Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần khởi tố vụ án hình sự

Nhóm PV

Thứ ba, 18/08/2020 - 06:38

(Thanh tra)- Cuối 2016, Báo Thanh tra tiến hành điều tra báo chí, xoay quanh những thông tin trái ngược về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Hải Phòng bổ nhiệm sư trụ trì chùa Lạc Viên, thuộc quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Cán bộ Báo Thanh tra làm việc với ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng Công chứng An Phát. Ảnh: PV

Sau khi vào cuộc, chúng tôi đã có loạt bài (Sự thật bổ nhiệm trụ trì của Lạc Viên; Khiếu nại của hai sư cô không có cơ sở; Có hay không vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?) phân tích các hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu của một số tập thể, cá nhân nhằm chiếm quyền trụ trì chùa và chiếm đoạt tiền của Giáo hội.

Sự việc bắt nguồn từ khi sư thày Thích Diệu Hương (trụ trì chùa Lạc Viên) ốm, viên tịch vào ngày 27/7/2016. Sau đó, Ban Trị sự GHPGVN TP Hải Phòng bổ nhiệm sư cô Thích Diệu Thông trụ trì chùa Lạc Viên.

Không tán thành quyết định này, 2 sư cô Thích Minh Nguyệt, Thích Minh Đăng có đơn đề nghị GHPGVN TP Hải Phòng cho trụ trì chùa Lạc Viên. Chứng cứ của 2 sư cô đưa ra là, đã được sư thày Thích Diệu Hương di chúc kế vị trụ trì chùa (trong đó có cả nội dung cho tặng khoảng 5 tỷ đồng)... Đồng thời, cùng với sự xuất hiện đơn của 2 sư cô, thông tin sai lệch, nói xấu nhiều nhà sư cũng như lãnh đạo GHPGVN TP Hải Phòng xuất hiện trên nhiều tờ báo cũng như một số trang mạng xã hội (có địa chỉ IP từ nước ngoài) trong việc bổ nhiệm trụ trì chùa Lạc Viên.

Lần theo bản di chúc được cho là của người quá cố, chúng tôi đã có buổi làm việc với Văn phòng công chứng An Phát (49 Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, nay được đổi tên thành Văn phòng công chứng Nguyễn Quốc Hùng) - đơn vị được mời, lập bản di chúc. Toàn bộ dấu hiệu làm giả ý nguyện của sư thày Thích Diệu Hương (lập di chúc trong lúc hấp hối, không còn nhận thức, ý thức…) đã được Báo Thanh tra phân tích trong bài “Có hay không vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?” đăng ngày 18/11/2016.

Sau khi lập bản di chúc, cho tặng tài sản nói trên, hai sư cô đã sử dụng nó để rút tiền của sư thày Thích Diệu Hương. Do không rút được hết số tiền trong các sổ tiết kiệm nên 2 sư cô đã khởi kiện ngân hàng ra Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng.

Trong các ngày 16/10 và 13/11/2019, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng đã đưa vụ án ra xét xử. Cụ thể, Hội đồng xét xử đã nhận định: Ni sư Thích Diệu Hương đã mất nhận thức, mất năng lực hành vi, không có khả năng nhận thức để thể hiện được ý chí của mình như nội dung Hợp đồng cho, tặng tài sản 1453 và Di chúc 1460. Về phía công chứng viên Nguyễn Quốc Hùng đã thực hiện không đúng quy trình tại các điều 47,48, 49, 50 và 56 Luật Công chứng. Đó là thực hiện công chứng nhưng không có yêu cầu của người yêu cầu công chứng; công chứng khi chủ thể giao dịch dân sự là cá nhân đã mất năng lực hành vi dân sự… Do vậy, hai bản hợp đồng này là vô hiệu.

Do có kháng cáo, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã thụ lý và ngày 26/6/2020, Hội đồng xét xử mở phiên phúc thẩm. Kết quả vẫn y án sơ thẩm.

Đã rõ hành vi làm giả...

Hơn 10h ngày 27/7/2016, sư thày Thích Diệu Hương được Bệnh viện Việt Tiệp trả về chùa Hàng Kênh quận Lê Chân (ngoài trụ trì chùa Lạc Viên, sư thày còn được giao quản lý chùa Hàng Kênh) trong tình trạng hôn mê, thở ô xy không còn khả năng nhận biết và trút hơi thở cuối cùng vào hồi 17h40’ cùng ngày.

Theo lời khai của ông Đồng Đức Hào (người làm chứng trong Hợp đồng cho tặng tài sản 1453 và Di chúc 1460), ông không quen biết sư thày Thích Diệu Hương, chỉ quen biết công chứng viên Nguyễn Quốc Hùng và sư cô Thích Minh Nguyệt; được gọi đến chùa Hàng Kênh làm chứng theo yêu cầu của ông Hùng. Việc công chứng diễn ra khoảng 12h30 đến 13h ngày 27/7/2016.

Công chứng viên Nguyễn Quốc Hùng khai, người yêu cầu công chứng không phải là sư thày Thích Diệu Hương mà là sư cô Thích Minh Nguyệt, Thích Minh Đăng. Quá trình công chứng, xác lập di chúc, ông Hùng khai là có đọc nội dung cho sư thày Thích Diệu Hương nghe và bà có gật đầu đồng ý. Ông Hùng cầm tay sư thày Thích Diệu Hương lăn, điểm chỉ vào văn bản …

Tuy nhiên, nhiều người có mặt bên sư thày Thích Diệu Hương (là các nhà sư, tăng ni, phật tử, cán bộ Phòng Nội vụ quận Lê Chân… có mặt từ khi lên xe rời bệnh viện, đến lúc lâm chung tại chùa Hàng Kênh) đều khẳng định không có sự có mặt của ông Hào, ông Hùng cũng như không có sự kiện lập hợp đồng cho tặng và di chúc nêu trên.

Nhận định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Biên bản 125 ngày 5/5/2017 (theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng) như sau: “Từ khi bà Thích Diệu Hương từ Bệnh viện Việt Tiệp về chùa đến khi bà Hương viên tịch (tử vong), bà Thích Diệu Hương luôn trong tình trạng hôn mê. Bà Hương mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Ngoài ra, một vụ việc đau lòng đã xảy ra vào ngày 30/3/2020 (trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm), sư cô Thích Minh Đăng đã treo cổ tự vẫn, để lại di thư sám hối về những việc làm sai trái của mình, mong được tha thứ: “… bởi con đã bao che cố ý nói sai sự thật thậm chí còn làm giả giấy tờ… Con biết đã lầm đường rồi nhưng không thể sám hối được nữa bởi lẽ chẳng ai có thể tha thứ được cho con, nhưng con vẫn thành tâm xin mọi người tha thứ…”.

Bức di thư sám hối của sư cô Thích Minh Đăng. Ảnh: PV

… Và hành vi chiếm đoạt tiền đã hoàn tất

Tại Hợp đồng cho tặng tài sản 1453 có liệt kê tài sản của sư thày Thích Diệu Hương là 3,2 tỷ đồng và 110.800 USD được lưu giữ trong 10 sổ tiết kiệm gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau ở TP Hải Phòng.

Trong các ngày 24, 25/8/2016, hai sư cô đã sử dụng Hợp đồng 1453 để rút tiền và chuyển sang tên mình từ các sổ tiết kiệm mang tên Thích Diệu Hương (số tiền tăng thêm do có lãi):

- 184,5 triệu đồng (làm tròn) tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; 1,089 tỷ đồng (làm tròn) tại Ngân hàng TMCP Đông Á; 208,2 triệu đồng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương.

- Chuyển 1,65 tỷ đồng (làm tròn) tại Ngân hàng TMCP Á Châu chuyển thành 3 sổ tiết kiệm khác mang tên mình; chuyển 110.000 USD và 260 triệu đồng (làm tròn) tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thành 2 sổ tiết kiệm tên mình.

Như vậy, hai sư cô đã rút xong 1,53 tỷ đồng. Còn lại 1,86 tỷ đồng và 110.000USD không rút được là ngoài ý chí của 2 sư cô (do bị Ngân hàng TMCP Á Châu và  Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam phong tỏa) nên đã xảy ra vụ kiện dân sự kể trên.

Công an TP Hải Phòng cần khởi tố vụ án

Tại Bản án 32/2020/DS-PT của Tòa án nhân dân TP Hải Phòng, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Hợp đồng cho tặng tài sản số 1453 và Di chúc 1460 được công chứng vào ngày 27/7/2016 là thời điểm Ni sư Thích Diệu Hương được đưa từ bệnh viện Việt Tiệp về chùa Hàng Kênh. Tại thời điểm này Ni sư Thích Diệu Hương đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Công chứng viên Hùng đã công chứng Hợp đồng tặng cho tài sản số 1453 và Di chúc 1460 không đúng quy định pháp luật nên nội dung tại hai văn bản này không hợp pháp, không đúng với ý chí của Ni sư Thích Diệu Hương…”.

Đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng khởi tố vụ án hình sự này. Ngoài ra, Công an TP Hải Phòng cũng cần làm rõ mục đích, âm mưu của các cá nhân, tập thể lợi dụng việc sư thày Thích Diệu Hương chết để dựng chuyện nói xấu, gây chia rẽ trong nội bộ GHPGVN TP Hải Phòng nói riêng, bôi nhọ hình ảnh của GHPGVN nói chung.

Chủ đích của hành vi làm giả là chiếm đoạt tài sản

Làm việc với Báo Thanh tra, ông Nguyễn Quốc Hùng (Trưởng Văn phòng Công chứng An Phát, nay đổi tên thành Văn phòng Công chứng Nguyễn Quốc Hùng) cho biết: Di chúc này chỉ đơn thuần là cho, tặng tài sản, không phải là di chúc giao quyền kế vị trụ trì chùa.

Theo lời khai của ông Hùng với cơ quan chức năng, khoảng tháng 5/2016 ông Đồng Đức Hào có giới thiệu và dẫn bà Nguyệt, bà Đăng đến Văn phòng nhờ tư vấn thủ tục làm hợp đồng cho tặng tài sản và di chúc. 

Ngày 16/7/2016, ông Hào mang theo chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, một số giấy tờ khác (bao gồm 10 cuốn sổ tiết kiệm của bà Thích Diệu Hương) để làm hợp đồng. 

Sáng 27/7/2016, ông Hào mang giấy tờ gốc bổ sung để đối chiếu. Hợp đồng cùng di chúc được soạn thảo xong vào sáng 27/7/2016. Việc công chứng diễn ra khoảng từ 12h đến 12h30’ cùng ngày.

Bất thường là:

Theo lời khai của ông Hào, ông không quen, biết sư thày Thích Diệu Hương, mà chỉ quen, biết sư cô Thích Minh Nguyệt và ông Nguyễn Quốc Hùng.

Sư thày Thích Diệu Hương là người có tài sản, nhưng trong hồ sơ không có Phiếu yêu cầu công chứng của sư thày Thích Diệu Hương. 

Người được thụ hưởng tài sản trong Hợp đồng cho, tặng tài sản và Di chúc là hai sư cô Minh Nguyệt, Minh Đăng chính là người nhờ Văn phòng công chứng thực hiện công chứng.

Ông Đồng Đức Hào không quen biết sư thày Thích Diệu Hương, chỉ quen biết sư cô Minh Nguyệt, tại sao lại có các hồ sơ (đặc biệt là các sổ tiết kiệm của sư thày Thích Diệu Hương) để trình cho Văn phòng Công chứng An Phát kiểm tra vào sáng 27/7/2016?

Đặc biệt hơn, khai báo với các cơ quan chức năng, nhiều người túc trực bên sư thày Thích Diệu Hương từ khi ở bệnh viện, lên xe về chùa cho tới lúc lâm chung (từ 11h49’ đến 17h40’ ngày 27/7/2016) đều khẳng định không có ông Đồng, ông Hùng xuất hiện tại chùa cũng như không có việc công chứng nào cả. Toàn bộ thời gian này, sư Hương đã hôn mê, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (Biên bản giám định pháp y tâm thần 125/BBGĐTT ngày 5/5/2017). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm