Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ 1: Chậm thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ

Trần Quý

Thứ sáu, 16/07/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Nhiều kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chưa thực hiện, thì Kiểm toán Nhà nước lại tiếp tục chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, triển khai thực hiện dự án (D.A) tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) làm chủ đầu tư.

Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, do MRB làm chủ đầu tư, đang bị chậm tiến độ và đội vốn. Ảnh: TQ

Kết luận thanh tra số 506 ngày 10/4/2018 của TTCP về việc thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của D.A tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, triển khai thực hiện D.A do MRB làm chủ đầu tư.

Kết quả thanh tra cho thấy, việc điều chỉnh hợp đồng trong gói giữa chủ đầu tư và tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp) làm tăng giá trị gói thầu từ trên 10,6 triệu euro lên trên 17,1 triệu euro (tăng trên 6,5 triệu euro) do chậm trễ trong thực hiện hợp đồng trọn gói, dẫn đến kéo dài thời gian; do điều chỉnh số gói thầu từ 4 gói ban đầu lên 9 gói như hiện nay làm tăng nhân lực, tăng chi phí, và một số lý do khác, là chưa phù hợp với việc điều chỉnh tăng chi phí.

“Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của MRB qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan. Các cơ quan, tổ chức và các đơn vị tư vấn có liên quan; các sở: Quy hoạch Kiến trúc; Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội” - kết luận nêu.

Đối với gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, kết quả thanh tra cho thấy, việc tổ chức giám sát, nghiệm thu của chủ đầu tư thiếu chặt chẽ, bài bản ngay từ đầu; không thực hiện công tác nghiệm thu ngay sau khi nhà thầu thi công xong, hồ sơ hoàn công không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và tuân thủ phương án kỹ thuật thi công được duyệt. Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư D.A và các đơn vị có liên quan thuộc MRB. Bộ Tư lệnh công binh - cơ quan chủ quản của nhà thầu, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này.

Kết quả thanh tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu số 1 (đoạn tuyến trên cao) cho thấy, việc đánh giá giữa tư vấn Systra và chủ đầu tư không thống nhất, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu, vi phạm Điều 29 Luật Đấu thầu; Điều 18 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009.

Đối với gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm), việc chủ đầu tư và Liên doanh Huyndai E&C-Ghella S.p.A (JV) đã ký Hợp đồng HPLML/CP03 - hầm và các ga ngầm khi chưa có mặt bằng, để bảo đảm cho việc thi công theo hợp đồng của nhà thầu dẫn đến việc nhà thầu yêu cầu phải bổ sung chi phí cho thời gian chờ đợi, lỗi này thuộc về MRB, vi phạm Khoản 3, Điều 64, Luật Đấu thầu.

“Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của MRB qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan” - kết luận nêu.

Với những sai phạm được chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 506, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo MRB rà soát lại trách nhiệm của tư vấn Systra trong việc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng trọn gói trước khi điều chỉnh, để xác định chi phí thuộc trách nhiệm phần lỗi của tư vấn Systra và thực hiện giảm trừ khi thanh toán.

Rà soát trách nhiệm vật chất của các đơn vị tư vấn có liên quan trong quá trình thực hiện D.A, gây chậm trễ kéo dài, dẫn đến phát sinh tăng chi phí và thực hiện việc giảm trừ khi quyết toán hợp đồng.

Tăng cường giám sát, quản lý tư vấn Systra để nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là nhân sự trong nước và chất lượng giám sát của tư vấn; kiểm tra, rà soát và chủ động xử lý, khắc phục những tồn tại, vướng mắc tại các gói thầu đã được thanh tra và các gói thầu khác của D.A nếu có, báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo các trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm nếu có, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các vi phạm.

Xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với nội dung tố cáo về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội; đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó Trưởng MRB…

Thế nhưng, thay vì thực hiện các kiến nghị của TTCP, thì lãnh đạo MRB đã ban hành một loạt quyết định có dấu hiệu trù dập và loại bỏ người tố cáo.

