Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 23/04/2017 - 06:39
(Thanh tra)- Tòa án chuyên xét xử các vụ án chính trị, tài chính và khủng bố, trực thuộc Tòa án Tối cao Tây Ban Nha, vừa giáng một đòn bất ngờ vào Đảng Nhân dân cũng như người đứng đầu Chính phủ, khi ra quyết định triệu tập đương kim Thủ tướng Mariano Rajoy phải ra làm chứng trước tòa trong phiên xét xử tham nhũng liên quan đến vụ bê bối tham nhũng Gurtel, một trong những vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến Đảng Nhân dân.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: EFE
Theo luật định của Tây Ban Nha, Thủ tướng có thể không cần phải đến trực tiếp tại phiên tòa để làm chứng, mà nếu muốn, có thể làm chứng thông qua cầu truyền hình trực tiếp kết nối giữa trụ sở Chính phủ và tòa án. Điều này được cho là nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối cho người đứng đầu Chính phủ.
Mặc dù ra quyết định triệu tập làm chứng, nhưng cơ quan tư pháp Tây Ban Nha chưa đưa ra thời gian cụ thể "vì còn nhiều vấn đề cần phải xử lý", theo thông tin từ Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Chính phủ Tây Ban Nha thông báo, Thủ tướng luôn tôn trọng những quyết định của tòa án và sẽ sẵn sàng làm chứng bất cứ khi nào tòa yêu cầu.
Như vậy, ông Mariano Rajoy trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha phải ra trước tòa với tư cách của một nhân chứng. Trước đây, năm 1991, cựu Thủ tướng của Đảng Xã hội Felipe Gonzalez (nhiệm kỳ 1982 - 1996) đã phải làm nhân chứng, nhưng không phải trực tiếp trước tòa mà chỉ phải trả lời những câu hỏi bằng văn bản do tòa án gửi đến, liên quan đến một vụ bê bối "chiến tranh bẩn" chống lại lực lượng ly khai ETA. Năm 1998, ông Felipe Gonzalez phải ra trước tòa làm chứng trực tiếp cũng liên quan đến vụ bê bối này, nhưng lúc này ông không còn giữ cương vị Thủ tướng.
Vụ bê bối tham nhũng Gurtel được chính thức điều tra từ đầu năm 2007 và kết thúc vào tháng 10/2016. Trong suốt quá trình điều tra, bê bối này luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và luôn "chiếm" trang nhất của nhiều tờ báo hàng đầu tại Tây Ban Nha.
Kết thúc điều tra, 37 người, trong đó có 12 người là cựu nghị sĩ và cựu quan chức Đảng Nhân dân, đã bị triệu tập, thẩm vấn và bị giám sát vì cáo buộc tham gia vào đường dây biển thủ công quỹ, diễn ra trong quãng thời gian từ năm 1999 - 2005.
Để phục vụ cho phiên xét xử đặc biệt vụ bê bối tham nhũng Gurtel, cơ quan tư pháp Tây Ban Nha quyết định triệu tập hơn 300 nhân chứng, trong đó có đương kim Thủ tướng Mariano Rajoy (giữ cương vị Chủ tịch Đảng Nhân dân suốt từ năm 2004 đến nay).
Kết quả điều tra cho thấy, trong số 37 người liên quan, có 2 người rất nổi tiếng ở Tây Ban Nha.
Người thứ nhất là doanh nhân, tỷ phú Francisco Correa. Đây là nhân vật chính trong vụ bê bối tham nhũng Gurtel, bởi tên của người này chính là tên của vụ bê bối. Trong tiếng Tây Ban Nha, từ "correa" có nghĩa là "dây đai", còn trong tiếng Basque (một trong những ngôn ngữ chính ở Tây Ban Nha) thì "dây đai" là "Gurtel". Tỷ phú Francisco Correa bị cáo buộc đã thực hiện hàng loạt hành vi hối lộ (bằng tiền, hiện vật…) cho nhiều quan chức, công chức chính quyền, nghị sĩ Quốc hội, để rồi giành được rất nhiều dự án của chính quyền các cấp ở Tây Ban Nha (chủ yếu là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và dự án môi trường).
Người thứ hai nổi tiếng không kém là Luis Barcenas, bạn thân Thủ tướng Mariano Rajoy đồng thời là cựu thủ quỹ của Đảng Nhân dân, bị điều tra vì số tài sản khổng lồ không giải trình được nguồn gốc trị giá lên tới 48 triệu euro cất giấu trong nhiều tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Trong phiên trả lời thẩm vấn của tòa án hồi tháng 1 đầu năm nay, Luis Barcenas đã tiết lộ về việc Đảng Nhân dân "sở hữu nhiều nguồn tài chính không được khai báo chính thức trên sổ sách. Nguồn tài chính này được tài trợ bởi nhiều tập đoàn lớn của Tây Ban Nha".
Về phần mình, Thủ tướng Mariano Rajoy luôn khẳng định không liên quan gì đến vụ bê bối Gurtel, đồng thời gọi đây là "âm mưu chống lại Đảng Nhân dân" vì "vụ việc này xảy ra cách đây đã quá lâu". Thủ tướng Tây Ban Nha cũng cho biết, phiên xét xử vụ bê bối Gurtel không nằm trong lịch trình nghị sự của ông, nhưng ông vẫn tôn trọng và sẽ làm chứng trước tòa nếu được yêu cầu. Đề cập đến cái tên Correa, Thủ tướng khẳng định không hề biết gì về người này, chỉ nhớ, hình như vào năm 2013, người bạn của mình là Barcenas có gửi tin nhắn điện thoại nhờ trợ giúp, trong đó hình như có nhắc đến cái tên Correa. "Đây là một sai sót nhỏ của tôi và tôi rất tiếc vì điều đó", Thủ tướng Mariano Rajoy nhấn mạnh.
Sau khi giành quyền kiểm soát Chính phủ vào tháng 10/2016, Đảng Nhân dân luôn tìm cách "quên" vụ bê bối Gurtel vì cho rằng nó đã xảy ra từ rất lâu rồi. Thế nhưng, cơ quan tư pháp Tây Ban Nha vẫn không để yên, vụ bê bối Gurtel tiếp tục được điều tra.
Theo Đảng Nhân dân, việc tòa án tiếp tục điều tra vụ bê bối Gurtel là "lạm dụng luật pháp", thậm chí còn gọi hành động này là "chủ ý chính trị". Tuy nhiên, phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích Thủ tướng tuyển dụng toàn những công chức "không phù hợp", đồng thời đề nghị ra điều trần trước Quốc hội để giải trình về những nguồn tài chính bất hợp pháp của Đảng Nhân dân. Phe đối lập cho rằng vụ bê bối Gurtel là sự "hổ thẹn quốc gia" và đề nghị Thủ tướng từ chức vì đã để xảy ra vụ bê bối tham nhũng này.
Madrid bắt giữ 12 người vì cáo buộc biển thủ Ngày 19/4, Tòa án Dự thẩm vùng Madrid (miền Trung Tây Ban Nha) đã ra lệnh bắt giữ 12 người liên quan đến một vụ bê bối biển thủ ngân sách địa phương. Theo thông tin ban đầu, vụ bê bối liên quan đến Công ty Canal d'Isabel II, một đơn vị quản lý nguồn nước sạch trực thuộc chính quyền vùng Madrid. Công ty này bị nghi ngờ đã đứng ra làm trung gian "chuyển ngân sách địa phương cấp cho các dự án nước sạch thành tiền túi của các cá nhân". Trong số 12 người bị bắt giữ, có cựu Thống đốc vùng Madrid Ignacio Gonzalez (nhiệm kỳ 2012 - 2015, đảng viên Đảng Nhân dân). Ngoài 12 người bị bắt giữ, Tòa án vùng Madrid cũng ra quyết định triệu tập hàng chục người làm nhân chứng, trong đó có đương kim Thống đốc vùng Madrid, bà Cristina Cifuentes (cũng là thành viên Đảng Nhân dân). |
Nhật Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn