Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân

Quang Minh

Thứ ba, 04/04/2023 - 21:36

(Thanh tra)- Mặc dù người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư, nhưng UBND huyện Thanh Trì vẫn tổ chức cưỡng chế chỗ ở của 88 hộ dân dẫn đến nhiều hộ dân không có chỗ ở.

Mặc dù người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo quy định, song UBND huyện Thanh Trì vẫn cưỡng chế. Ảnh: QM

Ngày 31/3/2023, UBND huyện Thanh Trì tiếp tục tổ chức cưỡng chế chỗ ở đối với 30 hộ dân tại xã Hữu Hòa để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì (giáp phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy, nhiều hộ gia đình đã bị lực lượng cưỡng chế áp giải ra khỏi nhà để thực hiện việc cưỡng chế, trong đó có cả trẻ con và người già.

Nhiều người chứng kiến hình ảnh 3 mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Tuyền (số nhà 89, đường Hữu Lê) bị lực lượng cưỡng chế áp giải ra khỏi nhà để cưỡng chế đã không cầm được nước mắt.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng San, năm nay 50 tuổi Đảng, do con cháu đi xa, không thể di chuyển được đồ đạc đã xin lực lượng cưỡng chế hoãn đến ngày 2/4, thế nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn không đồng ý, buộc phải ra khỏi nhà.

3 mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Tuyền (số nhà 89, đường Hữu Lê) bị lực lượng cưỡng chế áp giải ra khỏi nhà để cưỡng chế. Ảnh: QM

Đáng chú ý, khi PV tác nghiệp thì lực lượng cưỡng chế ngăn cản, không cho ghi hình.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thu Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Hữu Hòa cho biết, đây là lần thứ 2 UBND huyện Thanh Trì tổ chức cưỡng chế chỗ ở của các hộ dân để thực hiện dự án.

“Trước đó, vào ngày 29/11/2022, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức cưỡng chế chỗ ở đối với 18 hộ dân. Hiện còn 40 hộ dân nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án, song UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa có kế hoạch cưỡng chế cụ thể”, bà Hạnh cho biết.

Trả lời PV về kết quả thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí định cư cho các hộ dân, ông Hoàng Văn Thường - cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì cho biết, đến nay, UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa có phương án cụ thể, kể cả những hộ dân không có nơi ở nào khác và những hộ dân thuộc diện được xem xét mua đất tái định cư 30m2/hộ.

Theo ông Thường, để thực hiện việc cưỡng chế các hộ dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì đã thuê nhà trọ cho các hộ đến ở tạm trong thời gian 2 tháng, sau 2 tháng các hộ phải tự túc chỗ ở.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sam cũng phải “ra đường” với đống tài sản. Ảnh: QM

Đại diện các hộ dân cho biết: Khoảng tháng 9/2019, 134 hộ dân chúng tôi nhận được thông báo thu hồi đất của UBND huyện Thanh Trì về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì. Các hộ dân đều bị thu hồi nhà ở đã được xây dựng, ở ổn định từ những năm 1990 để thực hiện dự án. Ngoài 36 hộ dân là đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các hộ dân còn lại đều đã ăn ở, sinh sống ổn định trên 30 năm tại địa bàn, không có tranh chấp và không có nơi ở nào khác để sinh sống.

Bà Lê Thị Tẹo, một hộ dân bị thu hồi nhà và đất cho biết: Tại phương án giải phóng mặt bằng lần 1, UBND huyện Thanh Trì gửi đến cho chúng tôi thì khi bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất (phi nông nghiệp), các hộ dân chúng tôi được mua đất tái định cư vì đều không có nơi ở nào khác, không có nơi cư ngụ; đất bị thu hồi cũng xác lập chúng tôi là chủ sử dụng đất.

Sau đó một thời gian, UBND huyện Thanh Trì ban hành thông báo điều chỉnh các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại phương án điều chỉnh, chủ sử dụng đất đổi thành UBND xã Hữu Hòa; các hộ gia đình không được hỗ trợ mua đất tái định cư, không được bồi thường về đất, không được hỗ trợ thuê nơi ở khác khi không có nơi ở.

Nhận được thông báo này, các hộ dân đều làm đơn khiếu nại, đề nghị làm rõ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tháng 6/2021, các hộ dân nhận được dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ kèm theo Thông báo số 44 ngày 23/6/2021 được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Theo đó, các hộ dân bị mất nhà ở, không có nơi ăn chốn ở nào khác được hỗ trợ mua 1 suất tái định cư 30m2 để ổn định đời sống.

Lực lượng cưỡng chế không cho PV tác nghiệp. Ảnh: QM

“Chúng tôi đều hiểu rằng dự án góp phần quan trọng vào sự phát triển của quê hương nên dù có phải thay đổi, xáo trộn đời sống gia đình riêng thì cũng đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, đến ngày 23/1/2022, chúng tôi lại nhận được quyết định (từ số 9134 đến 9157 ghi ngày 30/12/2021) của UBND huyện Thanh Trì về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với nội dung khác biệt so với phương án ban đầu. Theo phương án này, chúng tôi không được hỗ trợ để mua đất tái định cư, không còn nơi ăn chốn ở. Không đồng ý với phương án bồi thường này, chúng tôi đã khiếu nại đến UBND huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, đến nay vẫn không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Thanh Trì mà là quyết định cưỡng chế phá dỡ”, các hộ dân cho biết.

Theo ghi nhận của PV, hầu hết các hộ dân nằm trong chỉ giới của dự án đều đồng thuận tự nguyện giao trả lại mặt bằng cho dự án với điều kiện UBND huyện Thanh Trì đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng phát luật hiện hành. Thế nhưng khi quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang bỏ ngõ thì UBND huyện Thanh Trì lại tổ chức cưỡng chế nơi ở của họ?

Vì sao dự án chậm tiến độ? Vì sao phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư của UBND huyện Thanh Trì lại “tiền hậu bất nhất”? Vì sao các cấp chính quyền lại “khước từ” quyền và lợi ích hợp pháp của công dân? Vì sao lực lượng cưỡng chế ngăn cản không cho PV tác nghiệp?

Câu hỏi này xin được chuyển đến lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm