Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện cắt hình trên bóng của "quái kiệt đất Thừa Thiên"

Thứ tư, 20/06/2012 - 06:58

(Thanh tra) - Nghệ thuật “cắt hình trên bóng” không chỉ khiến người xem thích thú pha lẫn ngạc nhiên, mà còn cho thấy sự tài hoa từ đôi tay của người nghệ nhân. Đến nay, Việt Nam chỉ mới có 3 nghệ nhân chơi nghệ thuật này, trong đó nghệ nhân Hoàng Long, mệnh danh "quái kiệt đất Thừa Thiên" là người đầu tiên tạo dựng và đưa nghệ thuật này về Việt Nam.

Nghệ nhân Hoàng Long và tác giả

40 năm rong chơi với nghề

Trong một dịp trở lại với Huế, tôi tình cờ gặp được ông dưới một bóng cây già ngay chân chùa Thiên Mụ. Theo lời ông, thì không khó để đến với nghệ thuật “cắt hình trên bóng”. Nhưng để theo đuổi, rèn luyện và chơi được môn nghệ thuật này, người học phải có được những tố chất nhất định, óc thẩm mỹ, năng khiếu, sự sáng tạo và một chút đam mê.

Nhìn ông thoăn thoắt trên tay chiếc kéo nhỏ, một tờ giấy đen trong vòng chưa đến 30 giây đã tạo ra một bức “bóng” của người mẫu, không ít du khách đã trầm trộ thán phục. Biết tôi có ý định tìm hiểu về môn nghệ thuật thú vị này, ông lão có mái tóc bạc như cước, khuôn mặt và vóc dáng không khác gì một nghệ sĩ lãng tử vui vẻ bắt chuyện.

Ông kể, ông đến với nghệ thuật cắt hình này một cách hết sức tình cờ. Vốn là một nghệ sĩ chuyên thổi sáo ngâm thơ, năm 1972, sau khi tham gia một đêm diễn văn nghệ và đêm hội thơ tại Huế,  ông đã tình cờ gặp được một nghệ sĩ người Âu đang cắt hình cho đám đông tại hội thơ Xuân. Nhìn thấy những nét cắt nhanh, tinh xảo để tạo ra chân dung một người trong khoảng thời gian ngắn, ông như bị thôi miên với môn nghệ thuật này.

Hôm sau, ông lại ra hội thơ xem nghệ nhân kia cắt hình một lần nữa để rồi về nhà tự tìm tòi, lần mò cách thức cơ bản của nghệ thuật tạo hình độc đáo trên. Tuy nhiên, vì không thật sự am hiểu và nắm chắc về những kỹ thuật trong lĩnh vực tạo hình nền dù rất cố gắng và miệt mài luyện tập những khi rảnh rỗi, nhưng phải đến năm 1976 sau khi học xong một lớp học về cơ thể học tại trường Mỹ Thuật Đông Dương, ông mới thật sự hoàn thành được những nét cắt cơ bản đầu tiên của môn nghệ thuật này.

Suốt gần 40 năm “rong chơi” với nghệ thuật “cắt hình trên bóng”, nơi đâu ông đến, ông cũng để lại ấn tượng đẹp cho nhiều du khách. Ông cho biết, thật ra ông không phải là người Việt Nam đầu tiên lĩnh hội được môn nghệ thuật đôc đáo này. Bởi trước ông, từ năm 1956, ở Campuchia đã có một người Việt hành nghề này.  “Trong một lần có dịp qua Campuchia dự hội nghị giao lưu với các nhà thơ tại hội chợ thơ Nam Vang, tôi đã thấy một anh người Việt mưu sinh bằng nghề này. Tuy nhiên, lúc đó tôi cũng chưa thật sự để ý, nhưng đến năm 1972 sự tình cờ lại một lần nữa cho tôi gặp lại nghệ nhân người Âu với loại hình nghệ thuật trên nên tôi quyết định theo đuổi”, ông nói.

Theo ông, nghệ thuật cắt hình trên bóng vừa đơn giản vừa khó, khó nhất là thể hiện được sự cảm thụ của người cắt về đường nét của nhân vật. Đó cũng chính là điều thu hút ông gắn bó dài lâu với nghệ thuật này. Ngày nào tôi cũng luyện cắt hình bóng, đi đâu cũng không quên mang theo kéo và giấy. Để học được đường cắt căn bản để có thể cắt một ảnh cho vui thì có thể chỉ cần 10 - 15 ngày. Còn để cắt đẹp, cắt nhanh thì tất nhiên không thể thiếu sự luyện tập và đam mê thật sự. “Những ngày đầu vui chơi cùng môn nghệ thuật này tôi tốn một ngày không dưới 3 ký giấy, cứ khi nào rảnh là tôi lôi kéo ra cắt, cắt bất cứ thứ gì tôi thích và mặc cho trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình bay bổng. Nhưng không thành công lắm bởi những nét cắt còn quá thiếu kỹ thuật. Sau khi lĩnh hội một ít kỹ thuật cơ bản từ 2 người tôi may mắn gặp, qua một lớp đào tạo bài bản về cơ thể học, tôi mới thành công”, ông chia sẻ.

Lãng tử mà… đầy nhân ái

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng thâm niên với thú vui nghệ thuật cắt hình trên bóng của ông đã chiếm hơn nửa đời người. Không xem nghệ thuật “cắt hình trên bóng” là một nghề, nhưng khi nào rảnh và có thời gian, ông lại lên đường đến các điểm du lịch khắp đất nước vẽ hình bằng nét cắt cho du khách để chắp cánh cho mục đích riêng của mình. Đó là dùng thu nhập ít ỏi giúp đỡ cho những trẻ em nghèo, khó khăn.

Vốn xuất thân từ gia đình có nhiều khó khăn, trải qua hai cuộc chiến khốc liệt của đất nước, nên hơn ai hết ông hiểu những giá trị về sự sẻ chia giữa người với người. Mỗi chuyến đi xa, ông thường lưu trú lại từ 15 - 20 ngày để phục vụ du khách thập phương, các em học sinh. Mỗi bức ảnh độc đáo được tạo ra từ nét cắt tinh tế của ông, ông chỉ thu của du khách 10 - 20 ngàn đồng. Cứ thế, ông lang thang khắp các khu du lịch trong Bắc, ngoài Nam để “vẽ hình bằng kéo” cho mọi người.

Ông chia sẻ: “Tôi rất thích phiêu lưu và khám phá những miền đất mới. Vì thế, khi có điều kiện và thời gian là tôi lên đường. Bình quân một chuyến đi dài ngày tôi kiếm được khoảng 4 - 5 triệu, trừ đi chi phí xe cộ, ăn ở cũng còn được 2 triệu để đóng góp và làm từ thiện cho các tổ chức Hội chữ thập đỏ, quỹ tương thân tương ái ngay tại các địa phương mà mình đến. Mình còn sức khỏe, còn có niềm vui với nghệ thuật này thì mình cứ đi. Bởi tôi thấy, nó không chỉ giúp mình thỏa mãn đam mê khám phá, đắm chìm trong sự sáng tạo nghệ thuật, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng”.

Trong suốt hàng chục năm theo đuổi thú chơi nghệ thuật độc đáo này, thực hiện những hoạt động mang nặng tính cộng đồng, những kỷ niệm, những ký ức về các chuyến đi hình như vẫn vẹn nguyên trong trái tim và khối óc ông.

Ông kể, đợt ra Đà nẵng năm 2009 có lẽ để lại cho ông nhiều ký ức và kỷ niệm nhất. Lần ấy khi đang cắt hình cho khoảng 6 - 7 em học sinh du lịch tại Bà Nà thì có một em cứ ngồi ngắm nhìn các bạn mãi không chịu đi. Tưởng em đi chung cùng nhóm bạn kia nên tôi có ý muốn cắt cho em một tấm vì sợ em không có tiền. Nhưng thật ngạc nhiên, người em muốn tôi cắt lại không phải em, mà chính là người cha kính yêu đã mất của em hai năm về trước.

Không hình ảnh, không mẫu nên để cắt được một khuôn hình thông qua những ký ức mong manh, ít ỏi của em bé ấy về người cha thật sự khiến tôi lúng túng. Nhưng vì quá thương và hiểu cảm xúc của em nên tôi cố gắng phác họa chân dung người cha ấy từ chính những nét thanh tú trên khuôn mặt tinh khôi, giàu cảm xúc của em. Sau gần 15 phút thả hồn theo những gì tưởng tượng, tôi e dè đưa hình cắt cho em. “Em cầm hình, không nói giống hay không, nhưng nước mắt chảy dài,  khiến tôi không sao cầm được nước mắt mình. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu hơn về những điều nghệ thuật tạo hình mang lại”, ông nói.

Hay câu chuyện về những chuyến đi giúp đỡ học sinh nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn cũng để lại cho ông rất nhiều kỷ niệm.

Từ chuyện ông cắt hình cho các cháu nhỏ học sinh miền núi không có tiền, đến những bức hình đầy nước mắt của các cháu thiếu nhi khuyết tật khi lần đầu được thấy khuôn mặt mình thông qua sờ tay, hay những quyển sách, xuất học bổng giúp trẻ em nghèo vượt khó mà ông cùng các quỹ hội địa phương gửi đến các em, khiến ông càng thêm “dấn thân” cho hoạt động thiện nguyện của mình.

Ngồi tiếp chuyện ông, cảm nhận chất lãng tử nơi ông nhưng tôi vẫn thấy một cái gì đó rất đẹp, rất nhân văn từ con người này. Như hiểu ánh mắt ngạc nhiên từ tôi, ông cười, đọc tặng tôi bài thơ mà một người bạn trong Chi hội thơ quận Bình Thạnh viết tặng: “Tiếng sáo anh, hay tình yêu bay bổng/ Nghe sáo anh làm sao động lòng ai/ Hương sáo anh hay hương sáo hoa nhài/ Cho ai gửi hồn ai vào hương sáo/ Hoàng Long ơi, chẳng hổ rồng vàng/ Vẽ sông, sông đẹp, vẽ nàng, nàng xinh”.

Chỉ  tiếp xúc với ông trong thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi thật sự cảm phục ông. Một người ở độ tuổi “Thất thập cổ lai hy” vẫn có cống hiến cho đời bằng nghệ thuật cắt hình bóng, ký họa chân dung, viết thư pháp, thổi sáo, ngâm thơ. Tuy nhiên, điều đặc biệt mà mọi người vẫn hay nhắc đến ông, một nghệ nhân đầy lãng tử, mà  tấm lòng nhân ái bao la.


Ghi chép của Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm