Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

22 hộ dân đột ngột bị cắt điện vì đề nghị của Chủ tịch UBND xã

Lê Phương - Trần Quý

Thứ ba, 26/04/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Đón đợt nắng đầu tiên của năm 2022, ông Ngô Văn Mai cùng 21 hộ dân trú tại thôn Chí Trung và thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm bị cắt toàn bộ điện sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Đây được coi là "giọt nước làm tràn ly" với sự bàng quan của chính quyền sở tại đối với những lá đơn đề nghị, kêu cứu và khiếu nại của người dân nơi đây hơn chục năm qua.

Sống ngay gần trụ sở UBND xã, nhưng các hộ dân thôn Chí Trung, xã Tân Quang phải chịu cảnh tối tăm không điện đóm trong những ngày nắng nóng đầu hè 2022. Ảnh: LP

Cắt điện bất chấp nắng nóng

Chị Nguyễn Thị Cúc, chủ một quầy thuốc tại thôn Chí Trung cho biết, chị bán thuốc tây tại một quầy nhỏ trong phạm vi 24m2 được cấp làm trang trại. “Cháu đi bệnh viện để sinh con ngày 11/4, về nhà 16/4 thì được biết là 19/4 bị cắt điện. Cả 4 thành viên trong gia đình đều sinh sống tại khu lán trại được cấp trông coi trang trại từ hơn chục năm trước. Cháu có trình bày lên các cấp lãnh đạo là cháu mới sinh, cả mẹ và con còn non nớt cần có điện để sinh hoạt, xin được cấp điện để sinh hoạt cho con cháu cứng cáp. Các bác bảo về tháo dỡ biển hiệu của quầy thuốc đi thì cho điện, cháu đã làm đúng như vậy nhưng vẫn bị cắt điện. Gia đình cháu sinh hoạt rất khổ”, chị Cúc buồn bã chia sẻ.

Anh Bùi Quang Tỉnh, ở thôn Chí Trung cho biết, toàn bộ hoạt động của xưởng sản xuất nhà anh bị tê liệt do bị cắt điện. Không chỉ mất thu nhập, các thành viên trong gia đình còn phải chịu đựng cái nắng, nóng và những bất tiện do bị cắt điện gây ra. Đây là điều khiến cho anh rất bức xúc.

Chị Ngô Thị Lượng cho biết, gia đình chị thu mua phế liệu, dựng kho giữ hàng và nhà ở cùng để trông nom hàng hóa. Các con còn tuổi ăn học ở cùng bố mẹ. Vậy mà từ ngày 19/4 đến nay, bị cắt điện, con cái không có điện học, hàng hóa xuất ra nhập vào bị ảnh hưởng. Những người dân ở đây đều trên 45 tuổi rồi, sức khỏe bị ảnh hưởng sau khi mắc Covid-19. Do vậy, việc cắt điện không chỉ làm mất thu nhập mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và những nhu cầu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của các hộ dân.

"

Chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Chí Trung đã trình bày mới sinh, cả mẹ và con còn non nớt cần có điện để sinh hoạt. Gia đình đã tháo dỡ biển hiệu của quầy thuốc theo hướng dẫn của lãnh đạo xã nhưng vẫn bị cắt điện. Thực hiện: LP

Anh Bùi Văn Đương, chủ một cửa hàng sắt cho biết, toàn bộ mọi công việc làm sắt của gia đình phải dừng lại vì bị cắt điện. Công việc bị đình trệ gần 2 năm vì dịch Covid - 19 vừa mới bắt đầu có khách trở lại đã bị việc cắt điện chặn đứng vì số máy móc này không thể chạy máy phát điện để làm được. “Tôi và thợ thành người thất nghiệp dù có nghề, có mặt bằng sản xuất. Đã vậy, toàn bộ sinh hoạt của gia đình (nhà anh sinh sống tại cửa hàng- PV) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ngày 19/4 đến nay”, anh Đương chia sẻ.

Còn ông Ngô Văn Mai, 76 tuổi bức xúc, đã một tuần qua, 4 gia đình các con ông phải sống trong cảnh bị cắt điện. Gia đình con nhỏ nhất phải chạy đi ở nhờ. Các cháu còn lại, đứa thì thu mua phế liệu, đứa thì bán quán cơm bình dân… đều chịu nhiều sức ép và khổ sở vô cùng vì bị cắt điện. Con cái ở cùng bố mẹ ngoài cửa hàng thì không có điện để học, sinh hoạt. Các con tôi bán hàng nhập hàng, không có điện để bảo quản, đóng gói… trong điều kiện thời tiết lên đến 35 độ như thế này đâu khác gì hành hạ.

Cùng cảnh ngộ với ông Mai, chị Cúc, chị Lượng, anh Tỉnh ở trên, còn có hộ các ông Bùi Mạnh Cường, Phùng Viết Ba, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Hữu Đông, Đỗ Viết Hưng, Phùng Viết Duyên, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Toàn… Trong số các hộ này, nhiều hộ xây dựng quán bán hàng, nhà xưởng sản xuất, nhà trọ, quán karaoke, làm kho để thuốc, dựng kho, nhà ở. Nhiều gia đình ở tại nhà xưởng sản xuất, ở tại nhà trọ, kho. Do vậy, số lượng người bị ảnh hưởng của đợt cắt điện đột ngột này lên đến trên trăm người. Trong đó, đáng kể có cháu bé vừa được sinh ra như con của chị Cúc.

Đơn kêu cứu của các công dân thôn Chí Trung đã được Ban Tiếp Công dân Trung ương chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm để chỉ đạo kiểm tra, xem xét. Ảnh: LP

Ông Ngô Văn Mai cho biết, trước khi bị cắt điện vài hôm, ông nhận được Thông báo ngừng cấp điện số 59/TB-HTX ngày 13/4/2022 của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Quang (HTX SXKD - DVNN) với nội dung: “Để đảm bảo an toàn về điện trong công tác cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông thủy lợi theo Công văn đề nghị số 28/CV-UBND ngày 12/4/2022 của UBND xã Tân Quang, HTX SXKD - DVNN xã Tân Quang sẽ ngừng cung cấp điện của hộ gia đình tại địa điểm cột số 52, 53 thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên từ 9h00 phút ngày 19/4/2022 đến khi UBND xã Tân Quang có thông báo đã cưỡng chế xong.

“Tôi và gia đình tôi không đồng ý với nội dung này vì việc cắt điện làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cả gia đình. Công văn số 28/CV-UBND ngày 12/4/2022 của UBND xã Tân Quang có nội dung như thế nào, các hộ dân không hề hay biết về việc đề nghị ngừng cung cấp điện đối với các hộ dân hay bất kỳ một văn bản nào về việc cưỡng chế của chính quyền. Thứ hai, gia đình tôi kí hợp đồng mua bán điện với HTX SXKD - DVNN để sản xuất kinh doanh, gia đình tôi sử dụng điện đúng mục đích và đáp ứng các nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Điện lực hiện hành, thanh toán tiền điện sản xuất kinh doanh hàng tháng đầy đủ”, ông Mai bức xúc.

Đây cũng là lời khẳng định của các hộ gia đình mà chúng tôi tiếp xúc.

Chính quyền xã Tân Quang bất chấp quy định của pháp luật?

Để tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi đã gõ cửa UBND xã Tân Quang. Ông Cao Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết, đúng là UBND xã yêu cầu HTX SXKD - DVNN ngừng cung cấp điện cho các hộ dân. Việc này để từng bước tiến hành các bước tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Trụ sở UBND xã Tân Quang chỉ cách khu vực các hộ dân bị cắt điện vài trăm mét. Ảnh: LP

Cũng theo ông Long, lần này là dứt khoát cắt (ông Long nói đến lần cắt điện trước mà Báo Thanh tra đã đề cập - PV). Cắt thế để cho dân di chuyển đồ đạc, máy móc trước đi chứ đến lúc cưỡng chế thì xã lấy đâu ra sức để di chuyển máy móc, hàng hóa hàng trăm tấn.

Khi chúng tôi đề nghị cung cấp các quyết định cưỡng chế, kế hoạch tổ chức thực hiện các quyết định cưỡng chế, ông Long cho biết, chưa có quyết định hay kế hoạch nào cả. Vì đây là việc tiếp tục thực hiện kế hoạch của năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà chưa làm được.

Tiếp tục gõ cửa HTX SXKD - DVNN, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Kim, Giám đốc, cho biết, việc ngừng cung cấp điện cho 22 hộ dân nói trên từ 19/4 là thực hiện đề nghị của Chủ tịch UBND xã Tân Quang tại Công văn số 28 ngày 12/4/2022 để phục vụ cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thực hiện Kế hoạch số 93a.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc còn nhiều công trình khác cũng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp liền kề các hộ dân bị cắt điện nói trên không bị cắt điện, ông Kim cho biết là có biết sự việc.

Chúng tôi đề nghị ông Kim cung cấp các quyết định cưỡng chế và kế hoạch tổ chức thực hiện các quyết định đó. Ông Kim cho biết không có và khẳng định HTX SXKD - DVNN cũng đã đề nghị UBND xã cung cấp các thông tin nói trên nhưng đến nay chưa nhận được văn bản nào.

Ông Kim cũng cho biết, đã có trên chục hộ dân trong số các hộ bị cắt điện lần này có quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất trang vườn trại. Và ông ý thức được việc cắt điện sẽ gây thiệt hại cho các hộ dân và HTX SXKD - DVNN có nguy cơ đứng trước yêu cầu bồi thường thiệt hại của các hộ dân.

Một số hộ dân phải đầu tư máy nổ, nhưng chỉ đủ điện phục vụ sinh hoạt, còn phục vụ sản xuất thì không đủ công suất. Ảnh: LP

Như vậy, theo lời Giám đốc HTX, việc cắt điện của HTX SXKD - DVNN đối với 22 hộ dân thôn Chí Trung là do có văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND xã Tân Quang.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc Giám đốc HTX và Chủ tịch UBND xã “bắt tay” cắt điện của các hộ dân không chỉ là nhiệt tình quá tay mà còn là bất chấp các quy định pháp luật. Bởi lẽ, HTX SXKD - DVNN đã được Sở Công thương tỉnh Hưng Yên ra văn bản hướng dẫn việc “phối hợp ngừng cắt điện khi thực hiện Kế hoạch số 93a” rất chi tiết.

Cụ thể, để HTX SXKD - DVNN ngừng cấp điện khi thực hiện cưỡng chế, giải tỏa khu vực vi phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vi phạm xây dưng, vi phạm về bảo vệ môi trường thì trước khi tiến hành cưỡng chế, giải tỏa khu vực vi phạm, UBND cấp có thẩm quyền gửi kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa và phối hợp với đơn vị bán điện trên địa bàn để thực hiện. Nội dung kế hoạch phối hợp giải tỏa, cưỡng chế cần nêu rõ: Tên tổ chức, cá nhân vi phạm, thời gian bắt đầu - kết thúc, địa điểm, khu vực thực hiện cưỡng chế. Sau khi thống nhất với UBND cấp có thẩm quyền, bên bán điện thực hiện thông báo ngừng giảm cung cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện trước 5 ngày.

Ở đây, Chủ tịch xã đề nghị cắt điện để cưỡng chế (Chủ tịch UBND xã không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế - PV) bằng một công văn mang nội dung đề nghị phối hợp, không có thời gian, địa điểm, không có kế hoạch tổ chức thực hiện... nhưng Giám đốc HTX đã ngay lập tức “hứng dừa”. Có thể nói, các hướng dẫn và quy trình nói trên của Sở Công thương đã bị vô hiệu hóa tại Tân Quang!

Nguyên nhân sâu xa của việc Chủ tịch UBND xã Tân Quang bất chấp các quy định về thẩm quyền, về trình tự thủ tục trong việc “xử lý sai phạm trên đất nông nghiệp” mà ông đang nại ra để giải thích cho phóng viên? Các “công trình sai phạm” này sai đến đâu? Chúng tôi sẽ trở lại ở bài viết sau để bạn đọc hiểu được sự chờ đợi đằng đẵng hơn một thập kỷ qua của người dân cho một câu hỏi về kế sinh nhai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm