Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần sớm đưa ra phương án ưu việt nhất

Thứ năm, 22/05/2014 - 11:05

(Thanh tra) - Những tưởng, sau khi xây xong, chợ Trung tâm Hải Hà mới sẽ được đưa vào sử dụng theo đúng quy hoạch của tỉnh, còn chợ cũ sẽ được phá dỡ để xây dựng quảng trường và công viên cây xanh. Thế nhưng, dù đã được đưa vào sử dụng khá lâu, tất cả tiểu thương ở chợ Trung tâm Hải Hà mới vẫn chưa thể ổn định để kinh doanh, vì hầu hết người dân vẫn quen mua bán tại chợ cũ. Nghiêm trọng hơn, đã xảy ra một số tranh chấp giữa 2 chợ trong thời gian qua. Trong khi đó, chính quyền huyện Hải Hà và tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thể thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm.

Chợ Hải Hà được đầu tư khang trang, đảm bảo các điều kiện kinh doanh, vệ sinh và an toàn cháy nổ. Ảnh: Trần Anh

>>Đìu hiu chợ Trung tâm Hải Hà mới

Chợ Trung tâm Hải Hà mới nằm trong diện quy hoạch theo Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 7/2/2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh “v/v phê duyệt kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, với tổng số vốn đầu tư hơn 167 tỉ đồng. 

Hưởng ứng quyết định này, hơn 200 tiểu thương tại chợ Hải Hà cũ đã tham gia đầu tư góp vốn với Công ty TNHH Đức Dương để xây dựng chợ Hải Hà mới, và đã được Công ty TNHH Đức Dương thực hiện bằng hợp đồng thuê ki-ốt.

Anh Lê Văn Bằng (thôn 6, Quảng Xá, Hải Hà) đại diện cho hơn 200 hộ tiểu thương chợ Hải Hà mới cho biết: “Do tin tưởng vào quy hoạch và kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh là sẽ hoàn thành việc chuyển chợ trong năm 2013, chúng tôi đã vay ngân hàng để góp vốn với Công ty TNHH Đức Dương (người ít thì 30 - 40 triệu đồng, người nhiều thì tới 2 tỷ đồng), đó là chưa kể tới số tiền đầu tư mua hàng hóa. Thế nhưng, đến nay đã hết quý I/2014, chợ cũ chưa bị dỡ bỏ, chợ mới chẳng có ai vào, khiến chúng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, có nguy cơ phá sản và bị ngân hàng tịch thu nhà”. 

Hiện tại, hơn 150 hộ tiểu thương chuyển sang kinh doanh tại chợ Hải Hà mới đang đứng trước nguy cơ phá sản, vì hàng hóa không có người mua, còn tiền lãi vay ngân hàng ngày càng chồng chất. Chính vì vậy, hơn 150 tiểu thương này cùng với lãnh đạo Công ty TNHH Đức Dương đã đồng loạt gửi đơn kêu cứu lên chính quyền huyện Hải Hà và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Không chỉ gửi đơn, vào sáng sớm ngày 3/4/2014, hơn 120 tiểu thương chợ Hải Hà mới đã tập trung tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội, với nguyện vọng muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sớm chỉ đạo giải quyết vụ việc để ổn định làm ăn. Vắng khách, tiểu thương ngồi "tám chuyện". Ảnh: Trần Anh

Tiếp đó, đến ngày 17/4/2014, hơn 150 tiểu thương (bao gồm cả người già, trẻ em và người thân các tiểu thương này) đồng loạt tập trung trước Văn phòng Tiếp dân của UBND tỉnh Quảng Ninh để chờ giải quyết.

Theo phản ánh, tại cuộc họp thống nhất giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng với các sở, ban, ngành và UBND huyện Hải Hà vào sáng ngày 21/4/2014, ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã hứa: Lãnh đạo tỉnh cùng với Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội sẽ trực tiếp đối thoại với các hộ kinh doanh chợ cũ, chợ mới và Công ty TNHH Đức Dương về kế hoạch triển khai phương án chuyển chợ một cách hợp lý. Dự kiến trong tháng 5/2014, sẽ chốt các ý kiến của các hộ kinh doanh để lựa chọn phương án ưu việt nhất, đồng thuận cao nhất để tổ chức thực hiện, cố gắng giải quyết triệt để, dứt điểm. 

Tin tưởng vào thiện chí giải quyết của chính quyền tỉnh, tuy nhiên, nhiều tiểu thương cũng bày tỏ sự lo ngại: Nếu hết tháng 5/2014 mà vẫn chưa đưa ra được phương án có sự đồng thuận cao, thì sự việc chắc vẫn tiếp tục… kéo dài! 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Chiến, Phó Phòng Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Xung quanh vụ khiếu kiện của tiểu thương chợ Hải Hà mới, chúng tôi đã tiếp nhận hồ sơ và đang tìm các phương án tối ưu nhất để giải quyết. Theo đó, UBND tỉnh giao cho chính quyền huyện Hải Hà phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng phương án chuyển chợ phù hợp, để thực hiện di chuyển toàn bộ những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ vào chợ mới.

Ông Chiến còn cho biết thêm, hiện tại, trước sức ép của gần 600 tiểu thương chợ cũ, hơn 200 tiểu thương chợ mới và Công ty TNHH Đức Dương, lãnh đạo tỉnh đang cố gắng chọn phương án bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên. 

Rõ ràng, chợ mới được xây dựng hiện đại, đúng với quy hoạch của tỉnh, còn chợ cũ thì xuống cấp trầm trọng, an ninh không bảo đảm. Điều này cho phép hy vọng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm có quyết định cuối cùng vừa hợp lý lại vẫn hợp tình, tránh lãng phí tiền của nhân dân.

Trần Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm