Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 21/08/2019 - 12:36
(Thanh tra) – Những thành viên thành lập “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” đã thu tiền bán tem, tiền sản lượng từ các hội viên bị ép buộc. Họ gồm những cá nhân, đơn vị nào?
Với mỗi chiếc tem có giá 5 nghìn đồng buộc phải dán lên mỗi vỏ bình gas mà Hiệp hội thu thì cuối cùng người tiêu dùng tại tỉnh Đắk Lắk sẽ phải chi trả cho việc này. Ảnh: ND
Lộ diện “danh sách... đen”
Theo xác minh của phóng viên Báo Thanh tra: Ngày 2/6/2019, tại Buôn Mê Thuột, một tổ chức bất hợp pháp được ra đời với tên gọi “Hiệp hội Gas Đắk Lắk”. Ngay sau đó, Hiệp hội này đi vào hoạt động mặc dù chưa được cơ quan chức năng nào cho phép.
Hiệp hội thống nhất bán tem với giá 5.000 đồng/tem, cũng như yêu cầu tất cả các hội viên phải bắt đầu dán vào các bình gas (chai LPG) khi bán ra thị trường từ đầu tháng 7/2019.
Theo danh sách được ghi trong “Biên bản thành lập Hiệp hội Gas Đắk Lắk” mà phóng viên thu thập được, thì thành viên sáng lập Hiệp hội bao gồm:
Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Khánh Thư (Lô SKC3, Đường số 2, Cụm công nghiệp Tân An 1, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do ông Phạm Ngọc Sơn làm Giám đốc.
Công ty Cổ phần Gas Phụng (Cụm công nghiệp Tân An 1, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do ông Nguyễn Hoàng Bình làm Giám đốc.
Công ty TNHH Một thành viên Gas Phụng Đắk Nông (Khu công nghiệp Tâm Thắng, Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) do ông Nguyễn Tiến Phụng làm Giám đốc.
Công ty TNHH Thanh Minh Ban Mê do ông Mã Duy Long làm Giám đốc (địa chỉ tại Lô C05, Khu Công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột).
Và, Công ty Cổ phần Kkinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Trung bộ khu vực Đắk Lắk (Lô CN7, 2 đường số 5, cụm công nghiệp Tân An 2, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắk) do ông Nguyễn Khắc Hảo làm Giám đốc.
Sẽ cần thời gian để cơ quan chức năng kết luận về các đơn vị tham gia “hiệp hội ma”, nhưng có một sự “trùng hợp ngẫu nhiên” là các đơn vị có tên ở trên, cũng là các đơn vị có đơn “tố” Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại dịch vụ Thanh Tin (Doanh nghiệp Thanh Tin) có trụ sở tại thị xã Buôn Hồ chiếm giữ vỏ bình gas trái phép.
Ngày 9/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 tiến hành kiểm tra và tạm giữ 1.919 vỏ bình gas các loại. Mặc dù mới trước đó, ngày 27/5, cũng chính Đội QLTT số 4 kiểm tra Doanh nghiệp Thanh Tin và không phát hiện vi phạm gì.
Vào ngày 22/7, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Cục QLTT Đắk Lắk, Đội QLTT số 4 đã mời các doanh nghiệp có đơn kiến nghị đến trụ sở để đối chất với Doanh nghiệp Thanh Tin làm rõ việc chiếm giữ vỏ bình gas.
Bốn doanh nghiệp được mời đó là: Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Khánh Thư; Công ty Cổ phần Gas Phụng; Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Trung bộ khu vực Đắk Lắk (ông Tạ Quang Phú, Trưởng phòng Kinh doanh khu vực Đắk Lắk đại diện công ty đến đối chứng); Đắk Gas (là nhãn hàng thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh Trung bộ khu vực Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Vũ đại diện đến đối chứng).
Riêng Công ty TNHH Thanh Minh Ban Mê cũng là thành viên sáng lập Hiệp hội (theo “biên bản” phóng viên thu thập được), nhưng đang còn nợ Doanh nghiệp Thanh Tin 86 vỏ chai gas chưa trả nên không có trong danh sách đối chất.
Đến làm việc với Đội QLTT số 4, ông Nguyễn Văn Vũ - đại diện Đắk Gas cho biết, việc trao đổi chai LPG (vỏ bình gas đã sử dụng hết gas bên trong) với ông Phạm Ngọc Tin là có và thông tin giao dịch theo bản sao kê mà ông Tin cung cấp là đúng. Việc giao dịch diễn ra đến ngày 8/7/2019, trước ngày Doanh nghiệp Thanh Tin bị kiểm tra 1 ngày.
Cũng trong Bảng sao kê tài khoản thể hiện việc có một số công ty nữa vẫn giao dịch thanh toán tiền vỏ chai LPG với Doanh nghiệp Thanh Tin.
Bảng sao kê do Ngân hàng Agribank Đắk Lắk cung cấp thì Doanh nghiệp Thanh Tin vẫn tiến hành trao đổi vỏ bình gas với các đơn vị khác đến ngày 8/7/2019, trước một ngày bị Đội QLTT số 4 kiểm tra, xử lý. Ảnh: ND
“Thú nhận” của “người trong cuộc”
Để rộng đường dư luận, Báo Thanh tra xin công khai một đoạn ghi âm cuộc hội thoại giữa ông Mã Duy Long (Giám đốc Công ty TNHH Thanh Minh Ban Mê) với một đại lý bị “ép buộc” vào Hiệp hội. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi xin được ghi tắt đại lý này là “Ông A”:
+ Ông A: “A lô! Long hả, cho anh xin cái số tài khoản hiệp hội qua giùm anh, anh chuyển tiền lên”.
- Ông Long: “Anh chuyển thẳng hiệp hội hả? Thôi vào cá nhân nha, thôi chuyển vào cho em đi. Tiền gì anh?”.
+ Ông A: “Cái tiền tem của anh và cái tiền nợ sản lượng của anh”.
- Ông Long: “Thôi chuyển cho em đi sau này em chuyển các tiệm cho, đừng có đề tên lên làm chi ông nội, chuyển có 5 triệu thì ghi trả nợ thằng Long 5 triệu thôi”.
+ Ông A: “Sao trả nợ ông nội, tôi có nợ gì mà trả, trong hội phải có trách nhiệm với anh chứ, hội trong đó có thằng Phú, thằng Sơn, thằng Bình phải có trách nhiệm với anh chứ”.
- Ông Long: “Em chịu trách nhiệm với anh được chưa?”
+ Ông A: “Bây giờ nè, Long nè khổ lắm, trong anh em hiệp hội phải có trách nhiệm với anh và phải cùng được biết anh chuyển tiền chứ đưa cho Long bảo trả nợ thằng Long, mấy người bảo ông nợ thằng Long, anh chỉ biết là anh mua tem thôi”.
- Long: “Em nói anh này nè, cái chuyện này nó tế nhị qua tài khoản là em không có muốn, cuối cùng như thế này thành ra cá nhân anh em mình, ông Phú, ông Sơn, ông Bình cũng đều biết. Anh ơi 5 triệu đó cần thì ấy cũng được chứ 5 triệu anh làm khó tụi em, tụi em mua tháng cả trăm triệu tiền tem mang tới đây em trả tiền mặt, em không muốn giao dịch cái gì qua tài khoản của em hết. Hiệp hội làm gì có cái tài khoản nào mà là tài khoản của 4 người: Em, Bình, Sơn, Phú đứng tên”.
+ Ông A: “Ờ nhắn đi để anh chuyển”.
- Ông Long: “Không không em không muốn ai giao dịch qua cái tài khoản này hết. Có 5 triệu anh lo cái gì anh cứ chuyển qua tài khoản cá nhân của em, anh em có gì mà”.
+ Ông A: “Anh em mình thì anh không lo, em không lấy của anh được nhưng anh muốn mấy ông kia phải có trách nhiệm với anh...”
- Ông Long: “Anh đưa 5 triệu có đáng gì đâu mà anh lo, đừng có làm khó nhau, em không muốn sử dụng cái tài khoản để giao dịch với ai hết, đó đưa 5 triệu để Khánh Thư biết, Đắk Gas biết, gas Phụng biết để làm cái gì”.
+ Ông A: “Thì để công bằng chứ làm gì nếu ông nào đụng zô thì biết đã đóng tiền rồi. Như bữa hôm họp hành anh em phát biểu rồi ai không đóng tiền thì không xử khổ thế đấy”.
- Ông Long: “Cái việc đó anh không cần phải chứng minh cho người ta là anh đã nộp tiền rồi anh cứ đưa cho em, ở đây tụi em sổ sách thu chi rõ ràng lắm. Chứ không phải đưa cho em lấy đâu”.
+ Ông A: “Nói là ghi nợ ông Long 5 triệu thì không hợp lý tui đưa lên hội thì hội phải trừ cho tui”.
- Ông Long: “Anh ghi mua tem Hiệp hội 5 triệu thì có phải chết em không, là sao? Bây giờ chuyển tiền cho em bằng cách nào, nội dung gì, anh ghi là mua tem hiệp hội chắc chết luôn”.
+ Ông A: “Ừ thì nói tiền tem hiệp hội 5 triệu chứ sao”.
- Ông Long: “Bậy bậy, chuyển tiền thì ghi chuyển tiền đừng ghi nội dung gì hết, không đưa tiền mặt cho em nha chứ không ghi như vậy được...”.
Ngay sau cuộc thỏa thuận này, phóng viên Báo Thanh tra đã mời ông Giao Thanh Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk cùng đi mục sở thị trụ sở của Hiệp hội Gas tại số 28 phố Nguyễn Biểu, TP Buôn Ma Thuật nhưng vị này nhất quyết không đi và nói: “Để đó rồi tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra”.
Để thu thập chứng cứ giúp cơ quan chức năng xử lý “Hiệp hội chui”, sau khi rời khỏi trụ sở Cục QLTT Đắk Lắk, phóng viên Báo Thanh tra đã nhập vai người của một đại lý gas để đến trụ sở “Hiệp hội” nộp 5 triệu đồng tiền tem và tiền sản lượng, hay nói cách khác là nộp tiền “chung chi” cho hiệp hội này. Tại trụ sở hiệp hội có một nhân viên tên Phong, để tránh nghi ngờ, phóng viên đã nối máy điện thoại để Phong nói chuyện với chủ của đại lý gas. Chúng tôi xin giấu tên và tạm gọi chủ đại lý gas là “Đại lý B”.
+ Đại lý B: “Phong ơi, ông anh của anh đến đóng giùm 5 triệu tiền tem, em cầm giùm anh với rồi có cái biên lai hiệp hội nhận tiền thì đưa cho ông giùm anh cái nha, còn cái 13 triệu kia thì hai ba ngày nữa anh giải quyết trước 31 nha”.
- Nhân viên Phong: “5 triệu này em nhận nha”.
Sau khi phát hiện việc này, ngay lập tức ông Long đã gọi điện mắng “Đại lý B”: “Anh chơi em hả? Mấy thằng đó là thằng nào mà lên đưa tiền vậy? Sao anh lại đưa tem cho nó? Tem của em đưa cho anh sao anh lại đưa cho cái thằng nó lên đây và đưa tiền? Em nhìn cái số là em biết cái tem em đưa cho anh. Anh nói vậy là không được đâu!”.
Đến ngày 31/7, phóng viên liên lạc với ông Giao Thanh Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk, để nắm thông tin về việc đơn vị này có đi kiểm tra việc dán tem hiệp hội lên các bình gas đang bày bán tại các cửa hàng hay không thì ông Tùng cho biết là chưa có kết quả và đang cho anh em đi kiểm tra.
Ông Tùng khẳng định: “Chưa uống bất cứ một ly cà phê nào của bất cứ ai bảo là hiệp hội” và tin việc phóng viên cung cấp thông tin dán tem là có.
Thế nhưng, điều khiến phóng viên không hiểu nổi, là một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện lỗ hổng lớn trong công tác quản lý của lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk, dù được phóng viên nhiều lần đến cung cấp thông tin, chứng cứ, nhưng lãnh đạo Cục vẫn “bình chân như vại”? Không hiểu ông Cục trưởng nói “đang cho anh em đi kiểm tra” là nói cho vui miệng, hay phía Cục “ngại đụng chạm”?
Diễn biến liên quan đến vụ việc, sau khi Báo Thanh tra có bài phản ánh về vụ việc, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Sở Công thương và Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, đề nghị lãnh đạo các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ các nội dung Báo Thanh tra phản ánh, có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Báo Thanh tra trước ngày 9/8/2019. Tuy nhiên, đến nay Báo Thanh tra vẫn chưa nhận được phản hồi.
Nam Dũng – Thành Nam
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương