Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

UBND huyện Thủy Nguyên trả lời chưa đúng bản chất sự việc và còn nhiều né tránh

Nhóm PV

Chủ nhật, 22/10/2023 - 21:50

(Thanh tra)- Trong hai ngày 4 và 5/10/2023, Báo Thanh tra đăng 2 kỳ phản ánh về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của UBND huyện Thủy Nguyên trong công tác đền bù, cấp tái định cư khi triển khai thu hồi đất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến trục đường Vsip và phát triển vùng phụ cận tại các xã Tân Dương, Dương Quan.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên (đứng bên phải ảnh) trả lời kiến nghị của người dân về công tác đền bù giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư cải tạo đường 359. Ảnh: Cổng Tin tức TP Hải Phòng

Ngày 17/10/2023, UBND huyện Thủy Nguyên có Văn bản 3481/UBND-TNMT do Chủ tịch Nguyễn Huy Hoàng đại diện ký, gửi nhiều cơ quan chức năng (trong đó có Báo Thanh tra) giải trình về nội dung 2 bài báo. Tuy nhiên, những giải trình này thể hiện sự áp dụng pháp luật phiến diện, áp đặt ý chí chủ quan, thậm chí “chụp mũ” cho nhân dân và cơ quan báo chí mất ổn định chính trị để bao biện cho hành vi chấp pháp trái luật của mình, yêu cầu gỡ bỏ bài báo.

Đối với nội dung giao đất tái định cư, UBND huyện Thủy Nguyên viện dẫn: “Điều 79 Luật Đất đai 2013, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, Điều 6 Quyết định 24/2022/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng và thực hiện trên cơ sở đề xuất của UBND xã, kết quả xét duyệt của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án (có sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ban Dân vận Huyện ủy; đại diện các phòng, đơn vị: Tài nguyên Môi trường, Kinh tế - Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch, Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Công an xã, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ nơi có đất thu hồi… Việc xét giao đất đối với các hộ dân được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của nhiều ngành đến cơ sở cấp thôn, đội, đảm bảo tính công bằng, dân chủ”.

Điều này về lý luận thì rất đúng, nhưng thực tế diễn ra trong quá trình lên phương án kiểm đếm để đền bù tại địa phương có nhiều trường hợp diễn ra không đúng như Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên nêu.

Ví như ngay trong bài 2 “Vi phạm nhiều quy định pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, chúng tôi đã viện dẫn Thông báo 364/TB-UBND ngày 6/6/2023 của UBND huyện Thủy Nguyên hủy bỏ kết quả xét duyệt giao đất tái định cư tại Dự án Đầu tư cải tạo đường 359. Tại thông báo, UBND huyện Thủy Nguyên hủy bỏ kết quả xét duyệt giao đất, bắt thăm nhận đất của 3 hộ dân, đồng thời thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong các ngày 15, 16/5/2023. Lý do: Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư xét duyệt giao đất chưa đảm bảo các quy định của pháp luật.

Vậy, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng và bạn đọc có thể cho đánh giá về tính trung thực của đoạn trả lời trên của Chủ tịch huyện Nguyễn Huy Hoàng. Các cá nhân, tập thể như trên (thuộc cơ quan Đảng, chính quyền 2 cấp của huyện), họp xét duyệt “đảm bảo tính công bằng, dân chủ” như thế nào mà ra kết quả như vậy? Việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân làm trái pháp luật đã được xử lý như thế nào?

Về trường hợp bà Nguyễn Thị Hằng (thôn 6 xã Tân Dương), ông Hoàng nêu: Nội dung kê khai của bà Nguyễn Thị Hằng, gia đình có 5 nhân khẩu cùng sinh sống tại thửa đất thu hồi (gồm bà Hằng, vợ chồng con trai và vợ chồng con gái bà Hằng). Tuy nhiên, khi kiểm tra xác minh các con bà Hằng thực tế không ăn ở tại thửa đất thu hồi. Phương pháp chứng minh mà ông Hoàng đưa ra là viện dẫn nơi đăng ký kết hôn của vợ chồng con trai, con gái bà Hằng tại tỉnh Thái Bình. Nơi cư trú của 2 cặp vợ chồng này tại Hà Nam và Thái Bình. Nơi ở hiện tại của 4 người con này cũng không phải huyện Thủy Nguyên mà ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Các cháu nội, cháu ngoại của bà Hằng được khai sinh không tại huyện Thủy Nguyên. Điều duy nhất mà ông Hoàng công nhận là, hợp đồng điện nước tại thửa đất bị thu hồi có tên con trai bà Hằng.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần “xác minh” (để chứng minh người dân có sinh sống thực tế trên thửa đất bị thu hồi) nhằm đảm bảo tính đúng, công bằng của UBND huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên phương pháp xác minh như trên là không đúng và cho kết quả sai, chính là nguy cơ gây khiếu kiện mất ổn định an ninh chính trị địa phương.

Cụ thể, quê quán, nơi đăng ký kết hôn, nơi khai sinh, thậm chí là hộ khẩu thường trú cũng không thể phủ nhận được nơi ở thực tế ngoài các địa điểm được ghi trong các giấy tờ trên.

Khoản 10, Điều 2 Luật Cư trú nêu: Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống.

Sổ đăng ký tạm trú số 52/2019 do ông Đào Đức Tiến, Phó trưởng Công an xã Tân Dương ký - sổ có giá trị đến ngày 30/12/2023. Ảnh: PV

Gia đình bà Hằng được UBND huyện Thủy Nguyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà để ở tại thôn 6 Tân Dương từ năm 2019. Bản thân con trai bà Hằng (anh Nguyễn Văn Hà) cũng ý thức về việc tuân thủ pháp luật về cư trú nên ngay khi sinh sống tại Tân Dương đã đăng ký tạm trú vào ngày 30/12/2019 (Sổ đăng ký tạm trú số 52/2019 do ông Đào Đức Tiến, Phó trưởng Công an xã Tân Dương ký, có giá trị đến ngày 30/12/2023).

Tương tự bà Hằng, các hộ: Nguyễn Thành Luân, Phạm Minh Hải, Hoàng Văn Tinh bị UBND huyện Thủy Nguyên từ chối không cấp đất hộ phụ (theo quy định của pháp luật) vì cho rằng, các thành viên trong gia đình có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, đăng ký kết hôn, sinh hoạt đảng, nơi học tập… không phải nơi có nhà, đất bị thu hồi tại huyện Thủy Nguyên, mặc dù họ có hộ khẩu thường trú, tạm trú, hợp đồng, hóa đơn thanh toán về điện, nước tại nơi ở trên mảnh đất duy nhất tại xã bị thu hồi.

Giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú của hộ ông Phạm Minh Hải. Ảnh: PV

Ông Hoàng viện dẫn rất chi tiết để chứng minh 4 hộ trên không đủ điều kiện nên không được cấp đất tái định cư (hộ phụ), nhưng ông Hoàng quên mất rằng, tại bài báo “Cấp tái định cư theo kiểu… tùy hứng?“, chúng tôi đã nêu phản ánh về trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Lăn (thường trú tại xã An Lư), có sở hữu 1 ngôi nhà trên đất bị thu hồi tại thôn Bấc Vang, xã Dương Quan ngay trước thời điểm UBND huyện có thông báo thu hồi đất triển khai dự án. Sau thời điểm huyện có thông báo thu hồi đất này, gia đình ông Lăn mới làm thủ tục khai báo tạm trú về thôn Tây Giữa vào một gia đình người thân (không phải nơi có nhà, đất bị thu hồi) ở xã  Dương Quan. Vậy mà UBND huyện Thủy Nguyên vẫn xác định gia đình ông Lăn đủ tiêu chuẩn để cấp đất tái định cư (hộ phụ). Trường hợp này không thấy ông Hoàng trả lời trong Văn bản 3481/UBND-TNMT. Trường hợp này đã đúng pháp luật chưa, hay có yếu tố trục lợi thưa ông Hoàng?

Chuyển sang nội dung giải trình về phương án bồi thường hỗ trợ, ông Hoàng không cho biết vì sao sau mỗi lần lên phương án cho gia đình bà Hằng, giá bồi thường cho vật liệu đá granit lại khác nhau, có biểu hiện trù dập khi người dân có ý kiến không đồng tình (nêu chi tiết trong bài “Vi phạm nhiều quy định pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo”). Ông Hoàng dựa vào việc huyện mời Công ty Cổ phần Giám định -  Thẩm định giá Đông Nam Á đánh giá để đưa ra mức giá đền bù. Vậy ông Hoàng suy nghĩ gì khi vật liệu đá granit được lấy ra cùng mẫu được đưa đi thẩm định nơi khác lại có kết quả là đá tự nhiên, ngược hoàn toàn với thẩm định của đơn vị được huyện mời?

Ngoài ra, việc vật liệu không thể di dời được, UBND huyện không đền bù mà chỉ hỗ trợ với phí 5 triệu đồng cũng bị lờ đi.

Việc áp đặt với nhà bà Hằng về bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc cũng xảy ra với 3 hộ còn lại mà chúng tôi đã nêu ở trong 2 bài báo trước.

Điều quan trọng nhất mà chúng tôi nêu ra trong loạt bài báo “Cần làm rõ nhiều dấu hiệu trái luật trong đền bù, cấp tái định cư khi thu hồi đất tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng” chính là việc vi phạm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của UBND huyện Thủy Nguyên đã không được ông Hoàng trả lời trong văn bản này. Và, trong khi đang viết những phản hồi trả lời của ông Nguyễn Huy Hoàng, chúng tôi đã được bạn đọc phản ánh phía UBND huyện Thủy Nguyên đã có động thái gọi người dân lên để “hỏi han” về đơn thư của họ. Tuy nhiên, theo phản ánh, đã có dấu hiệu xuê xoa trong quy trình xử lý đơn thư theo quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư, chúng tôi sẽ đề cập trong số báo sau.

Ông Hoàng nghĩ sao khi đặt bút ký vào Văn bản 3481 với những lý lẽ thiếu thuyết phục như chúng tôi đã phân tích ở trên, thậm chí còn cho rằng “trường hợp UBND huyện Thủy Nguyên xét giao đất đối với các (hộ phụ) theo phản ánh của bài viết của Báo Thanh tra sẽ dẫn đến cho việc tiếp tay cho các hành vi trục lợi từ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mất công bằng giữa các hộ dân có đất thu hồi, gây bức xúc trong nhân dân, tạo áp lực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện, mất ổn định tình hình chính trị địa phương”?

Chúng tôi không nói xa xôi, chỉ cần ông Hoàng trả lời rõ, có sự công bằng, đúng pháp luật chưa khi xét các tiêu chuẩn cấp tái định cư đối với 5 trường hợp mà chúng tôi đã nêu ở trong bài (giữa các hộ ông, bà: Hằng, Luân, Hải, Tinh với hộ ông Lăn?) thì sẽ có câu trả lời.

Trong 2 văn bản góp ý cho UBND huyện Thủy Nguyên về tham gia hồ sơ cưỡng chế tại dự án này, Thanh tra TP Hải Phòng đều yêu cầu địa phương tổng hợp tình hình giải quyết đơn thư. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo thì thụ lý theo quy định của Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018. Thế nhưng, trong buổi làm việc với Thanh tra TP Hải Phòng, chúng tôi được biết không có bản tổng hợp nào được báo cáo lại cho Thanh tra TP. Và, nổi lên là những trường hợp khiếu kiện không được thụ lý đúng theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều công dân địa phương khiếu nại, tố cáo khắp nơi, thậm chí đăng hình ảnh, video cùng với nhiều bài viết bột phát, thiếu kiểm soát lên nhiều nền tảng mạng xã hội, là nguy cơ cho thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chế độ.

Vi phạm đất đai quy mô lớn, tồn tại suốt nhiều năm qua tại huyện Thuỷ Nguyên. Ảnh: PV

Ngoài 2 bài báo “Cần làm rõ nhiều dấu hiệu trái luật trong đền bù, cấp tái định cư khi thu hồi đất tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng”, chúng tôi còn có bài “Cần thanh tra trách nhiệm UBND huyện Thủy Nguyên” (đăng ngày 10/10/2023) phản ánh về tình trạng tràn lan xây dựng công trình trái phép trên đất lúa, đất nuôi trồng thủy sản… ở địa bàn huyện Thủy Nguyên, nhưng chưa được ông Nguyễn Huy Hoàng trả lời. TP Hải Phòng từng có bài học cưỡng chế hàng loạt công trình kiên cố, biệt phủ, nhà hàng, nhà xưởng… xây dựng trái phép tại Nông trường Quý Cao, huyện Tiên Lãng. Vậy, huyện Thủy Nguyên sẽ làm gì?

Chúng tôi đề nghị Thành ủy, UBND TP Hải Phòng sớm kiểm tra, làm rõ.

Ấn vào đây để xem văn bản của UBND huyện Thuỷ Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lùm xùm việc điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa

Lùm xùm việc điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa

(Thanh tra) - Việc UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Quân giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng làm dấy lên nhiều dư luận lo ngại khi chỉ trước 1 ngày quyết định có hiệu lực, Cơ quan Công an đã có thông báo và đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về đấu thầu, đầu tư xây dựng, trong đó có liên quan đến vị trưởng phòng này.

Minh Tân

12:40 19/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm