra khỏi kho của DNTN Thanh Tin. Diễn biến được camera an ninh ghi lại toàn bộ.

Thứ ba: Tang vật vận chuyển đi đâu, doanh nghiệp không được biết, không được giám sát, xem có bị thêm bớt, đánh tráo hay không.

Thứ tư: DNTN Thanh Tin cùng các phóng viên đã phải tự đi dò hỏi và tìm đến được kho lưu giữ tang vật. Tuy nhiên, theo xác minh, kho lưu giữ tang vật không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy. Một tuần sau, Công an thị xã Buôn Hồ nhận được tin báo đã đến kiểm tra và yêu cầu Đội QLTT số 4 di chuyển toàn bộ số vỏ bình, trong đó nhiều bình vẫn còn gas đến nơi khác đủ điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ.

Thứ năm: Quá trình thu giữ tang vật, Đội QLTT số 4 không ghi rõ seri từng bình gas, mà chỉ ghi chung chung số lượng và nhãn hiệu gas, rồi cho chính các đơn vị gas vận chuyển đi, thì hoàn toàn có thể xảy ra việc đánh tráo tang vật nhằm hãm hại DNTN Thanh Tin.

Thứ sáu: 20h ngày 9/7 mới lập xong biên bản, nhưng cùng ngày, Đội QLTT số 4 đã có “thư mời” DNTN Thanh Tin có mặt tại trụ sở Đội để làm việc liên quan đến việc lưu giữ các bình gas không thuộc sở hữu. Việc “giấy mời” có dấu hiệu được chuẩn bị trước khiến doanh nghiệp hoài nghi về một “kịch bản có sẵn”.

Thứ bảy: Quá trình thu giữ, vận chuyển và lưu giữ ở kho, Đội QLTT số 4 đã không tiến hành niêm phong tang vật theo quy định.

Thứ tám: Khi lưu giữ tang vật ở kho thuê của một doanh nghiệp, Đội QLTT số 4 đã không có chế độ bảo quản, bảo vệ tang vật nghiêm ngặt. Cửa kho không khóa, không niêm phong, không có chứng kiến, xác nhận của DNTN Thanh Tin. Không có hợp đồng trông giữ với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Thứ tám: Ngày 16/7, phóng viên phản ánh việc không niêm phong tang vật, việc lưu giữ tang vật một cách bừa bãi ở kho không đủ điều kiện đến lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, thì chiều hôm sau (17/7), Quyền Đội trưởng QLTT số 4 “âm thầm” đi niêm phong. Việc niêm phong này cũng lại sai quy trình và rất tùy tiện.

Thứ chín: Tối 9/7, Đội QLTT số 4 mới hoàn thiện xong biên bản tạm giữ tang vật, đồng thời gửi giấy mời DNTN Thanh Tin lên trụ sở Đội làm việc vào sáng 11/7. Ngay hôm sau (10/7), Ccổng thông tin của Cục QLTT Đắk Lắk đã đăng ngay thông tin về vụ việc với tít bài “Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk tạm giữ gần 2.000 chai LPG không có hóa đơn, chứng từ”. 

Cùng ngày, website của Tổng cục QLTT cũng có bài viết mang tính “kết tội” doanh nghiệp: “Cục QLTT Đắk Lắk: Phát hiện gần 2.000 vỏ bình gas không nguồn gốc”. 

Cần phải nói rõ rằng, việc tạm giữ tang vật diễn ra ngày 9/7, và doanh nghiệp được mời làm việc ngày 11/7 để cung cấp chứng cứ, tài liệu, từ đó mới xác minh, làm rõ nguồn gốc các bình gas. Việc Đội QLTT số 4 cung cấp thông tin và các website của Cục QLTT tỉnh, website của Tổng cục QLTT đăng tin, kết luận liệu có đúng quy trình hay không? Những biểu hiện này càng làm lộ rõ một “kịch bản” có sự chuẩn bị trước.

Các bình gas mang thương hiệu Totalgaz trong sân của Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Khánh Thư . Ảnh: ND 

“Hiệp hội Gas” có “bàn tay ma”?

Ngay khi có phản ánh của Báo Thanh tra thì lãnh đạo Cục QLTT Đắk Lắk cho biết, đã cho mời các đơn vị có đơn đề nghị xử lý DNTN Thanh Tin đến đối chứng tại trụ sở Đội QLTT số 4 để làm rõ sự việc.

Bốn doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Khánh Thư, Công ty Cổ phần Gas Phụng và Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Trung bộ khu vực Đắk Lắk và Đại diện thương hiệu Đắk Gas (nhãn hàng thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Trung bộ khu vực Đắk Lắk).

Những doanh nghiệp này có tên trong tài liệu, hồ sơ của “Hiệp hội gas Đắk Lắk”. “Kịch bản vây hãm” DNTN Thanh Tin cũng do chính “Hiệp hội” này “đạo diễn”.

Theo văn bản được Đội QLTT số 4 lập ngày 22/7/2019 cho biết: Đến làm việc với Đội QLTT số 4, ông Nguyễn Văn Vũ đại diện Đắk Gas cho biết, việc trao đổi chai LPG (vỏ bình gas đã sử dụng hết gas bên trong) với ông Phạm Ngọc Tin là có và thông tin giao dịch theo bản sao kê mà ông Tin cung cấp là có.

Ông Vũ cho biết việc trao đổi này là ông trao đổi hộ cho các đại lý không báo cáo với Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Nam Trung bộ, ông Vũ trình bày đây là giao dịch giữa cá nhân ông với ông Phạm Ngọc Tin. Trên bảng sao kê do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Đắk Lắk cung cấp thì việc giao dịch diễn ra đến ngày 8/7/2019, trước 1 ngày DNTN Thanh Tin bị kiểm tra.

Công ty TNHH Thanh Minh Ban Mê là thành viên sáng lập Hiệp hội nhưng đang còn nợ DNTN Thanh Tin 86 vỏ chai gas chưa trả nên không có trong danh sách đối chất.

Cũng trong bảng sao kê tài khoản thể hiện việc có một số công ty nữa vẫn giao dịch thanh toán tiền vỏ chai LPG với DNTN Thanh Tin.


Điều rất đặc biệt là với DNTN Thanh Tin thì Đội QLTT số 4 rất "sốt sắng" xử lý, nhưng khi PV Báo Thanh tra cung cấp và đề nghị xử lý 3 vỏ bình gas có "dấu hiệu" cắt quai mài vỏ này thì ông Trần Văn Hải mất nhiều tiếng xin ý kiến rồi mới tiếp nhận. Ảnh: ND

Hàng loạt chứng cứ được DNTN Thanh Tin cung cấp tới cơ quan chức năng, cũng như qua đối chứng với các bên liên quan, thể hiện việc trao đổi vỏ bình gas giữa các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, suốt nhiều năm qua. 

Việc các doanh nghiệp lưu giữ vỏ bình của nhau là ngay tình, không nhằm mục đích chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Điều này có lẽ lực lượng QLTT nắm rõ hơn cả, bởi không nắm được những cách thức kinh doanh như trên, thì có lẽ không phải… QLTT, hoặc chuyên môn kém, không nắm bắt được thị trường.

Dư luận địa phương nhiều ngày qua, đặc biệt là giới kinh doanh gas rất quan tâm đến diễn biến sự việc. “Hiệp hội Gas” bất hợp pháp ở Đắk Lắk tuyên bố với giới kinh doanh gas rằng sẵn sàng có “biện pháp xử lý” các đơn vị, cá nhân kinh doanh gas không tuân theo “luật ngầm” của họ, trong đó DNTN Thanh Tin đã vào “tầm ngắm”. 

Có thể DNTN Thanh Tin – doanh nghiệp tiên phong và cương quyết không gia nhập “Hiệp hội” bất hợp pháp trên – bị lực lượng QLTT kiểm tra là vô tình. Nhưng nếu thực sự DNTN Thanh Tin sau khi đưa ra những chứng cứ chứng minh sự ngay tình, mà vẫn bị “xử đẹp” như “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” từng đe dọa, thì rất dễ dẫn đến hiểu lầm rằng Đội QLTT số 4 là “bàn tay ma” của “Hiệp hội Gas”.

Nam Dũng -  Thành Nam