Giáo viên là lực lượng chủ chốt

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, đến nay, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai ở các khối lớp: 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ được triển khai ở các lớp 4, 8 và 11.

Điểm mới đáng chú ý khi lựa chọn sách lần này, đó là khối lớp 4 sẽ có môn học tích hợp là Lịch sử - Địa lý, còn ở lớp 8, tiếp nối SGK mới ở lớp 6, lớp 7, các môn học đều có sự đổi mới, nhất là ở môn học tích hợp 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với lớp 11, Lịch sử tiếp tục là môn học nhận được sự quan tâm khi được chuyển từ môn tự chọn sang môn bắt buộc.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục gồm 136 SGK sử dụng trong các trường học từ năm học 2023 - 2024, gồm 44 đầu sách lớp 4, 42 đầu sách lớp 8, 50 đầu sách lớp 11. Căn cứ danh mục này, UBND cấp tỉnh, TP thành lập hội đồng lựa chọn SGK.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ tư Chương trình GDPT 2018 được triển khai. Năm đầu tiên, quyền chọn sách thuộc về các nhà trường. Từ năm thứ 2, quyền quyết định chọn sách thuộc về UBND tỉnh, TP. Theo quy định, UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng để chọn ra bộ sách phù hợp với học sinh địa phương.

Sau 2 năm thực hiện, đã có những ý kiến khác nhau về việc liệu có sự “đi đêm” của các nhà xuất bản tác động đến kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng. Do vậy, việc tổ chức lựa chọn SGK làm sao để khách quan, trung thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Với kinh nghiệm đã triển khai ở các năm học trước, việc tổ chức lựa chọn SGK đang được ngành Giáo dục Hà Nội triển khai, trong đó giáo viên được xác định là lực lượng chủ chốt để chọn được những cuốn sách phù hợp nhất.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) Lê Minh Nguyệt cho biết, 100% giáo viên của trường đều tham dự hội nghị giới thiệu sách do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các NXB tổ chức trong những ngày vừa qua.

Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên ở các tổ, nhóm nghiên cứu, thảo luận về ưu điểm của từng cuốn sách, đánh giá mức độ phù hợp đối với tình hình thực tế của trường về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh…

Để bảo đảm hiệu quả khi triển khai, nhà trường lưu ý giáo viên khi dự kiến đề xuất lựa chọn cuốn sách nào, cần xác định gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ ra sao…

Còn theo Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, hiện SGK mới, gồm cả bản in và bản điện tử đã được gửi tới giáo viên để nghiên cứu. Nhà trường thực hiện nghiêm túc quy trình đề xuất lựa chọn SGK theo Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT. Để đảm bảo tính khách quan, dân chủ, các tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách và bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho từng môn học…

Không chủ quan

Dù việc lựa chọn SGK mới đã thực hiện đến nay là năm thứ tư, nhưng ngành Giáo dục Hà Nội không vì thế mà chủ quan. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, phòng đã yêu cầu các trường tăng cường phổ biến toàn bộ quy trình, tiêu chí lựa chọn sách; tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT Mê Linh yêu cầu các giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để quyết định lựa chọn, đề xuất cuốn sách phù hợp với điều kiện của trường và học sinh trên địa bàn.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục của Thủ đô tiếp tục được giữ vững, học sinh tiếp cận tốt với SGK mới, thể hiện việc lựa chọn sách của các nhà trường là phù hợp, hiệu quả. Việc lựa chọn SGK được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, có sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh học sinh...

Chia sẻ về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, huyện Ứng Hoà cho biết, các trường xây dựng kế hoạch thực hiện một cách linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vừa phải thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, vừa phải lựa chọn bộ SGK mới phù hợp cho cơ sở là việc làm khó.

Ngoài ra, giá thành SGK còn cao hơn so với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và mức sống của người dân, trong khi tính liên thông về các cuốn sách sẽ không được ổn định khi hàng năm có nhiều bộ sách để lựa chọn thực hiện, nên huyện mong muốn có giải pháp hỗ trợ bù giá SGK cho học sinh.

Để thực hiện SGK mới hiệu quả, huyện Ứng Hòa cho rằng cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng SGK, đồng thời đầu tư các nguồn lực cho công tác chọn sách, bảo đảm chất lượng GDPT…

Cho ý kiến về việc chọn SGK cho năm học tới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, để thực hiện Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình khung, SGK của các NXB đều biên soạn dựa theo chương trình khung. Do vậy, chuẩn kiến thức, kỹ năng ở các cuốn sách là thống nhất, nhưng cách đặt vấn đề có thể khác nhau.

Căn cứ điều kiện dạy học và đối tượng học sinh ở địa bàn mình, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị giáo viên các trường nghiên cứu thật kỹ SGK mới, từ đó đề xuất cuốn sách phù hợp, làm căn cứ cho hội đồng lựa chọn sách TP phê duyệt đưa vào giảng dạy từ năm học 2023 - 2024.

Hải Hà