Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng tràn lan các cảng vụ của Bangladesh

Thứ ba, 25/09/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Mỗi lô hàng khi qua hải cảng Mongla và cảng Burimari của Bangladesh, mặc dù có đầy đủ giấy tờ cũng vẫn phải chi tiền hối lộ mới được thông qua.

Họp báo tại Văn phòng của TIB ở Thủ đô Dhaka ngày 22/9. Ảnh: The Daily Star

Theo Tổ chức Minh bạch Bangladesh (TIB), các nhân viên Chính phủ và cán bộ tập đoàn vận tải tham nhũng đã khiến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tại hải cảng Mongla và cảng Burimari bị cản trở nghiêm trọng.
 
Các doanh nhân khi qua các cảng này, mặc dù có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, vẫn bị buộc phải chi tiền hối lộ để hàng hóa của họ được giải phóng kịp thời.
 
Theo một báo cáo mới dựa trên kết quả cuộc điều tra tại 2 cảng Burimari và Mongla được thực hiện bởi TIB, tham nhũng diễn ra chủ yếu trong các văn phòng hải quan và các cơ quan cảng vụ.
 
TIB đã chia sẻ các phát hiện này tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Văn phòng của TIB ở Thủ đô Dhaka cuối tuần qua.
 
Cuộc điều tra do TIB thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 9/2018.
 
Kết quả điều tra cho thấy, trong năm tài khóa 2016 - 2017, Cơ quan Hải quan tại hải cảng Mongla đã nhận hối lộ khoảng 156,9 triệu Tk (hơn 43,67 tỷ đồng) để giải quyết việc giải phóng hàng hóa, trong khi chính quyền cảng Mongla đã nhận 46,1 triệu Tk (12,8 tỷ đồng) tiền hối lộ.
 
Cùng thời gian đó, tổng cộng 1,71 triệu Tk (476 triệu đồng) đã được hối lộ tại cảng Burimari và trạm hải quan để giải quyết việc giải phóng hàng hóa. Khoảng 8.550 xe tải chở hàng hóa đã phải chi thêm 200 Tk mỗi xe để được qua cảng, TIB cho biết.
 
Những tiết lộ của cuộc điều tra cho thấy, hành vi tham nhũng tại cảng Mongla phổ biến rộng rãi đến mức cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều bị ép đưa hối lộ để giải phóng hàng, Iftekharuzzaman, Giám đốc điều hành của TIB cho biết.
 
Trích dẫn một vụ việc tham nhũng cụ thể, lãnh đạo TIB chia sẻ: Một doanh nhân đã nhập khẩu 20 động cơ hút nước, nhưng khi đến cảng để giải phóng lô hàng, các nhân viên hải quan đã yêu cầu doanh nhân này phải đưa hối lộ 70.000 Tk, mặc dù ông cung cấp được đầy đủ giấy tờ cần thiết.
 
Khi doanh nhân này từ chối việc đưa hối lộ, nhân viên hải quan yêu cầu ông phải tiến hành các kiểm tra liên quan đến tính chất vật lý của tất cả máy chạy bằng diesel để bảo đảm nó phù hợp với thông số kỹ thuật mã lực được đề cập trong các tài liệu nhập khẩu.
 
Cuối cùng, nhà nhập khẩu phải quyết định đưa cho nhân viên hải quan số tiền 20.000 Tk, vì việc kiểm tra từng máy một sẽ tốn quá nhiều thời gian và công sức.
 
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cảng Mongla trong việc xuất khẩu và nhập khẩu, Giám đốc điều hành TIB cho biết, 60% xe cộ nhập khẩu của Bangladesh đã được nhập về từ cảng này mỗi năm. Thêm vào đó, gạch nung, phân bón và than cũng được nhập khẩu với số lượng lớn thông qua cảng biển này.
 
Trong khi đó, kết quả điều tra cũng chỉ ra, các cán bộ liên minh vận tải đã nhận bất hợp pháp 54 triệu Tk (15 tỷ đồng) như khoản "lệ phí bến bãi" từ những cá nhân phải sử dụng cảng xếp dỡ hàng hóa Burimari. Họ đã yêu cầu một khoản tiền 900 Tk (250.530 đồng) cho mỗi xe tải.
 
Các xe tải tại cảng đất liền này không thể được thuê mà không có sự giúp đỡ của một người trung gian - người đã lấy 400 Tk (111.346 đồng) tiền “lệ phí bến bãi" cho mỗi xe, theo TIB.
 
Hơn nữa, tại cảng Burimari (huyện Lalmonirhat), lực lượng nhân viên xếp dỡ hàng hóa rất hùng hậu, bởi các nhà nhập khẩu và xuất khẩu "nuôi" họ rất khỏe. Ông Iftekharuzzaman cho biết, các doanh nhân phải chi "tiền trà thuốc" từ 200 - 500 Tk cho họ để bốc xếp hàng hóa từ các xe tải.
 
Các công nhân cho biết, 39 Tk cho mỗi tấn hàng hóa như quy định là không đủ. Họ cũng yêu cầu hơn 40 Tk/tấn hàng hóa đến cảng đất liền Burimari từ Ấn Độ và Bhutan, điều tra của TIB cho biết.
 
Để ngăn chặn tham nhũng tại các cảng vụ, TIB đề nghị cần nhanh chóng số hóa các thủ tục, xóa bỏ việc dùng các giấy tờ trong làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu và hải quan.
 
Cơ quan hải quan của Bangladesh là đơn vị chịu trách nhiệm đóng góp 2,65% GDP của đất nước. 31,62% doanh thu đó đến từ việc xuất khẩu và nhập khẩu, mà chủ yếu được thực hiện thông qua hải cảng Mongla và cảng Burimari.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm