Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2011: Niềm vui chưa trọn vẹn

Thứ sáu, 25/02/2011 - 15:29

(Thanh tra)- Nhiều kháp chọi hay, nhiều pha đánh đánh đẹp của các “ông trâu” tham dự lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô - Vĩnh Phúc) 2011 đã để lại cho du khách thập phương nhiều ấn tượng lưu luyến. Tuy nhiên, nhiều du khách cho rằng, niềm vui lễ hội năm nay chưa trọn vẹn vì nạn cờ bạc, cảnh ăn xin tràn lan đang làm cho lễ hội mất tính linh thiêng và trang trọng.

Một miếng đánh ngoại mục của “ông trâu” số 23 hạ gục “ông trâu” số 3





“Dù ai đi đâu, ở đâu
Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”!

Tương truyền, lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Lúc bấy giờ, nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc. Trước và sau mỗi trận đánh, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Những “đấu sĩ trâu” sau khi “thượng đài” được mổ để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, nhân dân Hải Lựu tôn vinh thờ làm Thành hoàng của làng. Lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Từ năm 1947, vì nhiều lý do khác nhau khiến lễ hội chọi trâu Hải Lựu bị gián đoạn và đến năm 2002 mới được khôi phục lại. Sau thời gian tái hiện, lễ hội chọi trâu Hải Lựu được tổ chức ngày càng quy mô, hoành tráng. Tính thượng võ của các “ông trâu” qua từng miếng đánh, kháp đấu ngày càng được nâng cao.

Năm nay, sau phần lễ trang nghiêm, 26 “ông trâu” đến từ các thôn trong xã được mua về từ nhiều vùng, miền cùng nhau tranh tài với 25 kháp đấu. Sau 4 trận toàn thắng, “ông trâu” số 4 và “ông trâu” số 15 đã gặp nhau trong trận chung kết. Bằng những miếng đánh hiểm, cấp tập, sau gần 10 phút áp đảo đối phương, “ông trâu” số 4 (chủ trâu Đỗ Duy Hạnh thôn Hòa Bình) đã hạ gục được “ông trâu” số 15 giành ngôi quán quân với giải thưởng trị giá 30 triệu đồng; “ông trâu” số 11 và “ông trâu” số 17 đồng giải ba với giải thưởng 10 triệu đồng/“ông trâu”.

Hầu hết các du khách về tham gia lễ hội năm nay đều đánh giá cao công tác tổ chức, điều hành ở trong khu vực sới chọi và việc tìm mua và huấn luyện được những “ông trâu” vừa to khỏe, vừa chọi hay của các ông chủ trâu. Nhiều miếng đánh, kháp đấu nẩy lửa, kịch tính chừng như không tưởng đã được các “ông trâu” thể hiện làm xiêu lòng du khách.

Tuy nhiên, du khách thập phương về với lễ hội năm nay không khỏi chạnh lòng khi phải tận mắt chứng kiến nạn cờ bạc diễn ra tràn lan, thêm vào đó là những cảnh ăn xin đầy phản cảm.

Một sới bạc "sôi nổi" trên đường vào sới chọi


Theo quan sát của chúng tôi, nhiều hình thức đánh bạc được tổ chức công khai tại các lối dẫn vào sới chọi, kể cả ban đêm. Nào là đỏ, đen; tôm, cua; “chiếc nón kỳ diệu”… Không ít du khách đã phải trắng tay khi bị bọn “cò mồi” dụ vào sới bạc. Các hình thức đánh bạc cũng thu hút không ít trẻ em tham gia. Việc tổ chức cờ bạc được diễn ra công khai trên các lối đi nên đã làm ách tắc giao thông, thậm chí còn xảy ra xô sát gây mất trật tự nơi công cộng…

“Lực lượng” ăn xin đến với lễ hội năm nay cũng khá đông và nhiều hoàn cảnh. Cảnh một cậu bé khoảng trên chục tuổi ôm một em bé độ 2 tuổi được đặt trên một tấm ni lông nằm ngay trên đường đầy bùn đất lầy lội khiến ai đi qua cũng phải suy nghĩ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những mảnh đời tội nghiệp đó do nhóm người bảo kê dàn dựng để moi tiền du khách bằng lòng thương cảm. “Lực lượng” ăn xin này cũng góp phần không nhỏ làm ách tắc giao thông.

Ăn xin nằm la liệt trên đường


Trao đổi về những bất cập trên với PV, ông Hà Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết, chính quyền xã, Ban Tổ chức đã phối hợp với lực lượng an ninh huyện Sông Lô, các cơ quan chức năng tăng cường truy quét các tệ nạn như cờ bạc, ăn xin, lập lại trật tự và đã thu được những kết quả nhất định. “Tuy nhiên, do lượng du khách đến với lễ hội khá đông, lễ hội diễn ra trên phạm vi rộng nên việc duy trì trật tự, xóa nạn cờ bạc, ăn xin cũng chưa được triệt để”, ông Thư thừa nhận.

Một vấn đề khác cũng được nhiều du khách “dị nghị”, đó là sợ mua phải thịt trâu chọi “rởm”. Mặc dù Ban Tổ chức quy định khu giết mổ trâu chọi phục vụ du khách có lực lượng bảo vệ giám sát, tuy nhiên, về cuối hội, một số tư thương đưa trâu thịt vào khu vực giết mổ trâu chọi và được rao bán như… trâu chọi. Sự việc trên cũng được một số chủ trâu phản ánh đến Ban Tổ chức.

Chia tay lễ hội, du khách mong rằng, đến với lễ hội năm 2012 không còn phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm như trên để niềm vui được trọn vẹn.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm