Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 15/02/2011 - 02:03
(Thanh tra)- Trong ngành Dược học, người ta biết đến cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, “ông Tổ” của thảo dược Việt Nam với 120 công trình lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" dày trên 1.200 trang, gồm 750 loài cây thuốc, vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị khoáng vật.
Sách ông Tri viết năm 1997
Sau này, TS sinh học Võ Văn Chi, nguyên giảng viên Khoa Dược học, Đại học (ĐH) Y Dược TP HCM cũng là người đau đáu với những bài thuốc dân gian, cả cuộc đời kiếm tìm những bài thuốc quý, là tác giả của cả trăm quyển sách về dược học. Giữa phố thời trang sầm uất nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, ngôi nhà của vợ chồng ông nhỏ bé, yên tĩnh. “Tôi mới được hóa giá căn nhà này trong năm nay. Dưới này để làm việc, phía trên để nghỉ ngơi”, TS Chi khoe với chúng tôi trong những ngày đầu Xuân mới.
Công trình để đời
Sinh ngày 1/3/1929, tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), ông Võ Văn Chi tốt nghiệp khóa 1 Khoa Sinh vật học, ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1956 - 1959 và lấy bằng TS vào tháng 2/1978. Sau đó, ông công tác tại ĐH Tổng hợp TP HCM từ năm 1959 - 1980. Theo sự phân công, từ năm 1980 - 1984, ông giảng dạy tại ĐH Đà Lạt, rồi về ĐH Y dược TP HCM đến năm 1991. Bên cạnh đó, ông còn là giảng viên thỉnh giảng của ĐH Quy Nhơn, ĐH Sư phạm Tây Nguyên, ĐH Sư phạm Phnom Penh.
Là tác giả cuốn “Từ điển Tiếng Việt thông dụng”, “Rắn làm thuốc và thuốc trị rắn cắn” (Nhà xuất bản Khoa học và Kĩ thuật). Ông cho biết, thế giới có 2.700 - 3.000 loài rắn độc, riêng Việt Nam có 300 loài rắn độc (50 loài của đại dương). Lý do thôi thúc ông viết cuốn sách này là bởi nhiều vùng sâu, vùng xa của nước ta còn cách trở với bệnh viện nên sau khi rắn cắn, trong 2giờ đồng hồ, phải thực hiện các bài thuốc dân gian như: Rạch vết rắn độc cắn, hút máu, dùng củ tỏi, hoặc sừng hưu, nai để lấy nọc độc…
Theo thống kê tại Đông Dương, thời Pháp thuộc có hơn 1.500 cây thuốc. Sau năm 1975, theo nhiều quyển sách, riêng miền Bắc có 1.360 cây thuốc quý, tính cả Nam bộ thì có tổng cộng 1.863 loại. Trong một quyển sách công bố năm 2007 có hơn 3.100 loại cây. Tuy nhiên, trong sách của mình, ông đã công bố tới 4.800 loại cây thuốc, chưa kể các loại rau ăn được. “Việc tìm ra các loại cây thuốc mới để giới thiệu cho các cơ quan hữu quan có trách nhiệm giúp cho dân mình là điều cần làm”, ông tâm sự.
Sau khi cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” phát hành, ông được dự hội nghị tại Hà Nội do nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương chủ trì. Nhiều đại biểu nước ngoài xin chữ ký của ông trên sách để đem đi dịch lại.
Việc tìm ra một cây thuốc mới là một hành trình rất gian nan. Một mình ông từng trèo đèo lội suối đến những nơi khó khăn nhất để gặp gỡ nhân dân, đồng bào dân tộc, lương y… để định loại và tìm cây thuốc. “Cây thuốc quý phải sống ở những môi trường rất đặc biệt, chứ không thể sống nhan nhản bên vệ đường, đòi hỏi người đi tìm nó phải cố gắng vượt qua chính mình”, TS Chi cho biết. Có lần lên Đệ nhị Thiên sơn Nam bộ là đỉnh núi Chứa Chán, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, thấy “cây thuốc quý” bán tràn lan, ông không tin mà tự mình đi tìm ở những nơi hiểm trở nhất, đến thanh niên cũng ngán ngại.
Làm khoa học là phải có tâm sáng
Suốt những năm 1992 - 1996, trước thời điểm “Từ điển cây thuốc Việt Nam” được in, bằng đồng lương hưu còm cõi, không một nhà tài trợ, song cứ nghĩ đến việc làm có ích nên ông lại dấn thân. Nhiều anh em đồng nghiệp cho mượn tiền mua máy ảnh, cho ảnh làm nên tập sách. “Nếu như hồi đó tôi nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài thì không làm được. Làm khoa học là phải có tâm sáng, phải có những công trình khoa học giúp dân chứ không phải nói khoác, đi nước ngoài thường xuyên hơn ở nhà”, ông thẳng thắn nói.
Đến nay, cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” đã tái bản 7 lần, sắp tới là lần thứ 8. Tuy nhiên, ông vẫn muốn bổ sung thêm những cây thuốc mới nên hằng ngày vẫn cất công đi tìm, dịch lại các tài liệu… rồi chỉ bảo cho con cháu đánh máy và sắp xếp lại thành từng trang chi tiết.
Một điều đặc biệt đối với nhà khoa học xứ Nghệ này là không bao giờ đề học hàm, học vị lên trên sách. Ông lí giải: “Là GS hay TS mà viết sách không ai xem thì để làm gì. Điều quan trọng của người viết sách là có bạn đọc ủng hộ, họ thấy những điều mình cần trong sách, thế là đủ”.
Vị TS già sắp bước qua tuổi 81, nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe rất tốt. Ông không hút thuốc lá, không rượu, không cà phê. Đặc biệt, dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn giữ lịch làm việc từ thời còn trẻ, sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30, ăn cơm trưa, nghỉ đến 13 giờ 30, ông lại tiếp tục làm việc đến tối.
Hạnh phúc của ông ngoài công việc ra là con cháu và gia đình. Tứ đại đồng đường nhà ông sống yên vui, thuận hòa. Ông bảo rằng, thành công của ông một phần nhờ vào người vợ 60 năm tuổi Đảng luôn động viên chồng hoàn thành những quyển sách tiếp theo.
Nguyễn T Tuyết Nhung
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC