Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều hoạt động hỗ trợ, vai trò, vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng lên

Kim Ánh

Thứ năm, 18/11/2021 - 11:30

(Thanh tra) - Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS)” giai đoạn 2018-2021, theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án) mới được sơ kết sau 4 năm triển khai, với nhiều kết quả quan trọng đạt được. Trong đó, phụ nữ DTTS - đối tượng “trung tâm” của Đề án được nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực, giúp nâng cao được vai trò, vị thế và thu nhập trong đời sống xã hội.

Thu nhập của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng lên. Ảnh: K.A

5 tỉnh, thành phố có 100% cán bộ dân tộc được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới

Sau 4 năm thực hiện, qua đánh giá tổng kết của các tỉnh, một số tỉnh thực hiện tốt đã đạt được các mục tiêu của Đề án đặt ra.

Các tỉnh đạt tỷ lệ cao trong thực hiện chỉ tiêu cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới có thể kể đến: Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa (đều đạt 100%); Thái Nguyên (80%), Lào Cai (60 - 70%).

Các tỉnh đạt chỉ tiêu 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới có: Bắc Giang (50%), Bạc Liêu (50%), Cao Bằng (60%), Đắk Nông (59,2%), Sơn La (50%), Thái Nguyên (45%), Thanh Hóa (50%).

Các tỉnh đạt chỉ tiêu 80% số hộ gia đình đồng bào DTTS rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới: Thanh Hóa (78,42%), Bạc Liêu (hơn 80%). Thậm chí, một số tính đạt trên 80% như: Yên Bái (89%), Quảng Ninh (93,70%), Quảng Bình và Sơn La (đạt 100%)...

Vị thế phụ nữ DTTS được nâng lên

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vị thế của phụ nữ DTTS được nâng lên.

Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 qua kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS Việt Nam và số liệu kết quả bầu của do Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố cho thấy, lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội ngày càng tăng.

Tại Quốc hội khóa XIII, có 39 đại biểu là phụ nữ DTTS chiếm tỷ lệ 7,8% tổng số đại biểu; Quốc hội khóa XIV, có 41 đại biểu là phụ nữ DTTS chiếm tỷ lệ 8,26%; Quốc hội khóa XV, có 44 đại biểu là phụ nữ DTTS chiếm 8,8% so với tổng số đại biểu Quốc hội, đặc biệt, có 1 phụ nữ là người Brâu (DTTS đặc biệt ít người) đầu tiên đỗ đại học và đã trúng cử đại biểu Quốc hội ở tuổi 25.

Trong lĩnh vực kinh tế, cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS đã có sự dịch chuyển việc làm theo hướng tích cực, khi tỷ trọng việc làm trong “nông, lâm nghiệp và thủy sản” có xu hướng giảm dần; đồng thời tỷ trọng việc làm trong “công nghiệp và xây dựng” và “dịch vụ” có xu hướng tăng. Năm 2019 so với năm 2015, tỷ trọng việc làm của lao động nữ DTTS trong “nông, lâm nghiệp và thuỷ sản” đã giảm từ 83,8% xuống còn 76,4%, trong khi tỷ trọng việc làm trong “công nghiệp và xây dựng” tăng từ 6,2% lên 11,6% và “dịch vụ” tăng từ 10% đến 12%.

Đáng chú ý, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình do nữ là chủ hộ luôn cao hơn hộ gia đình do nam là chủ hộ ở hầu hết các dân tộc, các vùng kinh tế và khu vực thành thị - nông thôn. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ năm 2018 là 2.798 nghìn đồng/người/tháng, cao gấp 1,5 lần hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nam (1.860 nghìn đồng/người/tháng).

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ người DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 80,9% (nam 86,7%, nữ 75,1%). So với năm 2015, tỷ lệ này năm 2019 đã tăng lên trong đó nữ DTTS tăng cao hơn so với nam DTTS (nam tăng 1,2%, nữ tăng 2,4%); tỷ lệ trẻ em nữ DTTS đi học đúng tuổi cao hơn so với trẻ em nam DTTS ở tất cả các cấp học.

Trong khi đó, kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, có 58,8% hộ gia đình DTTS (chủ hộ là nam 58,5% và chủ hộ là nữ 59,3%) nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh tỉnh, huyện và xem được Đài Truyền hình Trung ương, tỉnh. Hầu như không có sự khác biệt giữa hộ gia đình do nam là chủ hộ và hộ gia đình do nữ là chủ hộ về chỉ tiêu này. Số liệu trên cho thấy những khởi sắc về lĩnh vực văn hóa thông tin và truyền thông.

Lĩnh vực quan trọng khác cũng đạt được nhiều số liệu đáng mừng đó là y tế. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 đến 49 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai năm 2019 là 88%, tăng 17,1% so với năm 2015; tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống còn 46/100.000 ca sinh sống vào năm 2019, giảm 23/100.000 ca sinh sống so với năm 2009.

“Trong bối cảnh tình hình ngân sách khó khăn, bố trí kinh phí hạn hẹp ở cả cấp Trung ương và địa phương, nhiều địa phương không thể bố trí kinh phí thực hiện, nhưng với sự cố gắng của tập thể các bộ, ngành và cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng trong gia đình và xã hội theo chiều hướng tích cực. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình, vai trò và vị thế của phụ nữ nhờ đó gia tăng đáng kể so với quan niệm truyền thống trước đây”, Ủy ban Dân tộc đánh giá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm