Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổ xô mua trái thuốc phiện làm “thần dược” vì tin đồn

Chủ nhật, 25/11/2012 - 10:06

(Thanh tra) - “Trái của cây thuốc phiện sau khi đã rạch lấy nhựa có thể chữa được bách bệnh” (?). Từ đầu năm 2011 đến nay, không ít người ở huyện miền núi cao Mường Lát, Thanh Hóa, đổ xô tìm kiếm thứ trái loài cây cấm này chỉ vì tin đồn thất thiệt…

Trái thuốc phiện sau khi đã lấy nhựa

Mường Lát nằm ở thượng nguồn sông Mã, giáp với huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La và có hơn 100 km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện Viêng Xay và Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Trong những năm thập kỷ 80 và đầu 90, việc trồng cây thuốc phiện và mua bán thuốc phiện trên địa bàn diễn ra phổ biến, công khai. Thuốc phiện trở thành vật phẩm để trao đổi, cho, tặng.

Việc hút thuốc phiện trong các dịp lễ Tết, hiếu, hỷ của đồng bào Mông, Thái, Dao, Khơ Mú ở đây là không thể thiếu.

Do vậy, bấy giờ, từ rừng sâu, rẻo cao đến vườn của các hộ gia đình, đâu đâu cũng thấy cây thuốc phiện. Thời điểm này, Mường Lát được coi là một trong những địa danh có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Vàng A Sú kể: Gần đây, không biết từ đâu người dân bản cũng có nghe chuyện lấy trái cây thuốc phiện (sau khi đã rạch lấy mủ) đem ngâm với rượu uống sẽ chữa khỏi nhiều bệnh. Đặc biệt đối với người già bị bệnh đau lưng và một số bệnh khác.

Theo câu chuyện của dân bản Trung Thành, Sài Khao... xã Mường  Lý, thì trái thuốc phiện trước đây chỉ là thứ bỏ đi sau ba lần bị rạch lấy nhựa. Chỉ một số người dân địa phương sử dụng trái này ngâm rượu uống như dạng một bài thuốc.

Thế nhưng, nay trái thuốc phiện bất ngờ có giá, nhiều người tìm cách thu mua trái thuốc phiện để đem bán. Vì nhận thức của người dân cho rằng, trái không còn nhựa, không gây nghiện nên không vi phạm pháp luật, nên có thời điểm, loại trái này được mua bán công khai với giá khoảng 50.000 đồng/kg.

Từ năm 2007 - 2011, Công an huyện Mường Lát phối hợp với cơ quan chức năng triệt phá hơn 2.000m2 cây thuốc phiện ở các xã như Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, Tam Chung, Mường Lý.

Trong vụ 2011 - 2012, phá được 76m2 cây thuốc phiện trồng xen kẽ với rau cải và cây củ i (một loại cây thuốc dân gian) tại bản Pua Pù, bản Cơm và bản Pù Mùa của xã Pù Nhi.

Số đối tượng tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông. Để che giấu sự phát hiện của lực lượng chức năng, những đối tượng này đã lén lút tái trồng trên các rẻo núi cao, khe núi sâu và các địa bàn giáp biên giới xa khu dân cư.

Phó trưởng Công an huyện Mường Lát, Lê Xuân Tố cho biết: Nguyên nhân chính diễn ra việc tái trồng cây thuốc phiện là do cây thuốc phiện là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, quá trình phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết của Mường Lát. Mặt khác, do nhận thức mà nhu cầu sử dụng thuốc phiện trong các bài thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Bên cạnh đó, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện tại các địa bàn giáp biên giới phía nước bạn Lào chưa được kiểm soát đã tác động rất lớn đến tình hình này của Mường Lát. Đặc biệt, từ năm 2011, trên địa bàn huyện rộ lên tin đồn về loại “thần dược” từ trái, cây thuốc phiện ngâm rượu.

Theo tin đồn, loại rượu trên được coi như “thần dược”, không những có tác dụng giảm đau, chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột mà còn có khả năng làm tăng cường “năng lực đàn ông” (?).

Trong mỗi bình rượu sẽ có rễ, thân, và trái cây thuốc phiện, bình càng nhiều trái càng đắt. Giá trung bình hiện tại từ 1,5 - 2 triệu đồng/bình 5 lít. Bình rượu chỉ ngâm trái thuốc phiện có giá cao gấp đôi so với rượu ngâm thân cây. Thậm chí, nghe nói cây thuốc phiện còn được ngâm với rượu ngoại. Một bình rượu Chivas hay Hennessy 5 lít ngâm với hoa anh túc có giá từ 50 - 70 triệu đồng.
Thời gian qua, Công an huyện Mường Lát đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ mua bán loại quả này...

Đầu năm 2012, Công an huyện Mường Lát đã bắt giữ 2 vụ tàng trữ quả thuốc phiện. Cụ thể, vụ thứ nhất là bắt giữ 22 kg quả thuốc phiện đã cạo lấy nhựa tại gia đình Lê Văn Tuấn (1957) ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn. Vụ án đã được khởi tố và đang trong quá trình điều tra.

Vụ thứ hai, bắt giữ hơn 600 gam quả thuốc phiện tại gia đình Phạm Thị Mai (1986) ở bản Chim, xã Nhi Sơn. Vụ việc đang còn trong quá trình điều tra vì quy định: Nếu tàng trữ 5 kg quả thuốc phiện khô và 1 kg quả thuốc phiện tươi thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong các văn bản hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể trái thuốc phiện như thế nào là khô và tươi, hàm lượng morphin có trong trái thuốc phiện là bao nhiêu?... để xử lý. Theo ông Lê Xuân Tố, điều này sẽ gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, bắt giữ, xử lý người vi phạm trong việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái cây thuốc phiện trên địa bàn.

Tình trạng mua bán rượu ngâm trái cấm này không chỉ có ở xứ Thanh. Cách đây chưa lâu, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt quả tang Bùi Thị Hoa, trú tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái tàng trữ 1.500 lít rượu ngâm thuốc phiện cùng hơn 2 kg trái thuốc phiện. TAND thị xã Nghĩa Lộ tuyên bị cáo Hoa phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 7 năm tù giam. Một đồng phạm khác cũng nhận  mức án 3 năm tù treo.

Điều 194 của Bộ Luật hình sự quy định, những người mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội mua bán trái phép chất ma túy. Việc cho rằng rượu ngâm cây thuốc phiện không phải là ma túy nên hành vi mua bán, sử dụng loại rượu này không vi phạm pháp luật là thiếu hiểu biết và không đúng. Vấn đề đặt ra là, hiện trong các văn bản pháp quy về xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái cây thuốc phiện chưa có chế tài xử lý hành vi trên với lá, thân, rễ cây (như đã quy định với cây cần sa, cây cô ca) nên đã gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần tuyên truyền phổ biến tác hại của rượu ngâm cây thuốc phiện đối với sức khỏe người dùng và các chế tài của pháp luật xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến loại rượu này.

Và điều quan trọng nhất là mỗi người tiêu dùng hãy thận trọng khi bỏ ra một số tiền không nhỏ để mang về nhà một loại đồ uống mà công dụng của nó mới chỉ nghe qua những lời đồn thổi, kẻo có ngày vừa vướng vào vòng lao lý lại vừa chuốc bệnh vào người.

Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E Trung ương cho biết, khi sử dụng rượu ngâm hoa, quả, cây thuốc phiện, người dùng có khả năng bị nghiện. Việc sử dụng loại rượu này liên tục, trong một thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe, khiến người sử dụng có khả năng bị tê liệt thần kinh, giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, kèm theo đó các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa cùng một số cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách.

    Minh Mẫn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm