Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ sáu, 11/08/2017 - 18:16

(Thanh tra) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, chiều muộn ngày 10/8, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn về công tác phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai kiểm tra ổ bọ gậy tại gia đình người dân tại đường Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai. Ảnh: Hồng Thương

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng tại cuộc họp cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 69.085. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Các tỉnh, thành có số mắc trên 100.000 dân cao nhất cả nước là Đà Nẵng (507,9), Bình Dương (232,5), TP Hà Nội (154,2), Khánh Hòa (134,4), TP Hồ Chí Minh (118,6).

Tại miền Bắc, đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên 15 tuổi (80%), trong khi ở khu vực miền Nam, đa số mắc dưới độ tuổi này (53%). Hiện tại, Hà Nội là thành phố có số ca tử vong cao nhất. 

Khảo sát tại Bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 21/7, toàn viện có 944 ca sốt xuất huyết, 798 ca trong đó là người Hà Nội. Tính đến ngày 10/8, tổng số bệnh nhân nằm nội trú 2.027 người, 1.761 bệnh nhân là người Hà Nội, chiếm 87%. Số nhập viện vì sốt xuất huyết chỉ chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân nhập viện. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Bệnh viện Xây dựng... đều có hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị. Hàng ngày, các bệnh viện này tiếp nhận khám sốt xuất huyết khoảng 500-700 bệnh nhân.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc tại Hà Nội tăng dần theo từng tuần. Hà Nội hiện đã lưu hành cả 3 tuýp sốt xuất huyết. 

Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, hiện có 308 xã phường trong tổng số hơn 584 phường của Hà Nội đã thành lập đội diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã phun cả hóa chất bằng ô tô và phun nhiều điểm. Hiện Hà Nội có khoảng 150 đội phun hóa chất.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong khi đó, do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển; điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành Y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch.

Giải thích về nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, tại khu vực miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết lan rộng, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, đề nghị ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Ban quản lý công trường, nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm nếu để còn có các ổ đọng nước có lăng quăng của muỗi truyền bệnh tại công trình xây dựng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Đồng thời khuyến cáo người dân khi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Bộ trưởng cũng đề nghị cán bộ phun phải phun đầy đủ các nhà, phun từ ngoài vào trong. Các Bệnh viện phải nâng cao hiệu quả điều trị, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân. Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng chuyển bệnh nhân về cơ sở 2. Tránh để bệnh nhân phải nằm ghép.

Đối với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần tăng cường thêm xe và máy phun hóa chất. Hà Nội lập bản đồ ca mắc bệnh, huy động tất cả lực lượng đi phun, tập trung vào chợ, các cơ sở y tế, trường học, nhà trọ, công trường...

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm