Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/02/2020 - 11:39
(Thanh tra) - UBND TP Uông Bí đã đầu tư trái phép 3.644,125 triệu đồng tiền ngân sách để nâng cấp, chỉnh trang các công trình trên đất rừng sản xuất; trong phạm vi quản lý, bảo vệ hồ đập và chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại khu vực hồ Yên Trung. Việc làm này đã vi phạm các quy định của Luật Ngân sách, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, việc xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan lại đang bị UBND TP Uông Bí làm ngơ.
Nhiều điểm kinh doanh tại khu vực hồ Yên Trung được xây dựng trên đất rừng sản xuất. Ảnh: Trọng Tài
Bố trí khu dịch vụ trên đất rừng sản xuất, trong phạm vi bảo vệ hồ đập…
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý đất đai, xây dựng khu vực hồ Yên Trung (phường Phương Đông, TP Uông Bí) của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh thể hiện, hồ Yên Trung là hồ nước nhân tạo, có diện tích khoảng 50ha mặt nước; là nơi dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hồ được đánh giá có cảnh quan tự nhiên đẹp. Từ năm 2004, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu dự án tại đây.
Để thực hiện quản lý, tháng 4/2017, UBND TP Uông Bí đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại khu vực hồ Yên Trung, trực thuộc Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử. Điều đáng nói, quy chế hoạt động của Tổ công tác này chưa được UBND thành phố phê duyệt; một số chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác có sự chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Trạm Quản lý thủy nông Uông Bí, trực thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập (gọi tắt là Cty Thủy lợi Yên Lập).
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao việc khai thác, quản lý hồ Yên Trung cho Cty Thủy lợi Yên Lập. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3ha trùng lấn vào diện tích đã giao cho 2 hộ gia đình từ năm 1991 chưa được bồi thường, thu hồi để giao cho Cty quản lý.
Theo kết luận thanh tra, diện tích trùng lấn là đất rừng sản xuất, hiện đang trồng thông và keo. Từ đỉnh mặt đường xuống mép nước đã được UBND TP Uông Bí xây dựng phương án bố trí khu dịch vụ tạm thời có tổng diện tích khoảng 43.160m2 (chiếm 1/2 tổng diện tích quy hoạch) với 14 chòi lá, đã làm xong 10 chòi; 8 ki ốt bán hàng lưu niệm có diện tích 45m2, đã xây dựng 2 ki ốt; 14 Homestay, 1 sàn gỗ trên mặt hồ, đường dạo 3m quanh mép nước (các hạng mục này chưa thực hiện).
Điều đáng nói, vị trí mà TP Uông Bí bố trí khu dịch vụ tạm thời lại nằm trên diện tích đất rừng sản xuất và trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ đập. Để thực hiện phương án này, Phòng Quản lý đô thị thành phố có vai trò là cơ quan tham mưu chính trong việc thuê đơn vị tư vấn lập phương án. Các đơn vị gồm: Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử và UBND phường Phương Đông ký duyệt (UBND TP Uông Bí không ký).
Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra còn phát hiện nhiều điểm kinh doanh được xây dựng trên đất rừng sản xuất, không được cấp phép xây dựng (961,1m2). Có nhiều trường hợp vi phạm đã được UBND phường Phương Đông kiểm tra nhưng không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bao che cho vi phạm?
Năm 2018, thực hiện các kết luận của UBND thành phố và căn cứ vào dự toán ngân sách, Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã tiến hành nâng cấp và chỉnh trang khuôn viên khu vực nhà quản lý hồ Yên Trung. Bao gồm: Lắp dựng 1 nhà thường trực có diện tích 100m2; lắp ghép 1 cầu tình yêu bằng sắt; lắp biển tên hồ Yên Trung; đường nội vi quanh khu vực nhà thường trực; 2 lầu Vọng Nguyệt khung sắt, mái lợp cọ; đổ đất tạo mặt bằng khoảng 200m2 để làm bãi để xe máy… Tổng kinh phí UBND TP Uông Bí đã cấp để nâng cấp, chỉnh trang, cải tạo cảnh quan khu vực nhà điều hành là 3.644,125 triệu đồng.
Đoàn thanh tra chỉ rõ, công trình nhà thường trực được xây dựng trên đất của 1 hộ dân đã đồng ý giao lại để lắp dựng nhà nhưng chưa làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và không có quyết định thu hồi đất; việc xây dựng các công trình trong lòng hồ và từ cao trình đỉnh đập xuống mặt nước thuộc phạm vi quản lý của Cty Thủy lợi Yên Lập nhưng Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chưa phối hợp xin ý kiến các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý.
Không chỉ thế, các công trình: Nhà thường trực, đường nội vi quanh khu vực nhà thường trực, bãi để xe máy khoảng 200m2 đều được làm trên đất rừng. Ngoài ra, còn thực hiện lắp ghép cầu tình yêu bằng sắt, lắp biển tên hồ Yên Trung, 2 lầu Vọng Nguyệt khi không có giấy phép, vi phạm về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước...
Thanh tra tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc UBND TP Uông Bí sử dụng 3.644,125 triệu đồng tiền ngân sách để nâng cấp, sửa chữa chỉnh trang khu vực nhà thường trực quản lý hồ Yên Trung đã vi phạm các quy định của Luật Ngân sách, Luật Đất đai và Luật Thủy lợi.
Việc bố trí các điểm kinh doanh tạm thời được đầu tư bằng kinh phí của các hộ dân, trong tương lai khi có nhà đầu tư khác tham gia thực hiện đầu tư sẽ tiềm ẩn khó khăn, phức tạp trong việc giải phóng mặt bằng.
UBND phường Phương Đông đã để các hộ dân xây dựng vượt diện tích và ngoài quy hoạch tạm thời nhưng không ban hành quyết định xử phạt hành chính và biện pháp cưỡng chế tháo dỡ; công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, dẫn đến một số hộ có đất rừng tại khu vực hồ đã tự ý chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, cho thuê, cho mượn nhằm mục đích kinh doanh, bán hàng…
Cty Thủy lợi Yên Lập chưa hoàn thiện thủ tục xin giao đất, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập trong phạm vi quản lý hồ đập; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đơn vị chủ quản, còn để các tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trong phạm vi diện tích bảo vệ hồ đập; sự phối hợp của UBND TP Uông Bí và Cty Thủy lợi Yên Lập trong việc quản lý đất đai và phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Yên Trung chưa thống nhất...
Trước những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Uông Bí thu hồi, hủy bỏ phương án bố trí khu dịch vụ tạm thời tại hồ Yên Trung, khu Cửa Ngăn; tổ chức vận động các hộ dân tự tháo dỡ các công trình đã xây dựng, hoàn trả mặt bằng; sau ngày 31/12/2019, nếu các hộ dân không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế...
Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, xem xét xử lý theo quy định.
Rõ ràng, những việc làm trên đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên... của TP Uông Bí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Báo cáo số 598 ngày 30/12/2019 về việc thực hiện kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà ký lại không có bất cứ một từ nào nhắc đến việc thực hiện kiểm điểm các tập thể và cá nhân có liên quan theo kiến nghị tại kết luận thanh tra!
Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, xem xét, làm rõ việc có hay không sự cố ý làm trái và trách nhiệm cụ thể của từng tập thể và cá nhân có liên quan để xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.
Bao Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.
Trọng Tài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.
Trung Hà
19:00 11/12/2024(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.
Thùy Dương
08:00 11/12/2024Thành Nam
07:25 11/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024Hoàng Nam
06:53 09/12/2024Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình