Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhà nước chi từ 50 đến 70 tỷ đồng làm phim trong năm 2015

Thứ sáu, 04/12/2015 - 14:59

Số tiền được đầu tư cho việc đặt hàng và mua sắm trang thiết bị sản xuất phim khá lớn nhưng hiệu quả thực tế không như mong muốn.

"Sống cùng lịch sử" được nhà nước đầu tư 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé khi ra rạp.

Tại hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” diễn ra hôm 3/12 tại TP HCM, số liệu trong báo cáo của ông Đỗ Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện Ảnh - về kinh phí Nhà nước đầu tư sản xuất phim thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu. Theo báo cáo, năm 2015 Nhà nước dành từ 50 đến 70 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị và sản xuất các hạng mục: phim truyện, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình.

Ông Đỗ Duy Anh không đưa ra con số cụ thể cho hạng mục phim truyện điện ảnh nhưng qua số liệu thống kê nhiều năm, có thể thấy Cục Điện Ảnh dồn nhiều kinh phí cho phim truyện, đặc biệt là phim lịch sử. Thầu Chín ở Xiêm và Người trở về - hai phim có tính lịch sử tranh giải trong Liên hoan phim 2015 - cũng được đầu tư hơn 10 tỷ đồng mỗi phim. Trước đó, 10 tỷ đồng được đầu tư cho Những người viết huyền thoại (2013), Sống cùng lịch sử ( 2014) có kinh phí cao kỷ lục là 21 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn kinh phí trong tổng số hơn 50 tỷ đồng đầu tư của Nhà nước mỗi năm nhưng phim lịch sử chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế.

Phim Thái Sư Trần Thủ Độ sau khi hoàn thành phải mất ba năm đắp chiếu mới được lên sóng. Đến nay, ngoài phim Những người viết huyền thoại có doanh thu lớn nhất - 500 triệu đồng (bằng 1/10 kinh phí đầu tư), những phim lịch sử còn lại đều có doanh thu thấp hoặc không có doanh thu.

Vài năm trước, một số phim như Hà Nội 12 ngày đêm thu được 4 triệu đồng tiền bán vé, Ký ức Điện Biên là 700.000 đồng. Các rạp chiếu phimSống cùng lịch sử phải liên tục hủy bỏ các buổi chiếu vì số lượng khán giả mua vé trong tuần công chiếu chỉ từ hai đến ba người. Còn lại, Thầu Chín ở Xiêm và Người trở về được sản xuất để phát hành năm 2015 đều chiếu miễn phí.

Trước thực trạng đầu tư phim không hiệu quả, chuyên gia các nước có nền điện ảnh phát triển đã gợi ý nhiều giải pháp cho điện ảnh Việt Nam.

Những giải pháp này xoay quanh việc thúc đẩy công tác quảng bá phim trong nước, hợp tác sản xuất với nước ngoài, thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm phim.

Ông Yun Ha - thuộc Ủy ban chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc - chia sẻ những con số ấn tượng của đất nước mình: tỷ lệ người xem rạp của Hàn Quốc cao hơn cả Mỹ, trung bình một công dân Hàn mỗi năm đến rạp khoảng 5 lần. Hàn Quốc là nước nằm trong Top 10 doanh thu phòng vé thế giới, Top 10 về lượng khán giả.

Ông Yun Ha cho rằng để có được thành quả trên, những người làm công tác quản lý điện ảnh sớm chú trọng việc phát triển hệ thống thông tin phòng vé trên mạng. Hệ thống này không chỉ đem đến thông tin các bộ phim mà còn phân loại thứ hạng, vị trí của chúng tại những phòng vé, khiến khán giả dễ dàng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm mình yêu thích.

Bà Susan đến từ Hiệp hội Điện ảnh quốc tế châu Á - Thái Bình Dương khẳng định Việt Nam có nhiều bối cảnh đẹp cũng như những câu chuyện hay có thể dựng thành phim.“Hiện xu hướng hợp tác làm phim đang được khuyến khích. Việt Nam hãy đơn giản quy trình cấp phép quay phim hay dễ dàng hơn với visa làm phim”, bà Susan nói.

Hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các nước.

Ông Jakob Krirstein Hogel - nhà sản xuất, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật của Học viện phim Đan Mạch - khẳng định một nền điện ảnh phát triển cần hội đủ các yếu tố: nhân tài, đào tạo chuyên nghiệp và đầu tư. Ông cho rằng bên cạnh việc lập quỹ hỗ trợ điện ảnh, cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực làm phim. Điều quan trọng là dạy cách kể những câu chuyện bằng phim sao cho tác phẩm không rơi vào lối mòn của thị trường điện ảnh.

Đại diện phía Việt Nam - Cục trưởng Cục Điện Ảnh Ngô Phương Lan - cho rằng việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh là nỗi trăn trở nhiều năm nay của những người làm công tác quản lý. Thông thường ở các nước khác, quỹ này được trích từ doanh thu phòng vé. Nhưng ở Việt Nam, các phòng vé bị đánh thuế khá nặng nên Cục Điện Ảnh không thể thu thêm để sung quỹ.

"Chúng tôi đã hai lần dự thảo văn bản về việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh nhưng chưa nhận được sự đồng thuận từ Bộ Tài Chính và Bộ kế hoạch đầu tư", bà Ngô Phương Lan phát biểu tại hội thảo.

Theo Châu Mỹ/VnExpress

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm