Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Có hay không vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Thứ sáu, 18/11/2016 - 07:10

(Thanh tra)- Như thông tin chúng tôi đã đưa từ số báo trước, sau khi sư trụ trì chùa Lạc Viên, quận Ngô Quyền (sư thầy Thích Diệu Hương) mất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Hải Phòng đã bổ nhiệm sư cô Thích Diệu Thông. Tuy nhiên, hai đệ tử (Thích Minh Nguyệt và Thích Minh Đăng) của sư thầy Diệu Hương đã có đơn cho rằng quyết định bổ nhiệm là không đúng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng Công chứng An Phát khẳng định với Báo Thanh tra di chúc này chỉ đơn thuần là cho tặng tài sản chứ không phải là di chúc giao quyền kế vị trụ trì chùa cho đệ tử.

Cùng lúc đó, một số tờ báo đưa thông tin GHPGVN TP Hải Phòng bổ nhiệm sư trụ trì không dựa trên di chúc của người quá cố. Trong quá trình xác minh vụ việc này, trên cơ sở của bản di chúc mà hai sư cô cung cấp cho GHPGVN TP Hải Phòng, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu giả mạo nhằm chiếm đoạt khoảng 5 tỷ đồng của người quá cố và mạo ra ý nguyện để “giành” chùa với chức danh trụ trì. Và GHPGVN TP Hải Phòng trở thành nạn nhân của sự “dè bỉu” trong dư luận.

Nghi án tạo dựng di chúc chiếm đoạt tiền tỷ?

Sau khi GHPGVN TP Hải Phòng bổ nhiệm sư trụ trì chùa Lạc Viên, sư cô Minh Nguyệt, Minh Đăng đã có đơn không tán thành, gửi kèm theo một số hồ sơ gồm giấy ủy quyền và bản Di chúc số 1460 (do Văn phòng Công chứng An Phát lập, công chứng, đề ngày 27/7/2016) được cho là của sư thầy Thích Diệu Hương.

Là người chăm sóc những giờ phút cuối đời của sư thầy Diệu Hương, sư cô Thích Minh Nhật (Trưởng tử của sư thầy Diệu Hương) đã có đơn đề nghị gửi GHPGVN TP Hải Phòng và các cơ quan chức năng đề nghị thẩm định bản di chúc này vì cho rằng là giả mạo.

Để làm rõ nghi án trên, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm với Văn phòng Công chứng An Phát. Theo trình bày của ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng, ông là người được mời  lập, công chứng di chúc trên vào ngày 27/7/2016 tại chùa Hàng Kênh, quận Lê Chân (ngoài trụ trì chùa Lạc Viên, sư thầy Diệu Hương còn được giao quản lý chùa Hàng Kênh). Thời gian thực hiện khoảng từ 12giờ đến 12giờ30. Nội dung của bản di chúc thể hiện việc cho tặng tiền cho hai đệ tử là sư cô Minh Đăng, Minh Nguyệt để sử dụng vào mục đích tôn tạo, xây dựng chùa Hàng Kênh. Bản di chúc này không nói rõ số tiền trao tặng là bao nhiêu, mà được ghi là “tặng cho theo hợp đồng tặng cho đã được Văn phòng Công chứng An Phát TP Hải Phòng chứng nhận ngày 27/7/2016, số công chứng 1453 NQH/2016.HĐTCTS, quyển số 02.TP/CC-SCC/HĐGD”.

Kiểm tra Hợp đồng cho tặng số 1453, số tiền được liệt kê là 3,2 tỷ đồng và 110.800 USD được lưu giữ trong 10 cuốn sổ tiết kiệm của nhiều ngân hàng tại TP Hải Phòng.

Điều vô lý trong bản hợp đồng cho tặng và di chúc này được thể hiện rõ là, lập một nơi và công chứng một nẻo.

Tại Hợp đồng 1453, bên cho, nhận cùng người làm chứng và công chứng viên có mặt tại Văn phòng Công chứng An Phát (số 49 Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng). Còn bản Di chúc 1460 được lập tại chùa Hàng Kênh (số 5 Dư Hàng, quận Lê Chân) và sau đó được công chứng tại Văn phòng Công chứng An Phát.

Thời điểm được cho là lập hợp đồng cho tặng, di chúc là 12giờ đến 12giờ30 ngày 27/7/2016, là lúc sư thầy Diệu Hương mới được bệnh viện trả về (không còn khả năng cứu chữa do bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, K đại tràng và sốc nhiễm khuẩn).

Theo ông Hùng, khi tới chùa, ông mang sẵn 2 bản dự thảo. Khi nói chuyện với sư thầy Diệu Hương, ông thấy sư thầy chỉ nghe mà không nói được nên lập tức chỉ định ông Đồng Đức Hào (là người gọi điện mời công chứng viên đến công chứng) làm người làm chứng. Hai bản dự thảo này được ông Hào đọc cho sư thầy Diệu Hương nghe, đồng ý hết nên không phải chỉnh sửa gì, người ta lăn tay sư thầy Diệu Hương, đóng dấu công chứng thành bản chính. Tuy nhiên, sự vô lý lại xuất hiện ở đây, việc chỉ định ông Hào làm chứng đã được Văn phòng Công chứng An Phát soạn, đánh máy trước, chứ không phải như ông Hùng đã trình bày ở phần trên. Thậm chí, số công chứng 1453 của bản hợp đồng cho tặng cũng được đánh máy sẵn, còn số công chứng 1460 của bản di chúc thì được đóng bằng bản dấu sau này, mặc dù về trình tự thời gian theo ông Hùng trình bày là làm ngay tại chùa Hàng Kênh.

Tại bản Di chúc số 1460 nêu về số tiền được cho tặng “chỉ được sử dụng vào mục đích tôn tạo, xây dựng chùa Hàng Kênh”. Còn tại Điều 4.3 của bản Hợp đồng cho tặng 1453 nêu “Bên tặng cho không đòi hỏi Bên được tặng cho phải thực hiện bất kỳ một điều kiện nào”.

Về logic nội dung hai bản này phải là một nhưng không hiểu sao nó lại được tách làm đôi. Điều này đã không được ông Hùng lý giải khi chúng tôi hỏi về sự vô lý này.

Sự mâu thuẫn này nói lên điều gì?

Chỉ có thể là: Nếu gộp vào một, người được cho tặng sẽ chẳng rút, sử dụng được số tiền trên khi sử dụng không đúng mục đích xây chùa. Còn tách đôi ra, chỉ cần cầm bản Hợp đồng 1453 là sẽ rút được tiền ngay, sử dụng vào bất kỳ mục đích gì.

Ngoài những sự vô lý trên, trên thực tế thời điểm này sư thầy Diệu Hương được bệnh viện trả về trong trạng thái sức khỏe suy kiệt, không tự chủ về hành vi, ý thức nữa.

Đặc biệt là, vào ngày 27/7/2016 không có công chứng viên, người làm chứng nào có mặt tại chùa Hàng Kênh để làm cái việc vô lý kể trên.

Cụ thể, sau khi bản Di chúc xuất hiện cùng lá đơn phản đối của sư cô Minh Đăng, Minh Nguyệt, mọi người có mặt trong ngày 27/7, bên sư thầy Diệu Hương lúc lâm chung nhớ rõ là không hề có sự kiện này.

Những người đó là Thượng tọa Thích Tục Bách - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Lê Chân, Đại Đức Thích Bản Nghiêm, Phật tử Đồng Đức Hiếu, bà Nguyễn Thị Phượng - cán bộ Phòng Nội vụ quận Lê Chân. Họ đã có mặt liên tục từ 9giờ đến 21giờ ngày 27/7/2016.

Có hay không một vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Đề nghị Sở Tư pháp, Công an TP Hải Phòng vào cuộc làm rõ tính pháp lý của hai bản công chứng nêu trên.

Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Hồ sơ vụ công chứng vi phạm quy định của Luật Công chứng:

Theo danh sách giấy tờ tại hồ sơ lưu do Văn phòng Công chứng An Phát cung cấp cho Báo Thanh tra gồm có: Phiếu yêu cầu công chứng; 02 bản lưu gồm Hợp đồng cho tặng (số công chứng 1453), Di chúc (số công chứng 1460) và bản photo: chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu của 3 nhà sư, chứng minh thư của ông Đồng Đức Hào (người làm chứng) và 10 sổ tiết kiệm cùng 2 phiếu thu tiền.

Hồ sơ công chứng vụ việc này không được đánh số thứ tự thời gian phù hợp với việc ghi trong sổ công chứng, vi phạm Điều 63 Luật Công chứng.

Phiếu yêu cầu công chứng tại hồ sơ này, người yêu cầu công chứng là Lê Thị Thúy (Minh Đăng) và Lê Thị Thủy (Minh Nguyệt) - người được nhận tài sản trong bản di chúc chứ không phải người lập di chúc là sư thầy Thích Diệu Hương. Phiếu yêu cầu này ngoài tên, chữ ký của 2 người trên, các mục khác đều bỏ trống và không có tên người thụ lý, không ghi ngày, tháng, năm yêu cầu.

Phiếu yêu cầu này không có giá trị pháp lý. Nếu như có điền đủ các thông tin theo quy định, Phiếu này vẫn vi phạm Điều 56 Luật Công chứng.

Điều 56 Luật Công chứng:

1.Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Nhóm PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm