Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp Yên Phước kêu cứu!

Chu Gia

Thứ sáu, 17/07/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Để có thể lạm quyền, lợi dụng quyền và lộng quyền, cá nhân phải có một chức vụ hoặc vị trí làm việc trong hệ thống chính trị của Việt Nam với một thẩm quyền nhất định được Nhân dân giao phó.

Quyết định thành lập Tổ công tác tuần tra, kiểm soát của UBND huyện Đại Từ không có ngày hoàn thành, kết thúc công việc? Ảnh: Chu Gia

Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) vào sáng ngày 16/7/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hoá những quyết định, ý chí chủ quan của mình. Một số người có chức có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.

Thực tế cho thấy, để có thể lạm quyền, lợi dụng quyền và lộng quyền, cá nhân phải có một chức vụ hoặc vị trí làm việc trong hệ thống chính trị của Việt Nam với một thẩm quyền nhất định được Nhân dân giao phó. Vị trí làm việc dễ làm cho cá nhân sử dụng quyền lực công vì mục đích riêng. Đặc biệt, các chức vụ và vị trí làm việc được giao quyền quyết định càng lớn thì khả năng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, lộng quyền càng cao, mức độ tác hại càng lớn.

Cty Yên Phước có khai thác than bất hợp pháp?

Sau khi Báo Thanh tra đăng bài viết "Bí thư Huyện ủy Đại Từ bị “tố” o ép doanh nghiệp", đã nhận được rất nhiều các kênh cung cấp thông tin khác nhau gửi về cho tòa soạn. Đặc biệt, lá đơn kêu cứu khẩn cấp và tố cáo (có bổ sung chứng cứ mới) từ phía bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Yên Phước (Cty Yên Phước), đã dần hé lộ những “khoảng tối” trong mối quan hệ “quan-dân” tại địa phương này.

Đại Từ là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên nhưng lại có khá nhiều tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, trữ lượng than lớn nằm ở 8 xã của huyện là: Yên Lãng, Hà Thượng, Phục Linh, Minh Tiến, An Khánh, Cát Nê, chủ yếu tập trung ở mỏ Làng Cẩm và mỏ Núi Hồng, với trữ lượng khoảng 17 triệu tấn.

Dự án đầu tư khai thác mỏ than Minh Tiến của Cty Yên Phước tiền thân thuộc sở hữu của Cty Cổ phần Kim Sơn - Chi nhánh mỏ than Minh Tiến, năm 2014, Cty Cổ phần Kim Sơn chuyển nhượng quyền khai thác mỏ than Minh Tiến cho Cty Yên Phước, được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9/5/2014 với tổng diện tích sử dụng 79,5ha (trong đó diện tích khai thác 59ha, diện tích xây dựng công trình phụ trợ 20,5ha).

Ngày 5/12/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2825 về việc thu hồi đất, cho Cty Yên Phước thuê đất để hoạt động khoáng sản tại huyện Đại Từ. Ngày 26/3/2015, Cty Yên Phước ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Sau khi được thuê đất, Cty Yên Phước đã thực hiện xây dựng cơ bản mỏ, công trình phụ trợ và đi vào hoạt động khai thác khoáng sản từ năm 2018. Dự án được huyện Đại Từ xác nhận thay đổi thông tin về tên chủ dự án trong giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tại Văn bản số 243 ngày 16/3/2016.

Giấy phép khai thác khoáng sản của Cty Yên Phước được UBND tỉnh cấp ngày 2/6/2014, thời hạn khai thác đến 28/6/2031. Ảnh: Chu Gia

Theo giấy phép khai thác khoáng sản, Cty Yên Phước được phép khai thác than tại mỏ than Minh Tiến bằng phương pháp lộ thiên, hầm lò; thời gian khai thác 20 năm, gồm 2 khu: Khu A và khu B. Tại khu A (thuộc địa phận xã Minh Tiến), từ tháng 1/2016, Cty đã xây dựng cơ bản mỏ để khai thác theo công nghệ hầm lò, đã đào 1 giếng đứng 30m và 1 giếng nghiêng 50m, nhưng không gặp than nên tháng 11/2017, Cty đã dừng khai thác; Tại khu B (thuộc địa phận xã Na Mao), Cty đã xây dựng cơ bản mỏ từ 1/2016, xây dựng đường nội bộ để vận chuyển và bắt đầu khai thác từ tháng 1/2018, khai thác lộ thiên, sử dụng vật liệu nổ để mở vỉa. Hiện, Cty đang khai thác than tại khu B xã Na Mao và tập kết tại xã Phú Cường.

Hiện tượng “trả đũa” khi doanh nghiệp không “nghe lời”?

Theo bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Cty Yên Phước: “Ngày 30/5/2020, chúng tôi gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo các cấp, các ngành, thì cũng từ đó cho đến nay, ông Phúc (ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ - PV) thường xuyên chỉ đạo cho liên ngành chức năng trong huyện, tổ chức ngăn chặn, bắt giữ xe vận chuyển than và “xít” của Cty chúng tôi ngay bên ngoài mỏ mà không hề có quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành.

Đáng chú ý, ngày 3/7/2020, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Phạm Quang Anh ký Quyết định số 3678 về việc thành lập Tổ công tác tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, tập kết hàng hóa than, khoáng sản trên địa bàn xã Phú Cường, gồm 14 ông, bà thuộc các cơ quan: Quản lý thị trường; Tài nguyên và Môi trường; thuế; Kinh tế hạ tầng; Cảnh sát giao thông; UBND xã, Công an xã Phú Cường; Cảnh sát điều tra về hình sự, kinh tế, ma túy huyện. Tổ công tác có nhiệm vụ hàng ngày tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với UBND huyện để kịp thời chỉ đạo”.

"Quyết định trên chỉ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã Phú Cường là không công bằng, trong khi có 8 xã thuộc huyện Đại Từ đều có mỏ than, khoáng sản, sao huyện không ra quyết định tổng tuần tra, kiểm soát trên toàn bộ địa bàn huyện. Đặc biệt, trong thời kỳ trước và sau dịch Covid-19, Cty luôn bị các đoàn liên ngành của huyện thanh tra, kiểm tra với cường độ dày đặc", bà Linh đặt câu hỏi trong bức xúc.

Bà Linh cho rằng, quyết định trên không có ngày hoàn thành, kết thúc công việc, như vậy được hiểu Tổ công tác này lập ra chỉ có nhiệm vụ duy nhất hàng ngày là “đếm xe” và “cản trở” công việc kinh doanh khai thác của Cty. Đây là hành vi lợi dụng vị trí công tác để “trù dập” người tố cáo khi không đạt được mục đích “thương thảo”, thể hiện sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Chiếc xe lạ “hổ vồ” vô tình chết máy trên đường nội bộ vào mỏ than Minh Tiến, gây cản trở cho việc vận chuyển của Cty. Ảnh: Chu Gia

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết tuyến đường ĐT.264 trên địa bàn xã Phú Cường là tuyến đường duy nhất đơn vị khai thác và vận chuyển than từ mỏ than Minh Tiến phải đi qua.

Ông Ngụy Quang Thuyên, Trợ lý Tổng Giám đốc Cty Yên Phước gay gắt cho biết thêm, trước đó khoảng thời gian bà Đàm Hương Huệ “sân sau” của ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ “đảm nhiệm” đứng ra nhận vận chuyển thì mọi việc đều “suôn sẻ”. Thời điểm này xe vận chuyển than đều với tải trọng trên 20 tấn “mặc sức” chạy không bị cơ quan chức năng huyện kiểm tra.

"Gần đây nhất, sự việc xảy ra chưa từng có trước đây, vào khoảng 1giờ30 phút đêm ngày 11/7/2020 xuất hiện chiếc xe “hổ vồ” mang biển kiểm soát 20C-14088 đi “lạc” vào hướng mỏ than Minh Tiến và “chết máy đúng lúc” trên con đường nội bộ do Cty mở để phục vụ công việc vận chuyển của Cty. Việc này khiến giao thông ách tắc, đơn vị vận chuyển không thể vào mỏ, trong khi đơn vị chức năng cùng chủ mỏ cố liên lạc cho chủ xe nhưng đều không có tín hiệu. Cho đến tận 19h tối cùng ngày, chủ phương tiện mới đến và chỉ vài động tác xe nổ máy ầm ầm", ông Thuyên “tố”.

Trong loạt chứng cứ mới mà Cty Yên Phước gửi cho chúng tôi, có gửi kèm đoạn hội thoại, được cho là cuộc nói chuyện giữa đại diện đơn vị khai thác, bà Đàm Hương Huệ, ông Lê Kim Phúc? Để rộng đường dư luận, Báo Thanh tra sẽ đăng công khai toàn văn cuộc hội thoại, trao đổi trên trong các số báo tiếp theo.

Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chỉ thị nêu rõ: Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm