Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tờ trình của UBND huyện Thanh Trì về phương án hỗ trợ người dân mất nhà bị làm ngơ?

Hiếu - Quý

Thứ sáu, 16/12/2022 - 17:56

(Thanh tra) - Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên Báo Thanh tra, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì Trương Hồng Quân xác nhận việc triển khai thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình, di chuyển tài sản để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì tại thời điểm sát Tết.

Một trong số các căn nhà bị cưỡng chế đợt 1. Ảnh: PV

Tuy nhiên, Ban Thực hiện cưỡng chế còn tổ chức 4 - 5 phiên họp với các hộ dân chứ không phải tống đạt thông báo là cưỡng chế ngay, ông Quân cho biết.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc trên 60 hộ dân bị cưỡng chế đều không có nơi ở khác, không biết ăn ở đâu, thờ cúng gia tiên ra sao khi Tết Nguyên đán Quý Mão đã tới gần, ông Quân cho biết, nếu đến thời điểm cưỡng chế mà các hộ dân không có nơi ở thì Ban Thực hiện cưỡng chế sẽ đưa các hộ dân đến địa điểm thuê mà ban đã dự kiến.

Tuy nhiên, ông Quân từ chối cung cấp địa chỉ khu vực nhà thuê này vì “quy mô là 88 hộ dân chứ không phải vài gia đình nên việc thuê nhà cũng khó khăn”.

Lý do của việc cưỡng chế ông Quân đưa ra là, dự án đã được phê duyệt, triển khai từ 2018 mà đến nay chưa xong khâu giải phóng mặt bằng. Hơn thế nữa, các quyết định cưỡng chế được ban hành từ khoảng tháng 7/2022.

Không hiểu vì lý do gì, tiến độ dự án ì ạch đến 2-3 năm như lời ông Quân mà lại vội vã tăng tốc vào những ngày đếm ngược đến Tết?

Gần 100 hộ dân xã Hữu Hòa đang đứng trước nguy cơ không có nhà ở đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: PV

Tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện về dự án này, chúng tôi được ông Trương Hồng Quân khẳng định, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì đã được phê duyệt và triển khai, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc khảo sát, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cũng được triển khai theo đúng qui định. Tuy nhiên, phương án ban đầu đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu sửa đổi vì dự án này giống 2 dự án khác đã thực hiện nên không có chuyện bồi thường về đất đối với các hộ dân.

Cũng theo ông Quân, các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì đều hiểu rõ những bất cập trong thu hồi đất để thực hiện dự án này. Đây chính là cái gốc để UBND huyện có báo cáo và tờ trình lên UBND TP Hà Nội xin một cơ chế giải phóng mặt bằng đặc thù, phù hợp và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Báo cáo này chính là phương án các hộ dân mất đất trông đợi được thực hiện và coi là lời hứa của lãnh đạo UBND huyện với các hộ dân.

Báo cáo số 26 ngày 21/1/2022 của UBND huyện Thanh Trì về việc xin ý kiến chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì cho thấy: Diện tích cần giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là 20/192m2. Tổng số hộ phải thu hồi là 134 hộ và 2 tổ chức, trong đó có 88 hộ sử dụng đất có nguồn gốc do lấn chiếm đất lưu không sông Nhuệ, có 36 hộ sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận đất ở, 9 hộ sử dụng đất nông nghiệp được giao và 1 hộ là đất trúng đấu giá thanh lý nhà thu nợ…

Trụ sở UBND xã Hữu Hòa. Ảnh: PV

UBND huyện Thanh Trì xác định, có 88 hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc do lấn chiếm đất lưu không sông Nhuệ làm nhà ở, công trình, vật kiến trúc. Khi xây dựng, có 12 hộ bị xử lý vi phạm, 76 hộ không bị xử lý vi phạm. Trong đó có 1 hộ xây dựng trước 15/10/1993; 59 hộ xây dựng từ ngày 15/10/1993 đến 1/7/2004; 27 hộ xây dựng sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 trong đó có 18 hộ đang ăn ở trực tiếp, không có chỗ ở khác trên đia bàn; 01 hộ xây dựng sau ngày 1/7/2014.

Khi thực hiện giải phóng mặt bằng, ngày 9/9/2019 UBND huyện đã ban hành Thông báo số 298 thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án xác định chủ sử dụng đất là các hộ dân và triển khai thực hiện một số nội dung theo trình tự, thủ tục theo qui định. UBND huyện đã ban hành Quyết định về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 26 hộ gia đình, cá nhân.

Sau khi kiểm tra, rà soát lại, ngày 11/11/2021, UBND huyện đã ban hành Thông báo số 570 thông báo điều chỉnh, xác định chủ sử dụng đất là UBND xã Hữu Hòa. Quyết định điều chỉnh này xác định 88 hộ dân không được bồi thường, hỗ trợ về đất, không được bố trí tái định cư. Các hộ dân không đồng ý với phương án điều chỉnh này và có đơn kiến nghị, khiếu nại.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương, UBND huyện Thanh Trì đề nghị UBND TP Hà Nội: Hỗ trợ bằng 30% giá đất ở theo bảng giá đất (không quá 60m2) đối với các hộ chuyển mục đích, xây dựng nhà ở và công trình phục vụ để ở trước 15/10/1993. Đối với các hộ xây dựng từ ngày 15/10/1993 đến 1/7/2004, hỗ trợ bằng 20% giá đất theo bảng giá đất của UBND TP (không quá 60m2). Các công trình, nhà ở, vật kiến trúc được hỗ trợ theo quy định của UBND TP.

Các hộ dân cho biết, dự án được phê duyệt, triển khai từ 2018, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, gần Tết Nguyên đán Quý Mão, chính quyền lại gấp rút ban hành thông báo cưỡng chế, thu hồi đất, khiến người dân bàng hoàng, bức xúc. Ảnh: PV

Về tái định cư, trong số 88 hộ dân có 63 hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc do chiếm đất do UBND xã Hữu Hòa quản lý, chuyển mục đích xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống trước 1/7/2004, UBND huyện Thanh Trì đề nghị UBND TP xem xét, chấp thuận cho phép căn cứ khoản 2, Điều 27 Quyết định số 10 năm 2017 của UBND TP để lập và phê duyệt phương án cho các hộ dân được mua 01 suất tái định cư 30m2 với hệ số K=1,3 theo giá qui định của UBND TP với 45 hộ xây dựng trước 1/7/2004 mà không có chỗ ở nào khác.

Đối với 18 hộ sử dụng đất mà xây dựng nhà ở từ sau 1/7/2004 đến trước 1/7/2014, UBND huyện đề nghị UBND TP cho phép lập phương án cho các hộ không có chỗ ở nào khác được mua 01 suất tái định cư với hệ số K=3.

Báo cáo số 26 cũng xin ý kiến về việc thu hồi, đền bù đối với gia đình ông Nguyễn Khắc Tuyên là hộ đất trúng đấu giá thanh lý nhà thu nợ…

Ông Trương Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì cho biết, sau khi báo cáo phương án này, UBND huyện Thanh Trì không nhận được văn bản chỉ đạo nào của UBND TP Hà Nội dù tại Văn bản ngày 10/2/2022 UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và môi trường, chủ trì với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Thanh Trì và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các nội dung vướng mắc của UBND huyện Thanh Trì, hướng dẫn UBND huyện Thanh Trì thực hiện theo quy định; thống nhất tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền (nếu có) trước 28/2/2022. Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Trì không nhận được kết quả giải quyết của UBND TP.

Phần lớn các hộ dân đã có nhà ở ổn định, không tranh chấp trên 30 năm qua, không có nơi ở khác nay bỗng dưng bị thu hồi, không được bồi thường hay đền bù gì. Ảnh: PV

Theo ông Quân, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, UBND huyện Thanh Trì đã tiếp tục có Tờ trình số 181 ngày 20/7/2022 về việc xin ý kiến chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì (giáp phường Kiến Hưng, quận Hà Đông). Tuy nhiên, đến nay tờ trình này cũng không nhận được chỉ đạo nào của UBND TP Hà Nội.

Đâu là lý do Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Hữu Hòa đến hết địa phận huyện Thanh Trì (giáp phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) chậm? Có phải do chậm mà phải tiến hành cưỡng chế gần trăm hộ dân khi Tết đã cận kề? Vì sao UBND TP Hà Nội làm ngơ trước báo cáo xin ý kiến của UBND huyện Thanh Trì?

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc khi có phản hồi của UBND TP Hà Nội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm