Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhóm PV
Thứ năm, 05/10/2023 - 15:03
(Thanh tra)- Trong một buổi làm việc với chúng tôi, một lãnh đạo cấp phòng của huyện Thủy Nguyên (được cử làm đại diện UBND huyện) tiếp báo chí đã khẳng định: Huyện làm rất đúng, các anh phải tin chúng tôi vì đã có nhiều trường hợp khởi kiện huyện ra Tòa đều bị bác đơn hết. Nhưng khi soi vào thực tế, thì sự thật còn nhiều điều đáng bàn.
Trụ sở UBND huyện Thuỷ Nguyên. Ảnh: IT
Xin được tiếp tục về trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hằng. Nói về việc kiểm kê phục vụ công tác bồi thường, bà Hằng cho biết, khi Ban Đền bù xuống kiểm kê tại gia đình, lần 1 tổ công tác lập dự thảo bồi thường đá mà gia đình ốp tại nhà là đá granit tự nhiên, có giá bồi thường là 1.907.756đ/m2 (mã VKT.20073 tại Quyết định 27/2021/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng ban hành bộ đơn giá vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hải Phòng). Dự thảo lần 2, Ban Bồi thường hạ giá đền bù xuống còn 458.630.000đ/m2, tương ứng với vật liệu gạch granit (mã VKT.20043). Do gia đình không đồng ý, Ban Bồi thường áp giá bồi thường vật liệu đá granit nhân tạo với giá 1.247.448đ/m2 (VKT.20074) tại dự thảo lần 3. Gia đình tiếp tục không đồng ý với xác định vật liệu và có ý kiến, Ban Bồi thường quyết định áp giá bồi thường 650.000đ/m2 với lý do đây là vật kiến trúc “có kết cấu phức tạp” nên mời thẩm định giá!?
Cùng như trường hợp bà Hằng sử dụng ốp lát đá granit tự nhiên là các hộ Lê Xuân Yên, Nguyễn Thị Tâm, Bùi Thị Xập (thôn 6 xã Tân Dương), nhưng may mắn hơn là chỉ bị "đánh tụt" xuống thành đá granit nhân tạo để bồi thường rẻ hơn với mức 1.247.448đ/m2, chứ không chuyển sang mức vật liệu kiến trúc “có kết cấu phức tạp” có giá bồi thường 650.000/m2.
“Việc xác định vật liệu đá ốp như trên của Ban Bồi thường như trên là vô căn cứ. Bởi lẽ, đá ốp của gia đình có xuất xứ, có kiểm định của cơ quan chức năng. Ban Bồi thường nhiều lần điều chỉnh, mỗi lần điều chỉnh giảm đi, có biểu hiện trù dập khi công dân có ý kiến không đồng tình. Từ vật liệu đá granit có trong bộ đơn giá của Quyết định 27, Ban Bồi thường tự xác định đây là vật kiến trúc “có kết cấu phức tạp” nhằm hạ giá bồi thường cho công dân”, bà Hằng chia sẻ. Vì vậy, gia đình đã đem mẫu đá còn lưu mẫu (có chữ ký xác nhận của các cán bộ địa phương khi lên phương án bồi thường) đem đi xét nghiệm. Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Thử nghiệm VLXD XTEST (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định: Kết quả thử nghiệm phù hợp yêu cầu đá granit tự nhiên.
Ngoài việc tố áp giá sai với vật liệu đá granit tự nhiên, bà Hằng còn cho rằng, Ban Bồi thường còn không bồi thường toàn bộ vật kiến trúc tầng 2 là nhà lợp mái tôn khung thép; quây lưới B40 khung thép; bên trong bịt alumi khung thép được gia công hàn cố định kiên cố, chỉ có thể cắt phá, không di dời được, mà chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng để di dời.
Những lần làm việc với tổ công tác của huyện Thủy Nguyên, gia đình bà Hằng đều có ý kiến (không đồng tình), tuy nhiên những ý kiến đó đều không được giải đáp rõ ràng. Cực chẳng đã, bắt đầu từ 15/5/2023 gia đình đã 3 lần làm đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Thủy Nguyên và TP Hải Phòng (mỗi lần cách nhau 1 tháng). Thế nhưng đến thời điểm này, gia đình vẫn chưa nhận được văn bản trả lời về việc thụ lý theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Để làm rõ những nội dung liên quan đến áp dụng pháp luật trong bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục Vsip và phát triển vùng phụ cận tại các xã Tân Dương, Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường TP Hải Phòng.
Theo đó, Sở khẳng định việc bồi thường tái định cư đối với các trường hợp mất đất bởi dự án, Hải Phòng không có quy định riêng biệt, mà chỉ căn cứ trên các quy định của Luật Đất đai 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai mà Hải Phòng đã nêu cụ thể tại Quyết định 24/2022/QĐ-UBND ngày 11/5/2022 (về ban hành quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hải Phòng).
Cụ thể hơn, bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư được nêu rõ tại các điều luật từ 74 đến 87 của Luật Đất đai. Còn căn cứ xác định người sử dụng đất để làm tiêu chí tái định cư được nêu rõ tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trong đó điểm C nêu: “Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;”. Còn việc UBND huyện Thủy Nguyên lấy tiêu chí “xác định nhân khẩu tại thời điểm kiểm kê” để làm căn cứ xét tái định cư thì chúng tôi chưa tìm thấy ở văn bản pháp quy nào?
Đối chiếu với các trường hợp gia đình bà Hằng, ông Hải, ông Tinh và ông Luân (bị giảm trừ suất cấp đất tái định cư) hay hộ ông Lăn (cấp tăng suất tái định cư) được phản ánh mà chúng tôi đã nêu ở trên bài “Cấp tái định cư theo kiểu... tùy hứng!” cần được xem xét lại vì đã đáp ứng đủ (hoặc chưa đủ) các điều kiện. Đưa câu hỏi này tới cán bộ tiếp chúng tôi của Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng thì được trả lời: Việc xét cấp thế nào, UBND huyện Thủy Nguyên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!
Trong một buổi làm việc khác với Thanh tra TP Hải Phòng, chúng tôi được ghi nhận, cả 2 lần đóng góp vào hồ sơ cưỡng chế theo yêu cầu của UBND huyện Thủy Nguyên, Thanh tra TP đều yêu cầu địa phương rà soát, tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các trường hợp xin ý kiến. Tích cực tuyên truyền, đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ mà các hộ dân chưa đồng thuận. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo thì thụ lý theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018.
Như vậy, với quan điểm của Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TP Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên phải tự chịu trách nhiệm với các trường hợp khiếu kiện phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Trong giải trình các ý kiến của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TP Hải Phòng tại Báo cáo 225/BC-UBND ngày 23/5/2023, UBND huyện Thủy Nguyên đều khẳng định đã điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật; đã trả lời rõ căn cứ pháp lý cụ thể... Nhưng, sự thật là đã điều chỉnh phù hợp chưa, đúng luật chưa... thì không ai kiểm chứng cả. Còn chúng tôi lại thấy rằng, nổi bật lên là thái độ bất hợp tác, né tránh cung cấp thông tin cho báo chí; chưa làm đúng khuyến nghị của Thanh tra TP thể hiện qua việc phản ánh của bà Hằng mà chúng tôi đã dẫn chứng ở trong bài.
Chỉ với những thông tin ít ỏi mà chúng tôi thu thập được từ UBND huyện Thủy Nguyên, cộng với thời gian gần một tháng lặn lội tìm hiểu thực tế ở nơi đây, chúng tôi phát hiện ra rằng, vụ việc nhà bà Hằng không phải là trường hợp cá biệt của Dự án này, và Dự án này cũng không phải là cá biệt của các dự án khác đang được đầu tư tại đây.
Mới đây, vào ngày 20/9, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành pháp luật của Nhà nước tại Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Theo kế hoạch, thời gian kiểm tra tại Hải Phòng từ 1/1/2016 đến tháng 6/2023. Về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, ông Phan Đình Trạc đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Như vậy, không cần nói xa xôi, những gì đã và đang diễn ra mà chúng tôi phản ánh cho thấy, cần có cuộc thanh tra về trách nhiệm của người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện Thủy Nguyên trong thực hiện quy định nêu trên, đặc biệt là những khiếu kiện xuất hiện trong hai năm qua phát sinh bởi việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển đô thị, hướng tới thành lập TP Thủy Nguyên.
Việc kiểm tra, thanh tra này xin được chuyển cho người đứng đầu Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP Hải Phòng và chúng tôi sẽ quay trở lại trong thời gian tới với nhiều trường hợp khác nữa, có biểu hiện tiêu cực trong bồi thường, cấp đất tái định cư./.
UBND huyện Thủy Nguyên hủy bỏ kết quả xét duyệt giao đất tái định cư do xét trái quy định
Ngày 06/6/2023, UBND huyện Thủy Nguyên có Thông báo 364/TB-UBND hủy bỏ kết quả xét duyệt giao đất tái định cư tại Dự án Đầu tư cải tạo đường 359. Tại thông báo này, UBND huyện Thủy Nguyên hủy bỏ kết quả xét duyệt giao đất, bắt thăm nhận đất của 3 hộ dân, đồng thời thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong các ngày 15, 16/5/2023. Lý do mà UBND huyện đưa ra là, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án Đầu tư cải tạo đường 359 xét duyệt giao đất chưa đảm bảo các quy định của pháp luật.
Việc xét duyệt này chưa đúng ở điểm nào? Thuộc trách nhiệm của những ai? Báo Thanh tra sẽ sớm liên hệ với TP Hải Phòng và thông tin tới bạn đọc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.
Thanh Giang - Trang Nhung
08:00 21/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Trung Hà
Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam