“Trôi” kí ức buồn

 Ít ai tưởng tượng được, nơi mảnh đất này hơn 10 năm trước bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé nổi lên là một "điểm nóng" với hàng nghìn người dân tộc Mông từ khắp nơi đổ về đòi thành lập “Nhà nước Mông”.

Từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… người Mông bán nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, cả gia đình dắt díu nhau về “miền đất hứa” Huổi Khon với ước mơ đổi đời. Bản Huổi Khon khi ấy chưa chia tách thành Huổi Khon 1, Huổi Khon 2. Cả bản có 97 hộ nhưng chỉ có một số hộ tin nghe theo kẻ xấu.

Ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Huổi Khon 1 khi ấy là Trưởng bản Huổi Khon vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ về những gì đã xảy ra trên mảnh đất này hơn 10 năm về trước.

Ông kể: Đồng bào Mông khắp nơi đã về đây tụ tập khổ lắm, thiếu nước uống thiếu cơm ăn và ở trong các lều bạt tạm bợ trên đồi trống. Nhiều người phải ăn măng, rau rừng sống qua ngày. Đám trẻ con đói khát, cứ đòi uống nước rồi xin cái ăn. Ai nấy trông đều đói khổ. Nghĩ lại cảnh đó giờ vẫn còn sợ!

Trước cảnh hỗn loạn đó, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng khi đó đã mang lương thực, thuốc men kịp thời hỗ trợ, cứu giúp. Hàng trăm người già, trẻ nhỏ ốm đau, đói khát thoi thóp trong những lều lán được cứu sống. Được sự giúp đỡ và vận động của chính quyền, đồng bào Mông đã hiểu ra biết mình bị kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng nên đã muốn quay về bản làm nương ổn định cuộc sống. Sau những ngày đó, những đối tượng cầm đầu lôi kéo xúi giục người dân, gây mất trật tự an ninh đã bị chính quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 Ngay sau khi vụ việc ở Huổi Khon được giải quyết, hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên các sở, ban, ngành tỉnh và huyện đã về Huổi Khon nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng tôn giáo cho bà con hiểu, thực hiện.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, bà con đã dần hiểu âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu.

leftcenterrightdel
Một góc bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé hôm nay. Ảnh: Văn Tâm 

Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè gắn bó khá lâu với công tác tuyên truyền, vận động ở Huổi Khon cho biết: Khi có tà đạo lan truyền, tổ công tác vận động quần chúng của đơn vị thường xuyên xuống với bà con tuyên truyền, vận động; đồng thời gặp gỡ các đối tượng theo tà đạo để vận động chuyển sang theo đạo chính thống. Với sự vào cuộc của tổ công tác cùng chính quyền địa phương bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ đã ký cam kết từ bỏ tà đạo. Đến nay tất cả các hộ dân ở 2 bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2 đều ký cam kết từ bỏ tà đạo.

 Cuộc sống mới ở Huổi Khon

Ngày nay, dọc theo quốc lộ 4H vào Mường Nhé, xen lẫn những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc, đã thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng hiện đại; những con đường bê tông nối bản với bản, xã với xã, với huyện, thành phố chạy dài hun hút… minh chứng cho sự đổi thay ở vùng cao biên giới.

Từ bài học “điểm nóng” Huổi Khon, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng xác định tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những vụ việc tương tự. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Công tác dân vận phải đi trước, sâu sát cơ sở, nắm tình hình kịp thời để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Cùng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện, giúp người dân Huổi Khon dựng xây cuộc sống mới. Tuyến đường lên bản Huổi Khon giờ đã được mở rộng, rải cấp phối, ô tô có thể chạy đến tận nơi. Hai bên đường là những ngôi nhà gỗ vững chãi của bà con. Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điểm trường về tận bản. Trẻ em trong bản trước đây chưa được đi học nhiều thì nay đến tuổi đi học đều được đến trường học con chữ.

Trong bản có 4 gia đình gồm: Sùng A Chơ, Thào A Sinh, Giàng A Chính, Vàng A Hồ được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà, lợp mái tôn vững chắc.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong bản đã chủ động làm nương lấy hạt ngô, hạt thóc để ăn và chăn nuôi, không trông chờ vào những thứ siêu nhiên mà kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường nội bản mới được bê tông hóa, anh Thào A Da, Trưởng bản Huổi Khon 2 cho biết: Con đường này được Nhà nước đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn nhiều. Bản cũng đang được đầu tư xây dựng điểm trường mầm non và tiến tới làm nhà văn hóa nữa. Chúng tôi còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng nên không lo đói. Có con giống hỗ trợ, nhiều hộ trong bản đã nhân rộng thành đàn gia súc như nhà Vàng A Sình có 6 con trâu, Thào A Giang 7 con trâu…

Ngồi trong ngôi nhà tình nghĩa mới được Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động xây tặng, ông Vàng A Sình - Bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé không giấu được niềm vui. Cả cuộc đời ông và gia đình dù có tích cóp qua bao mùa nương chưa chắc đã xây cất được ngôi nhà khang trang như thế. Ông ngậm ngùi: “Tổ tiên người Mông có câu “tiền bạc trên đá, không làm vất vả thì không có tiền”. Hòn đá, mảnh đất chỉ có thể biến thành đồng tiền, vàng bạc khi mình cần cù chịu khó làm ăn thôi…”.

leftcenterrightdel
Người dân bản Huổi Khon 1 phơi ngô trên tuyến đường bê tông nội bản. Ảnh: Văn Tâm 

Ông Vàng A Sình cho biết, mấy năm qua, cả bản không có người tự đến và đi như trước nữa, các hộ đều yên tâm làm ăn. Ngoài canh tác những cây nông nghiệp truyền thống thì hiện nay đã có một số hộ khai hoang, cải tạo đất để trồng cây công nghiệp như chè, cao su, chăn nuôi đàn đại gia súc và bước đầu đã cho thu nhập. Nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo mới thì nhiều hộ dân trong bản vẫn thuộc diện nghèo, nhưng không còn hộ đói như trước kia nữa.

Những ngày cuối tháng 4/2020, nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông cư trú tại các bản thuộc xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã gửi thư bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc hỗ trợ làm nhà ở.

Ông Sùng A Kỷ, bảo rằng, người Mông ở đây được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thực tế, người Mông ở Huổi Khon 1 không là người bản địa mà di cư từ những vùng đất khác về đây. Trong suốt hơn 20 năm qua, họ phải đối mặt với nhiều thử thách, không ít lần cả bản lo âu, bất ổn vì những đối tượng xấu dùng cả súng đe dọa, lôi kéo họ theo bọn chúng xưng vua.

Quá thấm những cực khổ, sợ hãi do kẻ xấu gây ra, ông Kỷ đúc kết: “Từ trước tới nay, chỉ có Nhà nước hỗ trợ bà con gạo, tiền làm nhà, cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo. Nhà nước cũng đầu tư làm đường giao thông, xây dựng bể nước sinh hoạt cho dân bản. Nhờ đó, chúng tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi không tin những điều kẻ xấu nói. Tôi không muốn đi đâu nữa, sống chết ở đây thôi”.

Từ một vùng “đất dữ”, Huổi Khon nay đã bình yên trở lại với những đổi thay về diện mạo kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước là sự nỗ lực, cố gắng vượt lên khó khăn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc để đưa Huổi Khon trở về với sự bình yên của vùng đất cực Tây Tổ quốc.

Hà Yên