Ngày 22/12/2020, TTCP đã có Văn bản số 2234 đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xác minh, làm rõ hành vi dấu hiệu trù dập, đồng thời áp dụng các biện pháp đảm bảo quyền lợi người tố cáo sai phạm tại MRB; chỉ đạo Trưởng MRB tạm đình chỉ ngay hiệu lực thi hành các quyết định, văn bản (Quyết định số 21 ngày 4/5/2019 về việc điều động viên chức, dẫn đến giảm thu nhập hàng tháng của ông Bình; Quyết định số 150 ngày 23/7/2019 về việc thành lập Hội đồng Kỷ luật viên chức đối với ông Lương Xuân Bình; Quyết định số 42 ngày 21/8/2019 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lương Xuân Bình; Quyết định số 21 ngày 15/11/2019; Quyết định số 52 ngày 31/8/2020; Thông báo số 164 ngày 21/8/2020), phục hồi đúng vị trí việc làm của ông Lương Xuân Bình ở thời điểm trước khi ban hành Quyết định số 21 ngày 4/5/2019 về việc điều động viên chức; xem xét chi trả đầy đủ các khoản lương, thưởng và thu nhập cho ông Lương Xuân Bình đảm bảo thu nhập và đời sống kinh tế của ông Bình và gia đình.

Đồng thời, yêu cầu MRB chấm dứt, không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình.

Báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá lại việc không bổ nhiệm lại cho ông Lương Xuân Bình làm Phó Trưởng MRB vì chưa đủ phiếu tín nhiệm, do tại thời điểm đó pháp luật của Nhà nước quy định kết quả lấy phiếu chỉ là để tham khảo và việc không bổ nhiệm lại không phải là một hình thức kỷ luật; đồng thời xem xét lại quá trình công tác để bố trí lại vị trí công tác cho ông Lương Xuân Bình có tính kế thừa và phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm sóc thân nhân liệt sỹ (ông Bình là con liệt sỹ).

Yêu cầu Trưởng MRB tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Lương Xuân Bình về các hành vi mang tính trù dập ông Lương Xuân Bình như đã nêu ở trên; chỉ đạo Thanh tra Hà Nội xác minh, làm rõ và kết luận, xử lý; báo cáo kết quả về TTCP.

Ngày 31/12/2020, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 5953/UBND-NC về việc thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo sai phạm tại MRB.

UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì cùng Thanh tra TP và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, căn cứ ý kiến của TTCP tại Văn bản số 2234 ngày 22/12/2020, tham mưu, đề xuất thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật; dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 5/1/2021.

Ngày 18/1/2021, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Văn bản hỏa tốc số 204 về việc thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo sai phạm tại MRB.

Văn bản số 204/UBND-SNV ngày 18/1/2021 của UBND TP Hà Nội. Ảnh: TQ

UBND TP Hà Nội giao Trưởng MRB thực hiện nội dung nêu tại mục a (Tờ trình số 10/TTr-SNV ngày 5/1/2021 của Sở Nội vụ) và báo cáo làm rõ các nội dung có liên quan đến trách nhiệm của Ban nêu tại Văn bản số 2234 ngày 22/12/2020 của TTCP; báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP, Sở Nội vụ, Thanh tra TP trước ngày 20/1/2021 để tổng hợp báo cáo TTCP. Sở Nội vụ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét nội dung nêu tại mục b, Văn bản số 2234 ngày 22/12/2020 của TTCP, gửi kết quả về Thanh tra TP sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Thanh tra TP xác minh, làm rõ hành vi dấu hiệu trù dập, kết luận và đề xuất hình thức xử lý theo quy định; tổng hợp báo cáo kết quả các nội dung nêu trên về UBND TP và TTCP trong tháng 1/2021.

Chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là thế, song đến nay, MRB mới thực hiện được một phần rất nhỏ trong các kiến nghị của TTCP.

Ông Lưu Trung Dũng, Chánh Văn phòng MRB cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản bản số 204 ngày 18/1/2021, MRB đã có Báo cáo số 16 ngày 26/1/2021 gửi UBND TP.

Theo ông Dũng, ngày 22/1/2021, MRB đã ban hành Quyết định số 01 về công tác tổ chức nhân sự, phân công ông Lương Xuân Bình - kỹ sư cơ khí sửa chữa ô tô đảm nhiệm vị trí: Xây dựng và quản lý chất lượng ISO thuộc Văn phòng MRB kể từ ngày 1/2/2021.

Quyết định số 01/QĐ-ĐSĐT-VP ngày 22/1/2021 của MRB. Ảnh: TQ

Cũng theo ông Dũng, ngày 9/2/2020, MRB tiếp tục có Quyết định số 35 về việc kiện toàn tổ giúp việc ban chỉ đạo xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO của MRB. Theo nội dung quyết định này, ông Lương Xuân Bình - viên chức Văn phòng được giữ chức Tổ trưởng.

“Đối với nội dung tổ chức công khai xin lỗi ông Bình; kiểm điểm trách nhiệm và nhiều nội dung khác vẫn chưa thực hiện” - ông Dũng khẳng định.

Để làm rõ nguyên nhân do đâu mà MRB và các đơn vị liên quan chậm thực hiện kiến nghị của TTCP, ngày 29/6/2021, PV Báo Thanh tra đã đặt lịch làm việc với ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Ngày 6/7/2021, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Văn bản số 6819 về việc tiếp và làm việc với PV Báo Thanh tra, gửi Sở Nội vụ. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung theo yêu cầu, liên hệ với PV, xếp lịch tiếp, làm việc với PV theo đề nghị, bảo đảm quy định pháp luật.

Văn bản số 6819/VP-NC ngày 6/7/2021 của Văn phòng UBND TP Hà Nội. Ảnh: TQ

Trao đổi với PV, ông Lương Xuân Bình cho rằng, MRB chưa thực hiện các ý kiến chỉ đạo của TTCP. Quyết định số 01 ngày 22/1/2021 của MRB về công tác tổ chức nhân sự là quá “mập mờ”. Điều 3 quyết định này nêu: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây trái với quyết định này đều được bãi bỏ.

“Các quyết định trước đây trái với quyết định này là các quyết định nào và được bãi bỏ từ ngày nào? Nếu bãi bỏ vào ngày ký Quyết định số 01 ngày 22/1/2021, thì tôi vẫn là người có tội. Còn tại mục a, Văn bản số 2234 TTCP nêu rõ: Chỉ đạo Trưởng MRB tạm đình chỉ ngay hiệu lực thi hành các quyết định, văn bản nêu trên, nhưng Trưởng MRB không thực hiện” - ông Bình phân tích.

“Nhận thấy Quyết định số 01 ngày 22/1/2021 của MRB có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên tôi nhất quyết không nhận” - ông Bình khẳng định.

Ông Bình đề nghị UBND TP Hà Nội, MRB thực hiện đúng các kiến nghị được nêu trong Kết luận thanh tra số 506 ngày 10/4/2018; Thông báo Kết luận thanh tra số 2020 ngày 20/11/2020 và Văn bản số 2234 ngày 22/12/2020 của TTCP, đồng thời bảo vệ người tố cáo đúng với Điều 57, Luật Tố cáo 25/2018/QH14.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km có 8 ga dừng đỗ và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km với 4 ga ngầm. Tổng vốn đầu tư ban đầu 783 triệu euro, trong đó vốn vay ODA 653 triệu euro, vốn đối ứng 130 triệu euro, thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo Quyết định số 4007/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND TP Hà Nội là 1.176 triệu euro, vốn vay ODA 957,99 triệu euro, vốn đối ứng 218,01 triệu euro. Thời gian thực hiện điều chỉnh đến năm 2018. Tiến độ thực hiện D.A được điều chỉnh tại Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 26/7/2019, khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2022, chậm 7 năm so với kế hoạch ban đầu. Thế nhưng, đến nay, công trình vẫn còn dang dở và chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, nguy cơ tiếp tục “đội vốn” là rất cao. 

Kỳ 2: Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra nhiều sai phạm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

(Thanh tra) - Ngày 20/11, Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (sinh năm 1991), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt để điều tra về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh Nhật

17:05 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm