Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần sớm giải quyết triệt để đơn thư tại Tân Quang

Thứ sáu, 06/09/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Báo Thanh tra ngày 28/6/2019 có bài “Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên): Cần sớm giải quyết kiến nghị của dân”, phản ánh thời gian qua, đoàn công dân đông người các thôn Chí Trung, Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, đến các cơ quan Trung ương có đơn về việc chính quyền các cấp ở địa phương khi chưa giải quyết kiến nghị của người dân đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng; thậm chí cắt điện sinh hoạt của các hộ dân vào thời điểm nắng nóng nhất của miền Bắc, có lúc lên tới 40-41 độ C, khiến các hộ dân bức xúc…

Khu vực đất phi nông nghiệp tại xã Tân Quang đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sang đất thương mại và đất ở. Ảnh: PV

Thu hồi sổ đỏ của dân không có văn bản

Sau hơn 2 tháng đặt lịch làm việc và nhiều lần liên lạc, UBND huyện Văn Lâm mới bố trí được lịch làm việc với PV Báo Thanh tra để trao đổi và cung cấp tài liệu, làm rõ những nội dung trên. Điều đáng tiếc là tại buổi làm việc, đại diện đơn vị được giao chủ trì lại bày tỏ “không nắm được nội dung cụ thể”.

Ông Cao Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, gia đình ông Mai và một số gia đình ở thôn Chí Trung và thôn Ngọc Đà, có đất nông nghiệp nằm dọc tuyến đường ĐH.18. Một số gia đình đã tự ý xây dựng công trình (nhà kho, nhà lán bán hàng…) trên đất nông nghiệp được giao từ những năm 2013, 2014, 2015. Đúng là trước đó, diện tích đất này là những trang trại cam, bưởi, ổi, rất nổi tiếng mà báo chí đã nhiều lần viết bài biểu dương.

Ông Long cho biết, trong lịch sử trước đây, toàn bộ khu đất này là đất xấu, đất bãi rác. Sau khi được giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, có nhiều hộ dân đã chuyển nhượng cho người khác để làm trang trại trồng cây, chăn nuôi gia súc và làm kho xưởng sản xuất. Qua thời gian kinh doanh không hiệu quả, có gia đình đã cơi nới, dựng lều lán làm nhà hàng kinh doanh ăn uống. Về qui hoạch, đây là khu vực đất phi nông nghiệp, và tại xã Tân Quang, chỉ khu này là đất được quy hoạch sang đất thương mại.

Cũng theo ông Long, người dân ở Tân Quang rất tốt, chính quyền địa phương không bao giờ muốn cưỡng chế các công trình của các hộ dân. Triển khai thực hiện Kế hoạch 93a của UBND tỉnh, trong tháng 4, UBND xã Tân Quang đã tiến hành giải tỏa lần đầu đối với một số nhà, dẫn đến những hộ còn lại đã làm đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền.

“Làm điều này, chính tôi cũng rất trăn trở, tâm tư, cũng không mong các công trình của người dân bị tháo dỡ”, ông Long chia sẻ.

Lý giải về việc thu hồi sổ đỏ của người dân từ năm 2014 mà chưa trả lại, ông Long cho biết, quan điểm của xã Tân Quang là nếu các hộ dân nhận lại sổ đỏ thì sẽ trả lại, với điều kiện phải làm đơn đề nghị tự nguyện và nhận về thì không được cấp mới. “Chúng tôi cũng đã hứa với các hộ dân sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan các cấp xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ cấp lại. Việc thu lại sổ đỏ là thực hiện theo quy định, chính quyền xã cũng không muốn giữ làm gì”, ông Long giãi bày.

Khi được hỏi, việc thu hồi sổ đỏ vào năm 2014 có văn bản không? Ông Long cho biết, thực hiện theo quy định, sổ đỏ hết thời hạn thì thu hồi và triển khai tại các cuộc họp, không có văn bản.

Về vấn đề này, ông Đỗ Viết Toàn, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Lâm cho biết, đối với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, sau này là thực hiện Nghị định số 64 của Chính phủ, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trên sổ đỏ là 20 năm, đến ngày 15/10/2013 hết hạn. Theo quy định của luật, khi hết hạn sử dụng trên giấy, người sử dụng đất tiếp tục sử dụng, không cần phải làm thủ tục gia hạn. Tại Hưng Yên có chủ trương (đặc biệt trên địa bàn 4 huyện, trong đó có Văn Lâm) thực hiện triển khai thực hiện dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận cho công dân. Thời gian thực hiện trong 3 năm (2016 - 2018). Tuy nhiên, việc này bị chậm tiến độ nên đã được UBND tỉnh gia hạn.

Đến thời điểm này, xã Tân Quang đã hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính đối với đất thổ cư và đất nông nghiệp, trình các cấp phê duyệt hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận cho các hộ dân. Đến nay, 495 giấy đã được cấp đổi.

Liên quan đến nguyện vọng của các hộ dân mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Toàn cho biết, trong các văn bản trước đây, có những văn bản có nội dung UBND xã rà soát theo quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tại Luật Đầu tư, thực hiện dự án gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tất cả các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo đúng quy định, hồ sơ phải qua Sở Kế hoạch - Đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Khi nào chủ trương được UBND tỉnh chấp thuận thì các cơ quan liên quan như UBND huyện mới thực hiện những bước tiếp theo.

Ông Toàn cũng cho biết, tháng 11/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2893/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2018 ở huyện Văn Lâm. Theo đó, diện tích đất ở khu vực này là đất ở.

Đại diện UBND huyện Văn Lâm tại buổi làm việc với PV Báo Thanh tra. Ảnh: PV

Chưa thực hiện đúng chức trách?

Ông Toàn cho biết, huyện nhiều lần nhận được đơn của ông Mai và các hộ dân xã Tân Quang. UBND huyện cũng giao cho các phòng kiểm tra, tham mưu và có văn bản phúc đáp.

Như vậy, đã rõ việc chính quyền xã yêu cầu người dân nộp sổ đỏ khi chưa có chỉ đạo cấp trên, cũng như không hoàn thiện hồ sơ trình các cấp chính quyền cấp đổi lại sổ đỏ cho người dân, không đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt và bảo đảm nguyện vọng của người dân, mà lại tổ chức cưỡng chế, cắt điện vào những ngày nắng nóng nhất của miền Bắc. Không những vậy, trong quá trình tổ chức cưỡng chế, chính quyền địa phương lại thực hiện không đúng quy định như phát văn bản đi sau 2 ngày lại tổ chức thu hồi vào nửa đêm. Chính những điều này khiến người dân nghi ngờ, gây bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người, vượt cấp lên Trung ương.

Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm Trần Văn Lâm cho biết, từ khi công tác, ông chưa bao giờ bị trừ điểm thi đua do hoàn thành nhiệm vụ không cao. Từ khi được giao phụ trách địa bàn xã Tân Quang, do có nhiều vướng mắc, làm không kịp so với các xã khác, nên bản thân ông bị trừ rất nhiều điểm.

Ông Lâm cũng cho biết, khi tham gia họp với các các hộ dân, hộ vi phạm, chi bộ xã, cũng luôn khẳng định chính quyền các cấp đã thực hiện theo đúng quy định và thấu tình, đạt lý. Khi tiến hành phá dỡ các công trình sai phép, cũng rất trăn trở, đau đầu, không ai muốn. UBND huyện cũng nhiều lần có văn bản khẳng định hành vi tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp của các gia đình ở thôn Chí Trung, thôn Ngọc Đà là vi phạm pháp luật về đất đai. UBND huyện yêu cầu các hộ gia đình tự tháo dỡ công trình trên đất, trả lại hiện trạng đất như ban đầu. Trường hợp các gia đình vi phạm không tự tháo dỡ, yêu cầu UBND xã Tân Quang kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. UBND xã Tân Quang đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tổ chức giải tỏa, cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất nông nghiệp của một số hộ vi phạm theo quy định.

Với thông tin chia sẻ về những kiến nghị của người dân trong việc lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất tại xã Tân Quang theo đúng quy hoạch đã được duyệt, cấp đổi lại sổ đỏ cho người dân, ông Lâm cho biết sẽ tiếp tục giao các phòng chức năng kiểm tra, giải quyết dứt điểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, quy định rất rõ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có nội dung chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

Điểm a, Khoản 2, Điều 59, Luật Đất đai 2013, thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất là UBND cấp huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, với diện tích từ 0,5ha trở lên, thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.

Về thời hạn giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điểm b, Khoản 1, Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định thời gian không quá 15 ngày.

Hồ sơ được nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường theo Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, với diện tích từ 0,5ha trở lên, thì UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh chấp thuận trước khi UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…

Quy định rõ ràng là vậy, nhưng tại buổi làm việc với PV Báo Thanh tra, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Lâm Đỗ Viết Toàn lại cho rằng, các hộ dân xã Tân Quang phải gửi hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Thiết nghĩ, nguyện vọng của người dân xã Tân Quang là phù hợp với thực tế và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, chính quyền huyện Văn Lâm cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh phức tạp dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm