Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Săn cá mát nơi thượng nguồn Quảng Trị

Khánh Anh

Thứ ba, 07/01/2025 - 07:00

(Thanh tra) - Dưới những con thác nơi thượng nguồn là nơi loài cá mát ẩn mình và sinh trưởng. Chúng chỉ ăn rong rêu và ở vùng nước sạch đã tạo nên một loài cá mang biểu tượng ẩm thực độc đáo của người dân vùng cao Quảng Trị.

Loài cá mát chỉ ở thượng nguồn, nơi dòng nước sạch, trong xanh. Ảnh: Minh Tân

Khi mặt trời xuyên qua tán rừng, chúng tôi theo chân già làng Hồ Văn Sâu (thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bước vào hành trình săn cá mát dọc thượng nguồn suối A Tang. Để bắt được loài cá này chúng tôi đi ngược lên thượng nguồn, nơi dòng nước trong lành và thiên nhiên hoang sơ vẫn còn ngự trị.

Tay cầm một chiếc lưới nhỏ, già Sâu chậm rãi dẫn đường, đi bên cạnh ông là anh Chang, con trai thứ năm. Chang mang theo cây nỏ với mũi tên sắt sắc bén cùng kính lặn. Men theo lối mòn qua cánh rừng dọc bờ suối, già Sâu vừa đi vừa trò chuyện về loài cá mát này. Dù thân hình nhỏ bé nhưng loài cá này thường chọn ở những nơi nước chảy mạnh sinh sống thành đàn, chúng thích bơi ngược dòng nước và ăn rêu, tảo và chỉ ở những con suối sạch.

Thời điểm “săn” loài cá này thích hợp nhất là vào mùa Hè từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Cá mát không chỉ ngon mà đặc điểm của loài cá này chính là phần ruột của nó, khi ăn nhân nhẫn đắng nhưng lại có vị hậu ngọt ở cổ họng.

“Thích ở dòng nước chảy mạnh, trong suốt nên ban ngày cá mát rất nhanh nhẹn, khó bắt được chúng. Tuy nhiên, mỗi người có mỗi bí quyết của riêng mình. Chứ nó (anh Chang – PV) ỷ thanh niên khỏe mạnh nên thích lặn xuống để bắn hơn”, già Sâu cười tủm tỉm.

Cá mát được đánh bắt bằng các phương pháp truyền thống để tránh nguy cơ tận diệt loài cá quý này. Ảnh: Khánh Anh

Sau hơn 1 giờ đồng hồ len lỏi qua những con đường mòn xuyên rừng, chúng tôi chạm tới dòng suối A Tang. Suối A Tang hiện ra như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ với những con thác tung bọt trắng xóa và những hố nước xanh biếc, nơi lý tưởng cho các loài cá mát trú ngụ.

Già Sâu bắt đầu men theo từng đoạn thác, tìm kiếm. “Do thích ăn rong rêu chủ yếu nên nhìn khe đá nào rêu bị “ăn” lởm chởm là nơi đó có bọn cá này trú ngụ”, già Sâu giải thích. Sau một hồi tìm kiếm, già Sâu vui mừng chỉ về phía gần chân thác nước đang chảy xiết để chọn nơi thả lưới.

Theo hướng tay của già Sâu, phía dưới làn nước trong nhìn thấy đáy là đàn cá mát bơi thành từng đàn ra ăn rong rêu. Với nhiều năm “trong nghề”, già Sâu nhanh chóng thả tay lưới dài chừng 20m dọc theo những hang đá mà loài cá mát trú ngụ bên trong. Theo lời già, loài cá này rất nhanh dù bơi dưới dòng nước chảy xiết và sẽ trốn vào hang khi thấy động, chỉ khi an toàn chúng mới ra khỏi hang để kiếm ăn.

Đốn cây nứa dài chừng 1,5m, già Sâu lại xuống nước để lùa những đàn cá mát đang ẩn sâu trong hang ra bên ngoài, nơi tay lưới đã giăng sẵn. Trong khi đó, con trai già Sâu mang kính lặn cầm theo mũi tên sắt tự chế lặn sâu xuống những khe đá khác để tìm cá mát.

“Cá mát khi vào hang thường đứng thành đàn với nhau nên rất dễ bắn, chắc ngày nay kiếm được vài kg”, anh Chang vừa trở lên sau một hơi lặn đưa lên bờ những con cá mát vừa bắn được.

Sau một hồi ngụp lặn, già Sâu trở lại thu lưới. Những con cá mát bằng hai, ba ngón tay người lớn đang giãy dụa ánh lên ánh bạc dưới tia nắng đang xuyên qua tán rừng. Chỉ bắt khoảng chừng hơn 1kg, già Sâu kêu chúng tôi trở về để chế biến các món ngon từ loài cá này. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì vẫn còn những đàn cá mát đang từ hang đá trở ra kiếm ăn, già Sâu cười giải thích: “Mình bắt chừng này thôi đãi khách được rồi, mùa này nó gần đẻ, để nó sinh sôi thêm nữa. Bắt hết lần sau không có đãi khách đâu!”.

Cá mát trở thành loài cá đặc sản ở các vùng cao Quảng Trị. Ảnh: Khánh Anh

Dọc đường trở về lại căn nhà của già Sâu, anh Chang hái thêm lá chua mọc bên bờ suối A Tang. “Chỉ cần nồi nước sôi, thêm gia vị rồi thả cái lá với cá mát nguyên con vào là có món ngon rồi. Cái lá này nấu với cá mát thì uống hoài không say nhé!”, anh Chang cười nói.

Từ lâu, loài cá mát không chỉ là loài cá đặc sản ở thượng nguồn một số tỉnh miền Trung mới có mà trở thành ẩm thực đặc sắc của bà con ở các vùng cao. Thịt cá không tanh, thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, loài cá này được chế biến với nhiều kiểu và chỉ đãi khách quý khi đến nhà.

Người dân nơi đây cũng có cách chế biến cá mát riêng biệt. Cá sau khi đánh bắt về đem nướng sơ rồi treo lên gác bếp. Khi con cá vừa khô thơm lẫn mùi khói bếp được mang đi giã nát cùng với muối, ớt khô, hạt tiêu… tạo nên món chấm độc đáo mà người dân thường gọi là “cheo”. Cheo cá mát thường dùng để chấm với cơm, xôi, thịt và trở thành món quà đặc sản của vùng đất này tặng khách quý.

Bên bếp lửa bập bùng, se se lạnh của vùng cao, già Sâu kẹp những con cá mát vào những thanh tre nướng trên bếp than hồng chuẩn bị mời khách. Nhâm nhi thêm chút cay nồng của thứ rượu làm từ men lá là trải nghiệm khám phá nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống mộc mạc của người dân bản địa và thưởng thức các món ngon chế biến từ cá mát.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Săn cá mát nơi thượng nguồn Quảng Trị

Săn cá mát nơi thượng nguồn Quảng Trị

(Thanh tra) - Dưới những con thác nơi thượng nguồn là nơi loài cá mát ẩn mình và sinh trưởng. Chúng chỉ ăn rong rêu và ở vùng nước sạch đã tạo nên một loài cá mang biểu tượng ẩm thực độc đáo của người dân vùng cao Quảng Trị.

Khánh Anh

07:00 07/01/2025
Vịnh Hạ Long: Điểm đến di sản

Vịnh Hạ Long: Điểm đến di sản

(Thanh tra) - 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, vịnh Hạ Long đã trở thành điểm đến hút khách bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh với gần 60 triệu lượt khách ghé thăm. Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ của di sản, vịnh Hạ Long cũng đã khẳng định được sức hút riêng có, nằm trong top những di sản nổi tiếng nhất trên thế giới…

Trọng Tài

10:45 02/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm