Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh Trì, Hà Nội: Thông báo cưỡng chế 88 hộ dân khi đồng hồ “đếm lùi” đến Tết?

Hiếu - Quý

Thứ năm, 15/12/2022 - 08:58

(Thanh tra) - Trong khi người dân cả nước đang tập trung cao điểm lo chuẩn bị đón Tết Quý Mão thì gần 100 hộ dân xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại nặng trĩu lo âu vì được nhận thông báo cưỡng chế phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì (giáp phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).

Đại diện các hộ dân xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đau đáu nỗi lo mất đất, mất nhà khi Tết Quý Mão đang đến gần. Ảnh: LP

Điều đáng nói là trong số 88 hộ dân này, có đến trên 60 hộ dân chỉ có chỗ ở duy nhất tại địa bàn xã Hữu Hòa, đều không được nhận đền bù về đất, không được bố trí tái định cư cũng như không được hỗ trợ tiền thuê nhà ở nơi khác.

Chưa hết, cả trên 60 hộ dân này đều đang chờ đợi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo lời hẹn của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì.

Vì sao lại có câu chuyện éo le nói trên?

Ông Lê Đình Dũng, một hộ dân thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa cho biết, ngày 10/12, được tổ công tác đến giao thông báo thời gian thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì (giáp phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).

Thông báo này cho biết, Ban Thực hiện cưỡng chế thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông là sau ngày 14/12/2022. Không biết chính xác thời điểm Ban Thực hiện cưỡng chế tiến hành phá dỡ nhưng nếu tính lùi thì thời điểm đón Tết Dương lịch 2023 còn không đầy nửa tháng và cách thời điểm Giao thừa khoảng 1 tháng.

Ngôi nhà ông bị cưỡng chế phá dỡ là 220m2, nhà 1 tầng, là nơi cư trú duy nhất của gia đình. Đến nay, ông và gia đình không nhận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng có hỗ trợ thuê nhà (bằng nhà ở hay tiền mặt để thuê nhà).

Gia đình ông Dũng đứng ngồi không yên vì không biết ăn ở ở đâu, ông bà tổ tiên về đâu đón Tết…

Trong khi chưa nhận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng có hỗ trợ thuê nhà (bằng nhà ở hay tiền mặt để thuê nhà) theo lời hẹn của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, các hộ dân lại nhận được thông báo cưỡng chế, thu hồi đất. Ảnh: PV

Bà Lê Thị Tẹo cho biết, nhà bà là nhà 1 tầng xây gạch, diện tích 65,6m2, là nơi ở duy nhất của cả đại gia đình. Vậy mà ngày 10/12, gia đình cũng nhận thông báo thời gian cưỡng chế là sau 14/12/2022, khi không được bồi thường thỏa đáng, không có phương án hỗ trợ nơi ở hay thuê nhà, không được thụ lý giải quyết khiếu nại.

Tương tự là câu chuyện của gia đình ông Trần Tấn Thành, bà Nguyễn Thị Chinh.

Gia đình ông nhận Thông báo cưỡng chế sau ngày 14/12 đối với căn nhà 1 tầng duy nhất có diện tích 51,3m2 mà không biết ăn đâu ở đâu, đi đâu, về đâu khi cái Tết đã cận kề.

Còn bà Nguyễn Thị Chinh cũng gắn bó, sinh sống tại căn nhà 1 tầng duy nhất có diện tích 35,2m2 trên địa bàn xã Hữu Hòa hơn 30 năm qua…

Câu chuyện nói trên không phải của riêng gia đình ông Dũng, bà Tẹo, ông Thành, bà Chinh... Gần trăm hộ dân thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa như ngồi trên đống lửa khi lần lượt nhận được thông tin về thông báo cưỡng chế phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì khi chỉ còn thời gian rất ngắn là đến Tết cổ truyền và không nhận được phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo lời hứa của lãnh đạo huyện Thanh Trì.

Trên 60 hộ dân bị cưỡng chế thu hồi đất ở xã Hữu Hòa không có nơi ở khác khi không được nhận đền bù về đất, không được bố trí tái định cư cũng như không được hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Ảnh: PV

Đại diện các hộ dân cho biết: Khoảng tháng 9/2019, 134 hộ dân chúng tôi nhận được thông báo thu hồi đất của UBND huyện Thanh Trì về việc thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì. Các hộ dân đều bị thu hồi nhà ở đã được xây dựng, ở ổn định từ những năm 1990 để thực hiện dự án. Ngoài 36 hộ dân là đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các hộ dân còn lại đều đã ăn ở, sinh sống ổn định trên 30 năm tại địa bàn, không có tranh chấp và không có nơi ở nào khác để sinh sống.

Các hộ dân đều bị thu hồi nhà ở đã được xây dựng, ở ổn định từ những năm 1990 để thực hiện dự án, nay bị thu hồi đất không còn nơi nào ở khác để sinh sống. Ảnh: PV

Bà Trần Thị Toe, một hộ dân bị thu hồi nhà và đất cho biết: Tại phương án giải phóng mặt bằng lần 1, UBND huyện Thanh Trì gửi đến cho chúng tôi thì khi bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất (phi nông nghiệp), các hộ dân chúng tôi được mua đất tái định cư vì đều không có nơi ở nào khác, không có nơi cư ngụ; đất bị thu hồi cũng xác lập chúng tôi là chủ sử dụng đất.

Sau đó một thời gian, UBND huyện Thanh Trì ban hành Thông báo điều chỉnh các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại phương án điều chỉnh, chủ sử dụng đất đổi thành UBND xã Hữu Hòa; các hộ gia đình không được hỗ trợ mua đất tái định cư, không được bồi thường về đất, không được hỗ trợ thuê nơi ở khác khi không có nơi ở. Nhận được thông báo này, các hộ dân đều làm đơn khiếu nại, đề nghị làm rõ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tháng 6/2021, các hộ dân nhận được dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ kèm theo Thông báo số 44 ngày 23/6/2021 được niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã. Theo đó, các hộ dân bị mất nhà ở, không có nơi ăn chốn ở nào khác được hỗ trợ mua 1 suất tái định cư 30m2 để ổn định đời sống.

Các hộ dân không nhất trí với cách làm của UBND huyện Thanh Trì, trong khi khiếu nại của người dân chưa được xem xét giải quyết, đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Ảnh: PV

“Chúng tôi đều hiểu rằng dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì góp phần quan trọng vào sự phát triển của quê hương nên dù có phải thay đổi, xáo trộn đời sống gia đình riêng thì cũng đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, đến ngày 23/1/2022, chúng tôi lại nhận được quyết định (từ số 9134 đến 9157 ghi ngày 30/12/2021) của UBND huyện Thanh Trì về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với nội dung khác biệt so với phương án ban đầu. Theo phương án này, chúng tôi không được hỗ trợ để mua đất tái định cư, không còn nơi ăn chốn ở. Không đồng ý với phương án bồi thường này, chúng tôi đã khiếu nại đến UBND huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, đến nay vẫn không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Thanh Trì mà là quyết định cưỡng chế phá dỡ”, bà Toe bức xúc.

Cũng theo bà Toe, ngay sau khi nhận được thông báo cưỡng chế, ngày 29/11/2022, có 18 hộ dân bị cưỡng chế phá dỡ nhà cửa, di chuyển tài sản, đồ đạc.

Đến ngày 10/12, các hộ dân còn lại nhận thông báo thời gian thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì.

Ông Trần Tấn Thành đau đáu: Người dân chúng tôi vô cùng bàng hoàng, lo lắng và không nhất trí với cách làm của UBND huyện Thanh Trì. Chúng tôi cũng không biết vì sao có sự thay đổi lớn, cơ bản về chủ sử dụng đất và phương án bồi thường từ UBND huyện dù mảnh đất này chúng tôi đã sử dụng ổn định trên 30 năm qua và khác biệt với những gì đã hứa với người dân chúng tôi.

Theo các hộ dân, dù là đất hành lang bảo vệ an toàn công trình đê điều thì pháp luật cũng có quy định cụ thể. Ảnh: PV

Một hộ dân khác cũng cho biết, cho dù 30 năm qua các hộ dân có ở trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình hay đê điều thì pháp luật cũng quy định rõ ràng, minh bạch và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Không khó để hiểu được lo âu và bức xúc của các hộ dân khi nhận được thông báo cưỡng chế, phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì vào những ngày này.

Vì sao đại diện hộ dân nào cũng nhắc đến lời hẹn của UBND huyện Thanh Trì về việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân? Lời hẹn đó là gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 157 Luật Đất đai 2013: Quy định về đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn như sau:

"1. Đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn bao gồm đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này.

… 3. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật…’".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm