Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Cấp tái định cư theo kiểu... tùy hứng?

Nhóm PV

Thứ tư, 04/10/2023 - 09:22

(Thanh tra) - Thời gian qua, Báo Thanh tra liên tiếp nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh về dấu hiệu không minh bạch, thiếu công bằng, thậm chí trái pháp luật trong công tác đền bù, cấp tái định cư tại nhiều dự án trọng điểm tại huyện Thủy Nguyên. Những việc làm này gây bất bình trong dư luận, gây phát sinh đơn thư khiếu kiện phức tạp lên thành phố, Trung ương. Vậy thực hư những phản ánh này có đúng bản chất sự việc?

Nhiều công dân liên tiếp phản ánh dấu hiệu không minh bạch, trái quy định pháp luật trong công tác đền bù, cấp tái định cư tại nhiều dự án trọng điểm tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: PV

Phản ánh tới Báo Thanh tra, một số công dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục Vsip và phát triển vùng phụ cận tại các xã Tân Dương, Dương Quan (dự án) cho biết: Ngày 22/9/2022, UBND huyện Thủy Nguyên có thông báo thu hồi đất thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai, UBND huyện Thủy Nguyên đã không thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm thiệt hại tới lợi ích của họ cũng như của Nhà nước.

Đơn cử, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn 6 xã Tân Dương với 5 nhân khẩu (bà Hằng sinh sống cùng 2 cặp vợ chồng con trai và con gái) có sở hữu nhà trên khu đất có diện tích 84,8m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019. Gia đình bà Hằng đã làm thủ tục kê khai, có kèm các giấy tờ chứng minh về nhà đất; xác nhận cư trú của cơ quan công an; các giấy tờ thể hiện việc sinh hoạt như phí điện, nước, vệ sinh và cũng được UBND xã Tân Dương xác nhận trình UBND huyện duyệt cấp đất tái định cư. Đối chiếu các văn bản pháp luật về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (được nêu rõ trong Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng), nhà bà Hằng đủ tiêu chuẩn cấp tái định cư 3 suất đất (1 lô chính và 2 lô phụ). Tuy nhiên, UBND huyện Thủy Nguyên chỉ xét cấp cho gia đình bà Hằng 1 lô đất tái định cư.

Ngoài gia đình bà Hằng, các trường hợp có chung tình trạng này như: Gia đình ông Nguyễn Thành Luân (thôn 6, Tân Dương); gia đình Phạm Minh Hải và Hoàng Văn Tinh (thôn Bấc Vang, xã Dương Quan).

Sau khi tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, Báo Thanh tra đã có các buổi làm việc với UBND huyện Thủy Nguyên, Thanh tra TP và Sở Tài nguyên Môi trường TP Hải Phòng.

Được biết, 24/4/2023, UBND huyện Thủy Nguyên có Văn bản 1155/UBND-TNMT gửi các sở: Tư pháp, Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TP để xin ý kiến tham gia vào hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án (39 trường hợp). Trong các văn bản trả lời của các đơn vị trên, tất cả đều phát hiện nhiều trường hợp bất nhất về số liệu kê khai số nhân khẩu sinh sống trên thửa đất bị thu hồi (giữa số liệu báo cáo của các xã với số liệu của UBND huyện) dẫn tới việc số lô đất mà người dân được cấp tái định cư (hộ phụ) giảm nhiều so với quy định pháp luật được nêu tại Quyết định 24/2022/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng.

Giải trình về các trường hợp này tại Báo cáo 225/BC-TNMT ngày 23/5/2023, UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng đã điều chỉnh phương án cưỡng chế thu hồi đất, trong đó thể hiện số nhân khẩu thực tế ăn ở tại thửa đất thu hồi, đảm bảo thống nhất với các nhân khẩu trong quá trình xét giao đất tái định cư. UBND huyện đã có văn bản trả lời tới từng hộ, trong đó nêu rõ lý do, căn cứ pháp lý về điều kiện được giao đất.

Đọc thấy vậy, nhưng chúng tôi thấy không phải vậy.

Trao đổi với bạn đọc (là người có tên trong danh sách cưỡng chế này) họ khẳng định: Chưa từng nhận được văn bản nào của huyện nêu rõ ràng lý do, căn cứ pháp lý để huyện cắt đi tiêu chuẩn cấp tái định cư hộ phụ cho họ. Thứ mà thuyết phục chúng tôi tin lời họ, bằng chứng là một số đơn khiếu nại, tố cáo được gửi tới UBND huyện và nhiều cơ quan chức năng của Thành ủy, UBND TP Hải Phòng nhưng chưa được xem xét, giải quyết theo quy định. Nếu có chăng, là mấy bản tiếp nhận đơn, biên bản làm việc tiếp nhận đơn của UBND huyện Thủy Nguyên; phiếu chuyển đơn tố cáo của Thanh tra TP chuyển về cho Chủ tịch UBND huyện giải quyết... bị “bỏ lửng” vì chưa có ngày thụ lý.

Quay trở lại với trường hợp bà Nguyễn Thị Hằng, ngày 29/5/2023 UBND huyện Thủy Nguyên có Văn bản 1686/UBND-TNMT gửi Thanh tra TP Hải Phòng để tiếp tục xin ý kiến tham gia vào hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất. Tại văn bản này, UBND huyện Thủy Nguyên bổ sung một số trường hợp, trong đó có gia đình bà Hằng.

Sau khi nghiên cứu, ngay trong ngày này, Thanh tra TP có ý kiến trả lời tại Văn bản 941/TTTP-NV3. Theo đó, Thanh tra TP tiếp tục phát hiện sự bất cập trong số tài liệu gửi kèm văn bản xin ý kiến của UBND huyện Thủy Nguyên.

Cụ thể: Theo Báo cáo số 58a/BC-UBND ngày 12/4/2023 của UBND xã Tân Dương nêu gia đình bà Hằng có 5 nhân khẩu đang ăn ở trên thửa đất bị thu hồi. Tuy nhiên, tại Văn bản 1276/UBND-TNMT ngày 28/4/2023 của UBND huyện Thủy Nguyên lại khẳng định gia đình bà Hằng “tại thời điểm kiểm kê” có 1 nhân khẩu ăn ở thực tế. Con trai, con gái bà Hằng không cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh ăn ở cùng chung sống tại thửa đất thu hồi, không thuộc đối tượng được giao đất tái định cư.

Trong hồ sơ nộp cho UBND xã Tân Dương để lên phương án bồi thường, tái định cư, gia đình bà Hằng đã cung cấp đủ những gì mà quy định pháp luật yêu cầu. Đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác nhận thông tin về cư trú do Công an xã Tân Dương cấp, giấy khai sinh, căn cước công dân, giấy chứng nhận kết hôn, hóa đơn điện, nước, vệ sinh. Vậy mà, không hiểu UBND huyện căn cứ vào đâu để khẳng định nội dung như trên tại Văn bản 1276?

Trong quá trình làm việc, mặc dù đã giải thích rất rõ tinh thần làm việc của Báo Thanh tra tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về báo chí, về tôn chỉ mục đích, về chức năng nhiệm vụ được Tổng Thanh tra giao, tuy nhiên phía UBND huyện Thủy Nguyên cung cấp tài liệu thiếu và “nhỏ giọt”, thậm chí viện dẫn sai luật để né tránh nhiều câu hỏi và cuối cùng là không cung cấp nữa dù đã hứa, mặc cho chúng tôi gọi điện, thậm chí làm công văn nhắc yêu cầu cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, trong số tài liệu “nhỏ giọt” đó, chúng tôi đã phát hiện được những điều vô lý.

Tại Báo cáo số 40/BC-UBND ngày 22/3/2023 của UBND xã Tân Dương, sau khi xét duyệt tại hội nghị xét giao đất (cho các hộ thôn 6), UBND xã đưa danh sách được duyệt trình UBND huyện. Theo đó, gia đình bà Hằng có  3 hộ với 5 nhân khẩu; gia đình ông Luân có 4 nhân khẩu. Cả 2 gia đình đều có các giấy tờ chứng minh đang sinh sống trên ngôi nhà có thửa đất bị thu hồi trước thời điểm có thông báo thu hồi đất.

Theo giải trình của UBND xã Tân Dương tại Báo cáo 54a/BC-UBND ngày 6/4/2023, sau khi xã có Báo cáo số 40, Phòng Tài nguyên Môi trường có chỉ đạo làm rõ một số nội dung, sau đó xã xác nhận lại gia đình bà Hằng chỉ có 1 nhân khẩu đang sinh sống tại thửa đất bị thu hồi; gia đình ông Luân chỉ có 2 nhân khẩu đang sinh sống tại thửa đất bị thu hồi mà không đưa ra chứng cứ chứng minh.

Thế nhưng, ngày 12/4/2023, UBND xã Tân Dương lại có Báo cáo 58a/BC-UBND khẳng định gia đình bà Hằng có 5 nhân khẩu đang sinh sống tại thửa đất bị thu hồi.

Vậy, những con số bất nhất kể trên nói lên điều gì? Vì sao Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thủy Nguyên lại yêu cầu UBND xã làm rõ lại số nhân khẩu gia đình bà Hằng, ông Luân? Việc xác định nhân khẩu (giảm xuống) của UBND xã Tân Dương dựa trên căn cứ nào của pháp luật?

Bức xúc trước việc xét cấp tái định cư kiểu “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” như trên, bạn đọc phản ánh một ví dụ điển hình không đủ điều kiện theo hướng dẫn của pháp luật vẫn được cấp tái định cư. Cụ thể, đó là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Lăn, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên. Gia đình ông Lăn có 1 thửa đất tại thôn Bấc Vang, xã Dương Quan bị thu thồi để thực hiện dự án. Tháng 7/2022 gia đình ông Lăn xây nhà trên đất này, đến ngày 22/9/2022 UBND huyện thông báo thu hồi đất. Sau thời điểm có thông báo thu hồi, gia đình ông Lăn mới làm thủ tục thường trú về thôn Tây Giữa xã Dương Quan (chứ không phải thôn Bấc Vang, nơi có nhà đất bị thu hồi). Vậy mà, UBND huyện Thủy Nguyên vẫn lên phương án tái định cư cho gia đình ông Lăn 2 lô tái định cư (1 chính và 1 phụ).

Bài 2: Vi phạm nhiều quy định pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm